Friday, May 31, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 31 tháng 5, 2019

Truyện ngắn - Cần hay không một lời xin lỗi?

CẦN HAY KHÔNG MỘT LỜI XIN LỖI?

Có gia đình kia, người cha làm lính cứu hỏa. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, đã hi sinh thân mình vì nạn nhân. Vụ việc đau buồn chưa dừng lại ở đó. Khi truyền thông vào cuộc, họ đã đưa tin rằng vì người đội trưởng lính cứu hỏa – cũng chính là người cha trong gia đình ấy – vì quyết định sai lầm của mình mới khiến bản thân và cả những người cấp dưới khi ấy cũng bỏ mạng theo. Mọi người lúc đó đều rất phẫn nộ, gia đình của những người cấp dưới đó đã trực tiếp đến gia đình của ông và luôn miệng nói với hai đứa con trai của người trưởng nhóm lính cứu hỏa rằng họ là con của kẻ sát nhân. Người mẹ vì không chịu nổi áp lực dư luận, đã tự tử. Hai đứa con trai sau đó cũng mất tích.
Vài năm sau, một trong hai đứa con đã minh oan lại được vụ án của cha mình. Người đưa tin truyền thông năm đó, đã bị phạt theo quy định. Nhưng điều đáng buồn là dư luận, không ai lên tiếng xin lỗi cho những lỗi lầm năm xưa. Họ chỉ quan tâm xem người đưa tin sai lúc ấy, bị phạt như thế nào.

Nếu ai đã từng xem phim "Pinochino" của Hàn Quốc, hẳn sẽ biết câu chuyện kể trên chính là nội dung của bộ phim này.

Thừa Hoan tình cờ biết đến bộ phim này qua cô bạn ở cùng phòng trọ với mình. Khi xem tới khúc đứa con trai gào khóc luôn miệng nói rằng cha mình vô tội, cô đã bật khóc nức nở. Nhưng khi xem đến lúc vụ án người cha được minh oan, mặt cô lại không thể hiện một chút cảm xúc gì. Người bạn cùng phòng xem cùng cô khi ấy đã rất ngạc nhiên, vì sao cô đến một chút vui mừng cũng không có?

Cô ấy đâu biết rằng, Thừa Hoan đã xem đến lặng người. Dường như cô không còn nhớ kết thúc phim như thế nào nữa. Cô chỉ còn đắm chìm trong hồi ức của chính mình.
Năm ấy, cô đã từng đứng ra bảo vệ một người bạn của mình bị bắt nạt. Người bắt nạt bạn của cô, ngoại trừ bạn ấy ra còn nhiều người khác nữa, trong đó có một người là bị bắt nạt thảm nhất. Bạn của Thừa Hoan, sau khi thoát khỏi vòng vây bị bắt nạt, liền muốn giúp đỡ người bạn kia cũng thoát khỏi vòng vây giống như mình. Tiếc là cậu ta lại không có đủ dũng khí để tự mình làm việc đó. Câu chuyện sau đó lại lan đến tai mẹ người bạn bị bắt nạt thảm nhất kia. Và rồi người chuyên bắt nạt kẻ khác cũng biết việc này.

Ngày ấy, trong giới học sinh của Thừa Hoan, điều cấm kỵ nhất là ân oán giữa học sinh với nhau mà lại lôi phụ huynh vào cuộc. Ai làm việc đó, không chỉ bị xem là kẻ mách lẻo, mà còn bị khinh vì hèn nhát.

Quá sợ hãi trước khi vụ việc mách lẻo bị bại lộ, người bạn ấy của Thừa Hoan đã chủ động đến gặp kẻ chuyên bắt nạt kia, và bảo rằng chính Thừa Hoan đã làm việc này. Vụ việc sau đó được phát tán rộng khắp cả lớp qua lời truyền miệng của đám học sinh. Khi Thừa Hoan biết chuyện, thì mình đã trở thành nữ phản diện hot nhất lớp.

Không ai tin lời Thừa Hoan nói, và rồi Thừa Hoan cũng dần hiểu ai là người đã đổ vấy tội cho mình. Một người bị chính người bạn thân nhất của mình, lại là người đã từng là nạn nhân của vụ việc bắt nạt chỉ chứng, không tin người bạn thân ấy của Thừa Hoan thì còn ai? Có ai lại đi làm chứng giúp một người đã bắt nạt mình? Nghĩ tới đã thấy vô lý.

Cái cảm giác bỗng dưng trở thành "quái vật" trong mắt người khác, thật sự rất khó chịu. Thừa Hoan có thể cảm nhận được mọi sự ghê tởm của mọi người dành cho mình khi đi đến đâu người ta né như né tà đến đó. Mọi hành động của Thừa Hoan, đều bị soi mói. Thừa Hoan làm tốt, mọi người sẽ ào ào bảo rằng giả tạo. Còn làm không tốt, sẽ bị nói đây là bản chất.
Tính Thừa Hoan trước giờ vẫn luôn trầm nay lại càng trầm hơn. Dường như là người câm, không nói chuyện với ai và cũng không muốn nói với ai hết. Chỉ còn lại số ít vài người bạn thân thật sự của Thừa Hoan, luôn cố gắng trò chuyện cùng cô. Họ sợ cô trầm cảm.

Nhưng rồi, mọi chuyện dần phai nhạt theo thời gian. Mọi người đều không đủ kiên nhẫn để bàn tán mỗi một vấn đề khi mà nó chỉ mãi dừng lại ở điều mà ai cũng biết. Dần dần, họ bắt đầu quên lãng, và những thứ mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn lại trở thành chủ đề mới để mọi người buôn dưa lê về nó.

Còn với Thừa Hoan, thời gian lại là liều thuốc giúp cô hình thành nên kháng thể. Nỗi đau vẫn còn đó, mỗi khi nhớ về vẫn vẹn nguyên cảm xúc như ngày nào. Nhưng chỉ cần không cố nhớ, thì vẫn có thể cảm nhận được dư vị xung quanh. Không như lúc đầu, uất ức quá lại trở nên vô cảm.

Sau đó, mọi người cũng dần biết được sự thật. Người đưa ra lời đính chính, chính là người bị bắt nạt thảm nhất năm đó. Chỉ là khác với tưởng tượng của Thừa Hoan, rằng mình sẽ nhận được lời xin lỗi cùng sự chào đón của mọi người. Nhưng không. Khung cảnh ấy không bao giờ xuất hiện. Đơn giản là vì không ai muốn thừa nhận lỗi lầm của mình, nhất là những chuyện "chạy" theo đám đông như thế.
Nhưng Thừa Hoan của ngày hôm nay, giờ còn có thể như ngày trước, ngồi ôm hi vọng chờ thời khắc minh oan của mình đến hay sao?

Sau ngần ấy chuyện, Thừa Hoan đã không còn là Thừa Hoan của năm xưa. Ân oán cũ, cô không tính toán, cũng không muốn tính nữa. Chỉ biết trách mình tin lầm người, kết lầm bạn, nên dẫn đến kết cục như hôm nay.

Sau này, có người từng hỏi Thừa Hoan rằng, tại sao lúc đó cô lại không minh oan cho chính mình, mà lại chờ người khác làm việc đó? Nếu thế, việc cô chịu oan ức là đúng rồi.

Đối với câu hỏi trên, cô chỉ lặng im mỉm cười từ chối đưa ra ý kiến.

Bản thân mỗi người đều tự có cho mình một đáp án. Cá nhân cô đã từng nghĩ rằng đó chỉ là nỗi sợ nhất thời của bạn thân mình, sẽ đến lúc bạn cô không còn sợ nữa, và sẽ minh oan cho mình. Cô đã chờ, chờ rất lâu, nhưng cuối cùng lại không chờ được ngày người bạn thân đó làm sáng tỏ vụ việc. Cô cũng đã từng có suy nghĩ muốn vạch mặt người bạn thân đó, làm rõ chân tướng. Nhưng cô lại nhận ra rằng, sự việc để càng lâu, trái tim càng nguội lạnh. Làm được điều đó thì sao? Oan khuất được giải, nhưng những tổn thương đó, có cách nào để nó biến mất? Nếu đã vậy, chi bằng để mọi chuyện thuận theo tự nhiên.

Sau này, khi lớn hơn, Thừa Hoan mới hiểu rằng, lòng tốt với một người không bao giờ là đủ. Cho đi nhưng đừng mong sẽ nhận lại được những gì mình muốn. Nếu muốn cho đi một điều gì đó, hãy cứ đơn giản là cho đi thôi. Quá trông mong sẽ chỉ khiến bản thân thêm thất vọng, và nhận lấy tổn thương về mình.

Có vẻ đây là một cái kết buồn cho một cô gái đã từng sống quá tốt và thiện lương, giờ đây lại không muốn tiếp tục làm điều ấy nữa vì sợ sẽ lập lại vết xe đổ của mình năm xưa. Nhưng không, câu chuyện năm ấy cô từng trải đã dạy cô nhiều bài học sâu sắc, trong đó đáng nói nhất chính là cách nhìn sự việc trực quan nhất có thể về ý kiến đám đông trước một vấn đề nào đó.

Và cô đã dùng chính bài học ấy để cứu sống cuộc đời một người bạn thân khác mà cô kết bạn sau này. Cô đã dùng chính sự thấu hiểu của mình khi bị người khác xa lánh trong khi mình chẳng làm gì nên tội để truyền đạt sự thông cảm, gần như là chút hơi ấm khi nói chuyện điện thoại cùng người bạn đang muốn tự tử vì bị mọi người kỳ thị giới tính thứ ba – vốn được xem là một căn bệnh trong tư tưởng của nhiều người cách đây nhiều năm về trước.

Giờ đây, cô ấy đang trong quá trình làm nghiên cứu sinh về mảng tâm lý trị liệu. Ước mơ của cô ấy, chính là muốn giúp mọi người có thể chữa được những căn bệnh về tinh thần – điều mà không loại thuốc nào có thể chữa được.
Chương cũ về cuộc đời cô đã khép lại. Và chương mới đang được mở ra...

Huỳnh Nhật Khánh

nguồn:truyenngan.vn

Truyện ngụ ngôn

Câu Chuyện Về Chú Lừa và Cái Giếng Khô


Chuyện kể rằng, vào một ngày nọ, con lừa của ông chủ trang trại bị sảy chân, rơi xuống giếng. Chú lừa tội nghiệp kêu la thảm thảm thiết nhiều giờ liền trong vô vọng. Trong khi người chủ trang trại vẫn đang loay hoay không biết làm cách nào để cứu chú lừa lên. Cuối cùng, người chủ quyết định: Con lừa đã già chẳng còn giúp gì được cho ta, còn cái giếng thì quá sâu và nguy hiểm, trong khi nó lại kêu la ầm ĩ làm ta không yên, chi bằng san lấp cái giếng lại và chôn luôn nó dưới giếng.

Lập tức, người chủ liền nhờ một vài người hàng xóm giúp mình xúc đất, đổ xuống giếng. Còn chú lừa, sau một hồi kêu la thảm thiết cũng hiểu ra vấn đề, nên nó im lặng ngay tức khắc. Chú lừa đã quyết định, mỗi khi một xẻng đất đổ xuống giếng, chú lừa lắc mình cho đất rơi khỏi người và bước chân lên trên đống đất vừa đổ xuống. Cứ liên tục như vậy, chẳng mấy chốc, khi cát đầy tới miệng giếng, chú lừa đã nhảy ra khỏi giếng và chạy ra ngoài, còn ông chủ trang trại thì nhìn chú lừa một cách sửng sốt.

ri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Không Nước, Không Trăng

Khi sư cô Chiyono theo học Thiền với thiền sư Bukko của phái Engaku, đã lâu mà cô vẫn chưa đốn ngộ.

Mãi đến một đêm sáng trăng nọ, cô gánh nước đầy trong hai thùng gổ niềng bằng tre. Niềng tre đứt và đáy thùng bung ra. Ngay lúc ấy Chiyono hoắc ngộ.

Ðể ghi lại sự chứng nghiệm, cô viết thành một bài kệ:

Như thế, ta đã cố giữ cái thùng gổ cũ

Sợi niềng tre đã yếu và sắp đứt

Cho đến lúc cái đáy thùng bung ra

Chẳng còn nước trong thùng

Chẳng còn trăng trong nước

Cổ Học Tinh Hoa

Ôm cây đợi thọ

Một người nước Tống đang cày ruộng. Giữa ruộng có một cây to. Có con thỏ đồng ở đâu chạy lại, đâm vào gốc cây, đập đầu chết.

Người cày ruộng thấy thế, bỏ cày, vội chạy đi bắt thỏ. Đoạn, cứ ngồi khư khư ôm gốc cây, mong lại được thỏ nữa. Nhưng đợi mãi chẳng thấy thỏ đâu, lại mất một buổi cày. Thiên hạ thấy vậy, ai cũng chê cười.

Lời Bàn:

Thấy mùi, quen mui làm mãi. Ở đời những kẻ ngẫu nhiên gặp may, mà ước ao được gặp may luôn như thế nữa, không biết sự may là tình cờ mới có, thì có khác gì người nước Tống ôm cây đợi thỏ nầy. Anh ôm cây đợi thỏ này lại còn là người cố chấp bất thông, không hiểu thời thế, không thấu tình cảnh, khư khư đười ươi giữ ống, cũng một phường với những hạng chơi đàn gắn chặt phím, khắc mạn thuyền để nhớ chỗ gươm rơi.

Hàn Phi Tử: Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.

Đoạn: nghĩa đen là đứt, việc nầy đứt đến việc khác.

Truyện cười trong ngày

Cứ Để Cho Nó Khóc

Hai vợ chồng mới có con nhỏ, nửa đêm, đứa bé khóc om xòm. Hàng xóm phải gọi phone sang nhắc nhở. Sau khi nghe điện thoại xong anh chồng nói:

- Hàng xóm đang phàn nàn con mình khóc nghe ghê quá em à.

Cô vợ trả lời:

- Vậy để em hát ru cho con ngủ anh nhé.

Một lát sau chuông điện thoại lại kêu vang. Anh chồng vội chạy ra bắt phone. Nghe xong, anh ta bảo vợ:

- Hàng xóm lại bảo thôi cứ để cho con nó khóc cũng được...

Thursday, May 30, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 30 tháng 5, 2019

Đọc và suy ngẫm - Giá Trị Của Một Hòn Đá

Giá Trị Của Một Hòn Đá

Một người thầy lấy một hòn đá trao cho người học trò và căn dặn: "Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu."

Người học trò thắc mắc: "Tại sao lại phải làm như vậy thưa thầy?"

 Người thầy mỉm cười và đáp: "Nếu con muốn biết giá trị cuộc sống là gì thì hãy làm như ta bảo."

 Vâng lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá 1 đồng. Người học trò nhớ lời thầy dặn: dù bất kỳ ai hỏi mua cũng không được bán. Người học trò mang hòn đá về và than thở:

– Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. Cũng may có người hỏi mua với giá 1 đồng thầy ạ.

 Người thầy mỉm cười và nói:

– Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá này vào cửa tiệm vàng và hỏi giá bán của hòn đá. Nhớ là cho dù chủ cửa tiệm  vàng có muốn mua thì cũng không được bán.

 Hôm sau, người học trò mang hòn đá ra cửa tiệm bán vàng. Và thật bất ngờ, chủ tiệm vàng đã trả giá hòn đá là 500 đồng. Người học trò rất bất ngờ vì hòn đá từ chỗ không ai muốn mua giờ lại có người trả giá cao, nhớ lời thầy dặn, anh vẫn không bán và mang hòn đá về.

 Người học trò háo hức hỏi thầy tại sao lại như vậy. Thầy không trả lời, nhưng chỉ mỉm cười và nói:
– Ngày mai con hãy đem hòn đá này đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.

 Hôm sau, người học trò làm theo lời thầy dặn, sau một hồi xem xét thì cậu học trò vô cùng ngạc nhiên khi chủ tiệm bán đồ cổ trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có của ông ta. Nhớ lời thầy dặn, người học trò nhất quyết không bán và mang hòn đá trở về nhà và về kể lại với thầy.

 Lúc này người thầy mới chậm rãi nói: Hòn đá thực chất chính là một món đồ cổ quý giá, đáng giá cả một gia tài. Giá trị cuộc sống cũng giống như hòn đá kia, có người hiểu và có người không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận thì giá trị cuộc sống chẳng đáng 1 xu, còn với người hiểu thì nó đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên sự khác biệt là sự hiểu biết của mỗi người và cách mỗi người nhìn nhận cuộc sống.



Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Hãy Tự Mở Kho Báu Của Mình

Daiju tìm đến Thiền sư Baso ở Trung quốc để học đạo. Baso hỏi: "Ông tìm kiếm cái gì?"

"Ðạo gíác ngộ," Daiju trả lời.

"Ông đã có sẵn kho báu, tại sao còn phải tìm kiếm bên ngoài?" Baso hỏi.

Daiju thắc mắc: "Kho báu của tôi ở đâu?"

Baso trả lời: "Cái mà ông vừa hỏi là kho báu của ông đấy."

Daiju hốt nhiên thoắt ngộ! Từ đấy về sau ngài thường khuyên bạn bè: "Hãy mở kho báu của mình ra mà dùng."

Điển Hay Tích Lạ

Dư âm nhiễu lương 

Nguyên ý của câu thành ngữ này là chỉ dư âm tiếng hát vang vọng trên mái nhà, miêu tả tiếng hát uyển chuyển, mãi mãi vang vọng bên tai mọi người. 

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Liệt tử- Thang vấn". 

Thời Xuân Thu, Nước Hàn có một ca nữ rất giỏi ca hát tên là Hàn Nga. Hàn Nga không những xinh đẹp, mà còn có giọng hát rất hay, giọng hát của nàng chứa chan tình cảm, có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Khi tiếng hát khoan khoái thì khiến người nghe vui tươi phấn khởi, khi bi thương thì khiến người nghe phải ngậm ngùi nhỏ lê. 

Một hôm, khi Hàn Nga đến Lâm Truy thủ đô nước Tề, vì không đủ tiền đi đường, nên nàng đã hát rong ở cửa thành Ung Môn. Tiếng hát trong trẻo của nàng đã luôn cuốn được rất đông người nghe, họ say sưa lắng nghe, rồi thưởng cho nàng không ít tiền. 

Hàn Nga thu nhặt xong tiền nong rồi đi. Nhưng mọi người nghe xong, đều cảm thấy dư âm tiếng hát vẫn còn vang vọng trên mái nhà đến mấy hôm sau vẫn không dứt, thật chẳng khác nào nàng vẫn còn chưa rời đi. 

Hôm đó, Hàn Nga vào nghỉ trong một quán trọ, do bị người ta bắt nạt nên nàng khóc nứt nở, tiếng khóc của nàng đã khiến gia trẻ gái trai ở quanh đó cũng phải nhỏ lệ tới ba ngày chẳng ăn uống gì được. 

Mọi người đổ sô tới tìm nàng, rồi cùng trách mắng người đã bắt nạt nàng. Sau đó mời nàng hát mấy bài để cùng nghe. Hàn Nga không thể từ chối được, bèn cất tiếng hát. Mọi người vừa nghe vừa múa theo, mà quên hết đi mọi việc vừa xảy ra. 

Về sau, người ở Ung Môn vẫn thường xuyên hát mấy bài hát này, mà càng hát lại càng hay hát.

Truyện cười trong ngày

Nói Dối

Bố dặn con: "Mày không được nói dối. Nói dối là điều đáng hổ thẹn".

Con ngoan ngoãn thưa: "Vâng thưa bố. Con sẽ cố gắng nghe theo lời bố!".

Ngay lúc đó có tiếng gõ cửa dồn dập.

Bố hốt hoảng nói với con: "Mày thử ra ngoài xem coi ai gõ cửa. Nếu mà hàng xóm đến tìm bố đòi nợ, mày cứ việc nói là tao không có ở nhà nghe chưa!".

Wednesday, May 29, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 19 tháng 5, 2019

Truyện ngắn - Truyền thuyết về hoa hồng

TRUYỀN THUYẾT VỀ HOA HỒNG

Ngày xửa ngày xưa thật xưa lắm, có một quốc vuơng ở tận phương trời xa xôi bên một khu rừng rộng lớn và rậm rạp. Vương quốc nầy sống thật hòa bình và yên vui sau một thời gian dài triền miên người dân phải đấu tranh để dành quyền độc lập. Và vị anh hùng chỉ huy người dân của quốc gia này đã được dân chúng tôn lên làm vị vua đầu tiên.

***

Sau thời gian dài chinh chiến, họ chỉ lo an hưởng thái bình và sống cho những quyền lợi của cá nhân mình. Vị hoàng đế kia cũng vậy, ngất ngưỡng trên ngai vàng và hào quang của quyền vị, ông đã bỏ bê việc nước, quên cả chăm sóc cho dân và để mặc lũ bầy tôi tham danh lợi cai trị dân chúng. Vì muốn hoàng đế lảng quên với việc triều chính, bọn tham quan đã chọn một thiếu nữ đẹp tuyệt vời để vua lập làm hoàng hậu.

Nhưng trái với ý muốn của bọn quan lại, hoàng hậu lúc nào cũng hết lời khuyên năn nhà vua nên lo cho dân chúng và chỉnh đốn việc triều chính. Lũ quan lại rất ghét hoàng hậu, nhưng không làm gì được vì nhà vua quá thương yêu nàng.
Cho đến ngày kia, sau một thời gian thụ thai, hoàng hậu sinh ra một đứa bé thật kháu khỉnh, dễ thương. Lạ lùng thay, thân thể của đứa bé trai đó lại trong suốt như pha lê, đến độ thấy rõ từng đường gân, mạch máu và trái tim. Thấy cơ hội đã đến, bọn tham quan bèn dèm pha với nhà vua rằng hoàng hậu là một phù thủy trá hình và tuyên truyền tin này ra ngoài cho toàn dân.

Trước áp lực của bầy tôi và sự phản đối của dân chúng, nhà vua đã truất phế hoàng hậu ra khỏi hoàng cung cùng với đứa bé lạ lùng kia. Trở thành một thường dân, hoàng hậu đem con đi khỏi hoàng cung. Đi tới nơi đâu cũng bị dân chúng chửi mắng và xua đuổi. Suốt con đường tìm nơi ẩn trú, hoàng hậu đã bị bao kẻ ném đá, dùng gậy đánh đập mà chỉ biết cắn răng dùng thân thể mình để che chở cho đứa con thơ.

Với bao vết thương trên mình, hoàng hậu bồng con đến khu rừng già và ngã ra vì kiệt sức. Nhìn hài nhi mới ra đời trong lúc biết mình sắp chết, hoàng hậu không biết làm gì hơn là đưa tay vuốt ve con mình vài lần, nước mắt tuôn ra và trút hơi thở cuối cùng.

Đứa bé nằm bên mẹ không ai cho ăn nên khóc lên thảm thiết vì cơn đói. Tiếng khóc vang lên tận chín tầng trời làm Thượng Đế động lòng ngó xuống trần gian. Khi thấy hoàn cảnh thương tâm đó, Thượng Đế nổi giận vì lòng tàn ác của người dân vương quốc kia. Ngài bèn sai thiên thần mang đứa bé vô rừng chăm sóc cho nó lớn lên trong tình thương của thiên nhiên và muôn cầm.
Sau đó, ngài ban một lời nguyền khiến cho toàn thân thể của từng người dân bị gai nhọn móc đầy người, để suốt đời không ai được gần gủi ai cho đến khi mọi người biết thương yêu nhau. Từ đó người dân của quốc gia nầy đều mang trên mình một lớp gai, từ vua tôi cho đến hạng bần cùng. Nhưng dù cho lớp gai trên mình ngày một dài và cứng nhọn theo lòng tham ngày càng to lớn, họ cứ sống cho cá nhân mình mặc dù phải trả giá cho lòng vị kỷ đó bằng sự cô đơn khủng khiếp dằn vật tâm linh.

Một ngày kia, nghe tin vương quốc này đang trở nên yếu thế, một quốc gia khác bèn đem quân sang xâm lấn lãnh thổ. Khi quân xâm lăng tràn qua bờ cõi, toàn dân trong nước ai cũng tự lo thân và trốn tránh nghĩa vụ. Nhà vua lúc đó đã lớn tuổi mà vẫn bị lũ bầy tôi tham sống sợ chết làm áp lực bắt đem một toán quân ra chiến đấu. Sức mình thì yếu, sức địch thì mạnh. Sự thất bại đến với nhà vua thật nhanh chóng.

Dẫn tàn quân chạy về hoàng thành thì mới hay lũ tham quan đã đem dâng cho giặc tự bao giờ. Phẫn chí, nhà vua quyết liều mình đem quân cố chiếm lại thành trì nhưng cuối cùng phải ngã ngựa vì một mũi tên có tẩm thuốc độc. Nhà vua được một số quân trung thành cứu thoát và chạy trốn đến bên bìa rừng. Nhìn lại binh sĩ lớp bị thương, lớp bờ mình chung quanh, nhà vua lấy làm hối hận rằng mình đã không nghe lời hoàng hậu khuyên ngày trước.

Nhớ đến hoàng hậu, nhà vua lại nhớ đến đứa con thơ vô tội của mình ngày xưa. Rồi nhà vua ngã bệnh vì vết thương hành hạ. Bên ngoài thì địch quân vây khốn, trong rừng thì binh sĩ liều mạng để tử thủ với quân thù. Nhà vua lập đồn trong rừng làm chiến khu và để tập luyện binh sĩ.
Ngày qua ngày, dưới ách đô hộ nghiệt khắc của quân xâm lăng, người dân của vương quốc đó càng nghe đồn thêm về một quốc gia trong khu rừng già huyền bí nọ. Dần dần, người dân tìm cách trốn đi và tìm vào rừng để gia nhập. Phía quân xâm lăng cũng điêu ngoa, họ cho người trà trộn vào trong rừng nhưng kế hoạch không thi hành được vì không thể nào giả mạo được lớp gai cứng mọc trên thân thể của người dân bản xứ. Người dân đã biết đoàn kết để tạo cho khuyết điểm trên thân thể mình thành ưu điểm để chống giặc ngoại xâm.

Một ngày kia, với binh hùng tướng mạnh, nhà vua bắt đầu công cuộc dành lại quê hương. Lần nầy, với đoàn quân thiện chiến và với lòng tin thống nhất, nhà vua đã chiếm lại được thành trì và xua đuổi quân xâm lăng ra khỏi lãnh thổ.

Không may, trong trận chiến cuối cùng nhà vua lại bị thương. Vốn đã yếu sức vì tuổi già, lại còn lao lực trong trận chiến dài đăng đẳng, nhà vua bệnh ngày càng thêm nặng. Toàn dân trong nước chưa kịp reo mừng dành lại độc lập đã phải mang nỗi buồn cho tình trạng ngày càng nguy ngập của nhà vua. Biết mình sắp chết, nhà vua trong cơn sốt đã thốt lên rằng:
"Ta chết cũng đành lòng, nhưng trời ơi, sao ta thèm được một lần ôm đứa con mà ta chưa hề biết mặt !..."

Bỗng nhiên có tin báo từ bên ngoài thành có một người thầy thuốc nói sẽ trị hết bệnh cho nhà vua. Cửa hoàng thành rộng mở. Người thầy thuốc bước vào hoàng cung với tấm vải thô che kín thân thể mà không ai nhìn thấy mặt. Khi đến gần giường bệnh, người thầy thuốc đứng lặng yên thật lâu bên nhà vua mà không nói tiếng nào.
Khi nghe nhà vua gọi con trong cơn sốt, người thầy thuốc rơi lệ. Giọt lệ nhỏ xuống trên gò má nhăn nheo của nhà vua làm nhà vua thức tỉnh và mở mắt nhìn người đang đứng bên cạnh mình. Khi nhà vua đua tay lên vói, người thầy thuốc bèn nắm chặt lấy tay nhà vua, quì xuống bên cạnh người và nói rằng:

"Thưa phụ hoàng, con đây !".

Rồi người thầy thuốc hất tấm vải thô che mình xuống đất để lộ ra một thân thể trong suốt như pha lê. Để chữa bệnh cho cha, vị hoàng tử nâng vua cha lên và ôm người thật chặt vào lòng, mặc cho những gai nhọn đâm vào người thật sâu. Và máu chàng đã chảy ra. Lạ thay, khi máu của chàng thấm lên thân thể của nhà vua thì nhà vua cũng thấy mình khỏe lại . Và kỳ diệu hơn nữa, lớp gai nhọn trên thân thể nhà vua cũng tan biến dần theo từng giọt máu của vị hoàng tử đổ xuống.

Sau đó vị hoàng tử bèn đặt nhà vua nằm lại trên giường để dưỡng bệnh. Từ từ đứng dậy và bước đến người đứng gần mình nhất, vị hoàng tử ôm lấy người đó và nói:

"Chúng ta hãy thương yêu nhau. Bất cứ hình phạt nặng nề nào của Thượng Đế cũng đều được giảm bớt nếu chúng ta biết chân thành yêu thương nhau".

Rồi cứ thế từ người này sang người khác, chàng đi khắp thành mà ôm từng người một, từ ông lão nghèo nàn đến người thương gia giàu sang, từ em bé tật nguyền đến chàng thanh niên khỏe mạnh. Và cứ thêm mỗi người được ôm thì vị hoàng tử càng yếu dần theo từng giọt máu ứa ra trên thân thể họ. Cho đến lúc kiệt sức, chàng quị xuống bên đường. Tuy vậy, chàng vẫn mở rộng vòng tay kêu gọi mọi người đến cùng chàng mà chia sự sống. Mọi người nức nở khóc trước tình thương bao la của chàng. Những người sau cùng chưa được thoát bệnh đồng quì xuống bên chàng mà nói:

"Chúng tôi xin hoàng tử đừng lao lực thêm nữa. Chúng tôi thành tâm nguyện mang lớp gai này trên mình để người còn được sống cùng chúng tôi".

Lạ thay, từ trên thinh không bỗng có tiếng nhạc thánh thót vang lên và có lời truyền của Thượng Đế phán rằng:

"Lành thay ! Các người hiểu được tình yêu thương chân thật và bỏ đi lòng tị hiểm, ích kỷ. Dám hy sinh bản thân mình cho đồng loại là định nghĩa của yêu thương vậy".
Rồi cùng với thinh âm tan dần vào không gian, các lớp gai trên thân hình của những người còn lại đều biến mất đi. Khi người ta nhìn lại thì vị hoàng tử đang khép mắt lại với lời nói thật hiền hòa thoát ra theo làn hơi thở sau cùng:

"Hạnh phúc là có nhau hôm nay để sống. Yêu thương là biết sống làm sao để ta có nhau ngày mai. Các bạn của tôi ơi, hãy nhớ rằng hạnh phúc không phải là của riêng ta để cho đi hay lấy lại. Hạnh phúc chỉ đến với ta khi ta biết yêu thương lẫn nhau và chia xẻ cho nhau tình thương đó..."
Rồi chàng lìa đời sau câu nói đó. Ngày hôm sau, dưới sự hướng dẫn của nhà vua, toàn dân trong thành đã đưa di thể của chàng xuống lòng đất muôn đời, bên cạnh khu rừng nọ. Lạ thay, khi xác của chàng vừa được chôn dưới lòng đất xong, người ta bỗng thấy có những chim muông, cầm thú kéo thành đoàn từ trong rừng ra nằm quanh ngôi mộ của chàng thật lặng yên và buồn bã.

Một năm sau, người ta thấy trên ngôi mộ của chàng và chung quanh khu vực đó mọc lên những bông hoa đỏ tươi như máu với thật nhiều gai nhọn từ gốc đến ngọn. Người ta cho đó là sự kết tinh lại của tình thương của chàng hoàng tử để nhắc nhở cho người đời bài học cao cả nhất về yêu thương và hạnh phúc. Và người ta gọi loài hoa đó là hoa Hồng.

Và mãi mãi đến ngày nay, dù mang nhiều màu sắc khác nhau, loài hoa đó vẫn tượng trưng cho sự yêu thương.

Đọc và suy ngẫm

Tôi từng ôm mộng thay đổi thế giới

Khi ở độ tuổi đôi mươi, tôi muốn thay đổi thế giới. 


Nhưng tôi sớm nhận ra rằng việc thay đổi thế giới thật quá khó, vì vậy tôi đã cố gắng để thay đổi đất nước của mình.

Rồi khi nhận ra tôi không thể thay đổi đất nước, tôi bắt đầu tập trung vào thị trấn nơi tôi sinh sống. Nhưng tôi cũng chẳng thể thay đổi được điều gì. 

Cuối cùng, khi đã là một người đàn ông trưởng thành, tôi cố gắng thay đổi gia đình của tôi.

Bây giờ, khi đã già, tôi mới nhận ra điều duy nhất tôi có thể thay đổi là chính bản thân mình. Và tôi bỗng giật mình rằng nếu nhiều năm trước, tôi cố gắng thay đổi bản thân thì tôi đã có thể tác động tới gia đình của tôi. Gia đình và tôi lại có thể cùng nhau tác động đến nơi chúng tôi sinh sống. Khi đó, mọi người cùng chung sức sẽ thay đổi được đất nước và cuối cùng là cả thế giới.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Giọng Nói Của Hạnh Phúc


Sau khi Bankei qua đời, một người mù thường sống cạnh thiền viện kể với bạn rằng: "Bởi tôi mù nên không thể nào nhìn thấy rõ mặt ai, vì thế tôi đoán được tâm tánh của mỗi người qua tiếng nói. Thông thường khi tôi nghe ai khen ngợi kẻ khác hạnh phúc hay thành công, tôi còn nghe được cái giọng thầm kín của ganh tị. Khi nghe lời chia buồn kẻ khác gặp điều bất hạnh, tôi nghe có giọng khóai trá thỏa mãn, rõ là kẻ nói lời chia buồn mà lòng thì sung sướng vì có những món kẻ kia bỏ lại để cho mình chiếm đoạt.

"Chỉ riêng giọng nói của Thiền sư Bankei là luôn luôn thành thực. Khi ngài nói lời vui vẻ, tôi chỉ nghe độc có giọng vui vẻ. Khi ngài tỏ lòng buồn rầu, tôi chỉ nghe độc một giọng buôn rầu."

Cổ Học Tinh Hoa

Tiếng đàn tì bà là “sợi tơ hồng” nối lại nhân duyên dang dở

Năm cuối nhà Minh, một thư sinh tên Vu Hiếu Liêm ở Bồ Châu (nay là Vĩnh Tế, Sơn Tây) có người vợ tên là Hồng Đào. Hồng Đào có dung mạo kiều diễm, lại còn rất đa tài đa nghệ, đặc biệt nàng đàn tì bà rất giỏi.
Những phụ nữ ở phương Bắc đều rất giỏi món nghề này, nhưng Hồng Đào có những ngón tay thon gọn, lại còn hát hay, vẻ đẹp cả về giai điệu lẫn giọng hát này thật không tầm thường. Cho nên chỉ cần nàng tấu lên khúc nhạc, thì người nghe thấy ai nấy cũng sẽ biết tiếng nhạc tì bà kia được phát ra từ nơi nào.

Năm cuối Sùng Trinh thời nhà Minh, xảy ra nạn chiến tranh, khắp khu vực Hoàng Hà, Phần Thủy hoàn cảnh vô cùng tàn khốc. Trong lúc hỗn loạn, Hiếu Liêm và Hồng Đào đã lạc mất nhau.

Binh sĩ bắt giữ Hiếu Liêm, đến lúc chuẩn bị giết chết, Ngưu Kim Tinh trông thấy chàng trẻ tuổi này có tư chất ưu tú, nên tra hỏi thì biết được anh ta đã thi đậu khoa cử, thế là bèn thả anh ra, rồi còn đưa anh về làm thầy dạy cho con trai mình. Còn Hồng Đào thì không biết đã đi về phương nào.

Từ đó, Vu Hiếu Liêm ở trong phủ Ngưu Kim Tinh, ông chính là Đại học sĩ Thiên Hựu Các của chính quyền Đại Thuận của Lý Tự Thành. Lúc hơn 20 tuổi ông đã đậu Tú tài, năm Thiên Khởi thứ 7 (năm 1627) đậu Cử nhân, thông hiểu thiên văn và cả binh pháp Tôn Tử, binh pháp Ngô Khởi, là một văn nhân hiếm có của đoàn quân Sấm Vương.
Một năm sau, khi quân đội của Lý Sấm Vương áp sát kinh thành, đóng quân tại doanh trại Bắc An thành Bảo Định. Lúc bấy giờ đã là mùa đông, Vu Chính Liêm và con trai của Ngưu Kim Tinh ở chung một lều.

Màn đêm buông xuống, ngoài lều tuyết bắt đầu rơi, và càng lúc càng dày đặc hơn. Đến tiếng trống báo canh 2 (21h – 23h), Vu Hiếu Liêm bật dậy đi tiểu. Anh mở rèm cửa lều ra, nhìn khắp xung quanh, một màu tuyết trắng trời, một khoảng không gian vô cùng tĩnh lặng.

Ngay chính lúc này, anh lẳng lặng đi theo tiếng đàn tì bà. Tiếng nhạc quen thuộc len vào trong tim, làm anh rung động. Anh lập tức chạy chân không ra khỏi căn lều, đạp lên nền tuyết trắng băng giá, tìm theo nơi tiếng nhạc phát ra.
Vu Hiếu Liêm chạy qua mấy chục dãy lều, rồi nhìn thấy một chiếc lều còn sáng đèn bên trong. Tiếng tì bà được phát ra chính từ đây. Hiếu Liêm áp tai mình vào cạnh căn lều, im lặng lắng nghe.

Tiếng tì bà xuyên thấu tâm can, quả nhiên là cách gảy đàn và giai điệu quen thuộc khi xưa. Anh nhớ đến người vợ yêu quý, lòng đầy xúc động, ngã “phịch” một tiếng xuống nền tuyết dày, không đứng dậy nổi nữa.
Người bên trong lều nghe thấy tiếng động bên ngoài, nghĩ rằng Hiếu Liêm là gian tế, nên đã trói anh đưa vào trong lều. Tướng lĩnh bên trong nhìn anh một lượt, thì nhận ra anh là thầy giáo trong phủ của Ngưu Kim Tinh, nên đã cởi trói, và hỏi tại sao anh lại đi chân đất đến đây?

Hiếu Liêm nói: “Vợ của tôi giỏi đàn tì bà, 2 năm trước, đã bị chia cách lúc binh đao loạn lạc. Lòng tôi vẫn không nguôi nhớ về cô ấy, đêm nào nằm ngủ cũng không yên giấc. Đêm nay, trong lúc mọi thứ tĩnh lặng như tờ, bỗng nghe thấy tiếng tì bà từ xa, nghĩ rằng đó là do vợ mình tấu khúc, cho nên lòng thấy đau như cắt. Không ngờ rằng đã mạo phạm các ngài, tôi xin cam chịu tội lỗ mãng này”.

Tướng lĩnh trong lều đều là những người hào sảng, nghe câu chuyện của anh xong thì liền cho gọi người gảy đàn ra gặp Hiếu Liêm. Quả nhiên chính là Hồng Đào.

Thế là tướng lĩnh trong liều cho bày mâm rượu, cùng Hiếu Liêm, Hồng Đào uống mừng suốt đêm. Sau khi trời sáng, tướng lĩnh cũng báo lại chuyện này với Ngưu Kim Tinh, và cho Hồng Đào về với Hiếu Liêm, đồng thời phái 2 kỵ binh hộ tống họ trở về quê nhà ở Bồ Châu.

Sau khi Đại Thanh trở thành chủ của Trung Nguyên, Vu Hiếu Liêm ra làm quan, trở thành Thông phán tại Dương Châu, cai quản việc vận chuyển lương thực, thủy lợi và tố tụng…
Tiếng đàn tì bà thanh bình uyển chuyển như “bà mai”, đã nối lại nhân duyên dang dở, giúp cho cặp đôi lại như chim liền cánh trở về bên nhau.

(Trích từ quyển 17 “Ngu sơ tân chí”)
nguon: tinhhoa.net

Truyện cười trong ngày

Lần Đầu Cùng Phe

Một người lần đầu nhìn thấy bạn mình sau khi cưới vợ thì mặt mũi trông rất hớn hở, liền hỏi thăm:
- Sao trông anh vui vẻ thế hả?
- À! Vợ chồng mình vừa cãi nhau với nhà hàng xóm.
- Cãi nhau mà vui vậy à?
- Anh biết không, lâu lắm mới có dịp hai vợ chồng mình cùng một phe với nhau.

Tuesday, May 28, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 28 tháng 5, 2019

Đọc và suy ngẫm - Chúng ta không bao giờ đơn độc

Chúng ta không bao giờ đơn độc

Bạn có từng nghe về nghi thức trưởng thành của những cậu bé bộ tộc người da đỏ Cherokee, thuộc châu Mỹ?

Người cha sẽ dẫn con trai mình vào rừng, bịt mắt và để cậu bé ở đó. Cậu bé được yêu cầu phải ngồi dưới gốc cây suốt đêm và không tháo băng cho đến khi những tia nắng mặt trời xuyên qua lớp vải bịt mắt. Cậu bé chỉ có một mình, không được cầu cứu ai cả. Sau một đêm như thế, cậu bé sẽ được công nhận là đàn ông trưởng thành.


Cậu bé không thể kể với các bé trai khác về trải nghiệm này. Mỗi cậu bé đều phải bước vào tuổi trưởng thành theo cách riêng của mình.

Khi ở trong rừng, cậu bé sẽ cảm thấy sợ hãi, có thể nghe được tất cả các loại âm thanh của thú rừng xung quanh mình; gió, bụi tạt vào mặt. Tuy vậy, cậu bé vẫn phải ngồi im, không được tháo tấm bịt mắt. Đó là cách duy nhất để cậu được công nhận là người trưởng thành.

Cuối cùng, sau một đêm kinh hoàng, mặt trời xuất hiện và chàng trai tháo bịt mắt. Chính lúc đó, cậu thấy cha mình cũng đang ngồi dưới gốc cây, bên cạnh cậu. Người cha đã ở đó cả đêm và quan sát cậu.

Chúng ta không bao giờ thực sự đơn độc. Ngay cả khi chúng ta không biết điều đó, gia đình và bạn bè của chúng ta cũng giống như người cha kia, vẫn âm thầm dõi theo chúng ta.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Tụng Kinh

Một nông dân nhờ một vị tăng phái Tendai tụng kinh cho vợ anh ta vừa mất. Sau thời kinh, anh hỏi: "Ngài có tin rằng vợ tôi hưởng được phước đức của thời kinh không?ẽ
"Chẳng những chỉ vợ của gia chủ mà tất cả chúng sanh đều được hưởng cả," vị tăng trả lời.

"Nếu ngài bảo mọi chúng sanh đều được phước,ẽ người nông dân bảo, "vậy thì họ sẽ dành hết vì vợ tôi rất yếu đuối. Xin ngài chỉ tụng kinh cho vợ tôi thôi."

Vị tăng giải thích rằng người Phật tử nào cũng muốn hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh.

"Ðó là một giáo lý cao thượng,ẽ anh nông dân kết luận, "nhưng xin ngài dành cho một ngoại lệ. Tôi có tên láng giềng thô bạo hằng xử tệ với tôi. Xin ngài loại nó ra khỏi cái thành phần chúng sinh kia nhé."

Chùa Phước Hưng


Chùa Phước Hưng

Ngôi chùa cổ Phước Hưng tọa lạc tại thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp. Chùa được sư trụ trì là Hòa thượng Thích Minh Phước cho khởi công xây dựng vào năm 1838 của thế kỷ 19. Từ đó đến này ngôi chùa đã trải qua 6 đời trụ trì. Kiến trúc chùa có 8 mái, 2 cấp, được lợp ngói âm dương uốn lượn tạo gợn sóng, chóp mái nhô ra nhưng không quá nhọn và cong vút lên cao. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miếng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, quy, phụng, ánh lên những sắc màu rực rỡ khi tiếp xúc ánh nắng.
Chính điện của chùa tuy bày trí chỉ đơn giản, nhưng vẫn thể hiện được sự trang nghiêm thanh tịnh. Gian giữa tôn trí khá nhiều tượng: tượng đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí; tượng đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền; tượng Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp, Quan Công.. Để ý ta sẽ thấy các câu đồi được chạm khắc ngay vào các cây cột của chính điện. Đặc biệt có một pho tượng A-Di-Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay.
Về lịch sử tu tạo chùa thì : Năm 1854, Hòa thượng Minh Phước cho mở rộng Đông lang, Tây lang. Năm 1882, Hòa thượng Như Diệu cho trùng tu ngôi chánh điện. Năm 1919, Hòa thượng Vạn Hiển đã cho in kinh Kim Cang, Phổ Môn, Địa Tạng… bằng chữ Hán khắc gỗ . Hòa thượng Vĩnh Tràng phát nguyện ra tận Hà Nội thỉnh chiếc mõ lớn nặng khoảng 15 kg. Năm 1962, Hòa thượng Vĩnh Đạt trụ trì đã tổ chức trùng tu, mở rộng ngôi chùa (như xây lại Tây lang, xây đài Quan Âm, cổng tam quan…). Năm 1987, Thượng tọa Thích Thiện Huệ kế tục trụ trì tiếp tục công cuộc trùng tu ngôi chùa, tái tạo Đông lang, xây dựng hội trường Trường cơ bản Phật học Đồng Tháp…

Các bộ kinh cổ chữ Hán là : kinh Kim Cang, kinh Phổ Môn, Kinh Địa Tạng.. khắc gỗ năm 1919 vẫn còn được lưu giữ tại chùa.  Trong chính điện còn lưu giữ một vật quý là chiếc mõ lớn được Hòa thượng Vĩnh Tràng là trụ trì đời thứ tư thỉnh về từ ngoài Bắc. Ông đã phát tâm và đi bộ 135 ngày để mang chiếc mõ này về chùa. Vì giữ lại được những dấu tích, kiến trúc cổ xưa qua nhiều thế kỷ nên chùa gây ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước bởi sự nguyên vẹn cổ kính.
Chùa là nơi để Phật tử trong và ngoài tỉnh hội ngộ tu tập, tìm đến sự bình yên, an vui an lạc. Thu hút đông đảo du khách ghé thăm, hành hương hàng năm, nhất là vào các ngày rằm, dịp lễ tết để cầu bình an, thịnh vượng. Chùa có Đông Lang và Tây Lang được xây dựng theo kiến trúc cổ xưa trước đây. Trước đây Tây Lang là một hồ sen trắng tỏa hương thơm ngát. Hiện giờ Tây Lang đã được trùng tu lại theo lối kiến trúc mới vừa để tiếp khách vừa sử dụng để lưu giữ kinh sách, còn Đông Lang cũng được sửa sang lại nối dài với nhà trù thành một giảng đường để làm lớp học cho Trường Phật học cơ bản.

Bên ngoài khuôn viên chùa là khoảng sân rộng được bày trí, dựng các tiểu cảnh thiên nhiên, tạo không gian thoáng đãng thanh bình.Hằng năm cứ vào ngày 19 tháng 7 âm lịch, chùa lại tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ hòa thượng Thích Minh Phước, vị sư trụ trì đầu tiên của chùa. Nếu có dịp du lịch Đồng Tháp, bạn nên ghé đến tham quan, vãn cảnh Chùa Phước Hưng, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về kiến trúc văn hóa, truyền thống nơi đây.

Truyện cười trong ngày

Lý Do Bị Vợ Đuổi Khỏi Nhà

Sáng sớm, ông An thấy ông Bi bạn hàng xóm ngồi thẫn thờ trước cửa nhà. Nghi có chuyện chẳng lành, anh chạy sang hỏi han.

- Sao ông lại ngồi ở đây thế?
Ông Bi nhìn ông bạn, vẻ mặt rầu rĩ kể lại câu chuyện:

- Hôm qua tôi và vợ cãi nhau. Sau một buổi chiều bỏ ra quán cà phê ngồi suy nghĩ, tôi rất hối hận. 

Ông An nóng ruột hỏi tiếp:

- Rồi sao nữa? 

Ông Bi thở dài, mắt ngấn lệ nói:

- Tôi quyết định mua cho vợ một sợi dây chuyền để xin lỗi cô ấy.

- "Vậy sao anh còn phải ngồi ở cửa?" Ông An thắc mắc.

Ông Bi ấm ức kể lại trong nước mắt:

- Tôi không biết nên mua sợi dây dài cỡ nào cho vừa, nên nhân lúc vợ ngủ liền lấy sợi dây thừng vòng qua cổ cô ấy để đo thử. Thế là vợ tôi bật dậy nổi điên lên tống cổ tôi ra khỏi nhà. Phụ nữ thật khó hiểu. Tôi chỉ muốn xin lỗi thôi mà!

Monday, May 27, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 27 tháng 5, 2019

Truyện ngắn - Trạm thị – mẹ của Đào Khản

Trạm thị – mẹ của Đào Khản

Mẹ của Đào Khản là Trạm thị, được tôn xưng là một trong tứ đại hiền mẫu. Người đời sau mãi luôn tán dương bà về cách dạy con và nết đối đãi khoan dung với người khác.

Đào Khản (259 -334), tự Sĩ Hành, là người Tầm Dương. Ông sớm mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh vô cùng bần hàn. Mẹ ông đã một mình chịu đựng vất vả, dựa vào dệt vải may áo kiếm sống, nuôi con ăn học.

Lúc Đào Khản còn trẻ, có một hôm tuyết rơi đầy trời. Bạn của Đào Khản là Phạm Quỳ ở Bà Dương đến chơi nhà. Phạm Quỳ là một học giả vì lòng hiếu thảo và tính liêm khiết nên được quan viên quê nhà tiến cử làm Hiếu liêm. Ông đang trên đường đến Lạc Dương để nhận sắc lệnh.

Gia cảnh Đào Khản quá nghèo túng, ông không có gì tiếp đãi bạn nên trong lòng vô cùng lo âu. Đào mẫu thấy vậy liền an ủi con trai: “Con cứ lo việc giữ khách lại đi, mẹ sẽ nghĩ cách để tiếp đãi bạn con”.

Thế rồi bà lấy kéo cắt tóc đem đổi lấy rượu và đồ ăn, cắt mấy cây cột trong cái chuồng cũ làm lửa đốt, lấy cỏ khô lót trên giường cắt nhỏ cho ngựa của Phạm Quỳ ăn. Phạm Quỳ sau khi biết được việc này, đã xúc động nói: “Chỉ có người mẹ như vậy mới có thể giáo dục ra một người con tài đức như Đào Khản!”.

Đào Khản không bao giờ quên rằng mẹ ông đã cố gắng làm mọi việc cho phải nghĩa của người chủ nhà để đối đãi Phạm Quỳ và đoàn tùy tùng của ông. Khi Đào Khản làm quan, ông khiêm tốn và lễ nghĩa, dùng lòng cung kính, đạo đức tốt đẹp và lễ phép để đối đãi với khách của mình và người khác.

Khi Đào Khản làm quan phụ trách việc đánh bắt cá ở Hải Dương, tỉnh Chiết Giang, ông thường nhận được quà cáp của thuộc cấp. Ngày nọ, có người đưa cho ông một vại cá muối. Đào Khản đã chuyển nó cho mẹ ông ở quê nhà.

Tuy nhiên, mẹ ông trả lại của biếu kèm theo một lá thư ghi rõ: “Bây giờ con đã làm quan. Con gửi cho ta thứ vật phẩm con nhận được nhờ chức trách làm ta thấy không được vui. Thực lòng, nó làm ta lo lắm”.
Lời cảnh tỉnh của mẹ khiến ông xấu hổ. Từ đó, Đào Khản trở thành một quan vị quan liêm khiết.

Đào Khản đã được mẹ dạy cho bài học về sự chính trực. Nhờ có công lao mà ông được thăng làm Thị trung, Thái úy, đô đốc Giang – Quảng – Ninh – Kinh – Tương – Ung – Lương 7 châu chư quân sự, Trường Sa quận công. Cả đời là một học giả và làm quan thanh liêm, ông đã khiến mẹ vẻ vang.

Truyện ngụ ngôn

Bơ gạo

Tại một xa xôi hẻo lánh, có nhiều lời đồn đại rằng hoàng tử của đất nước sẽ đến thăm làng. Những người luôn được coi là dân đen, tầng lớp thấp trong làng đều vui mừng, vì họ tưởng như ngôi làng này đã bị lãng quên rồi.

Dân đen làm huyên náo hằng ngày kể từ khi họ nghe tin đó. Nhưng không có ai vui mừng và "kích động" bằng một người ăn xin trong làng. Vì không biết ngày hoàng tử đến, nên ngày nào ông cũng ngồi bên vệ đường, hy vọng hoàng tử sẽ cho ông ta nhiều tiền, ít nhất là để mua gạo đủ ăn.

Thực ra, người ăn xin có hai cái bơ sắt. Một cái để đựng tiền xin được, và một cái để đựng ít gạo của ông ta. Hằng ngày, người ăn xin vẫn ăn mặc rách rưới, tả tơi với hai cái ống bơ ngồi đó.

Và cuối cùng, không uổng công mong đợi, hoàng tử đã đến và đi vào làng. Khi thấy hoàng tử đi qua, người ăn xin vội chìa tay ra kêu lên:

- Xin bố thí cho kẻ hèn này!

- Hãy cho tôi bơ gạo của ông - Đó là những lời duy nhất hoàng tử nói.

Người ăn xin không thể tin được vào tai mình. Không có một lý do gì để một người giàu có nhất đất nước lại đi xin bơ gạo của một người ăn xin. Người ăn xin định từ chối, nhưng rồi sau khi xem xét lại, ông đổ bớt gạo ra khỏi bơ, chỉ đưa cho hoàng tử nửa bơ gạo. Hoàng tử đổ gạo vào túi mình, rồi cho tay vào túi và lấy ra một nắm vàng, bỏ vào đúng nửa bơ, bằng với số gạo mà hoàng tử nhận được, rồi lại đưa cho người ăn xin. Hoàng tử không bao giờ quay lại, còn người ăn xin thì suốt cuộc đời cứ băn khoăn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu ông ta đưa cho hoàng tử cả bơ gạo.

Điển Hay Tích Lạ

Hữu thị vô khủng 

Ý của câu thành ngữ này có nghĩa là vì có chỗ nương tựa, nên chẳng phải lo lắng gì. 

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Tả truyện-Hý Công nhị thập lục niên". 

Năm 634 công nguyên, Tề Hiếu Công nhân dịp nước Lỗ bị thiên tai, liền thống lĩnh đại quân sang đánh nước Lỗ. Vua nước Lỗ biết mình không thể nào chống đỡ nổi, bèn cử đại phu Triển Hỷ đem bò cừu và cơm rượu đi úy lạo quân Tề. 

Triển Hy đến gặp Tề Hiếu Công và nói rõ ý định của mình, thì Tề Hiếu Công ngạo mạn hỏi rằng : "Nước Lỗ các ngươi cảm thấy sợ hãi rồi phải không?". Triển Hỷ là người giỏi biện bạcH liền ung dung đáp rằng: "Những người không có tầm nhìn xa thì mới cảm thấy lo sợ, chứ vua nước Lỗ và các đại thần chúng tôi đều cảm thấy chẳng có gì đáng sợ cả". 

Tề Hiếu Công nghe xong liền khinh miệt đáp rằng "Nước Lỗ các ông kho tàng trống rỗng, nhân dân thiếu lương ăn, đồng ruộng không nói là cây lúa, mà ngay đến ngọn cỏ cũng không sao mọc được, các ông dựa vào đâu mà còn nói là không lo sợ ? " Triển Hỷ rất bình tĩnh khảng khái đáp rằng: "Đây cũng là vì chúng tôi dựa vào di mệnh của Chu Thành Vương. Ban đầu, Khương Thái Công tổ tiên của nước Tề rất mực trung thành, cùng đồng tâm hiệp lực giúp đỡ Chu Thành Vương tổ tiên của nước Lỗ, ông ta quên ăn quên ngủ giải quyết công việc nhà nước, cuối cùng đã bình trị được thiên hạ. Chu Thành Vương vô cùng cảm kích, bèn cùng tổ tiên các ông lập ra bang ước, nhắc nhở các đời con cháu, phải đời đời kiếp kiếp giao hảo và không được xâm phạm lẫn nhau, điều này đều có tài liệu để tra cứu. Tổ tiên chúng tôi đã hữu hảo như vậy, thì đại vương chắc chắn không thể ngang nhiên phế bỏ lời bang ước của tổ tiên ? Chúng tôi cũng chỉ vì dựa vào điều này, nên chẳng lo sợ gì cả". 

Tề hiếu Công nghe xong lời nói của Triển Hỷ, liền từ bỏ ý định xâm chiếm nước Lỗ, rút quân về nước.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Lời Mẹ Dạy

Jiun, một vị Thiền sư phái Shingon, vốn là một học giả chữ Phạn thời Tokugawa. Lúc còn là thiền sinh, ngài hay thuyết giảng cho các đồng môn.

Khi hay tin, mẹ ngài liền viết cho ngài một lá thư: "Con ạ, Mẹ không tin rằng khi con hiến mình vào cửa Phật là cốt để trở thành một cuốn tự điển sống. Biện bác, sành sõi, vẽ vang và tự màn chẳng đi đến đâu. Mẹ muốn con hãy dẹp cái trò lên lớp đó đi. Hãy dọn mình tĩnh tu trong một tiểu viện ở chốn thâm sơn cùng cốc. Dành mọi thì giờ cho việc thiền quán, may ra con mới ngộ được chánh đạo.

Truyện cười trong ngày

Đính Chính 

Một tờ báo của Pháp trong bài viết có đăng tin: "50 phần trăm Quốc Hội Pháp không có học!".

Liền sau đó, tờ báo nhận được sự phản đối mạnh mẽ từ phía Quốc Hội. Hôm sau tờ báo này viết đính chính lại: "Bản tin lần trước chúng tôi in bị sai sót, xin được đính chính lại như sau: "50 phần trăm Quốc Hội Pháp ... có học!"

Sunday, May 26, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 26 tháng 5, 2019

Truyện ngắn - Bí quyết thành công

Bí quyết thành công

Có một người rất nghèo và khổ cực. Một người nhà giàu nhìn thấy đáng thương liền muốn giúp đỡ. Người giàu có đưa cho anh ta một con bò, chúc anh khai hoang tốt, đợi mùa xuân đến gieo hạt giống, mùa thu là có thể thoát nghèo rồi.

Người nghèo cảm thấy hi vọng trong lòng, bắt đầu phấn đấu. Nhưng chỉ sau vài ngày, bò muốn ăn cỏ, người muốn ăn cơm, cuộc sống trở nên khó khăn hơn trước.

Người nghèo bèn nghĩ thà rằng bán bò đi, mua mấy con dê. Trước tiên giết một con để ăn, còn lại để nuôi cho nó sinh con, đợi nó lớn lên rồi cầm đi bán. Như thế kiếm được nhiều tiền hơn.

Người nghèo tiến hành theo kế hoạch. Sau khi ăn hết một con dê, những con dê còn lại rất chậm sinh con, cuộc sống lại gặp khó khăn. Thế là anh không nhịn được lại giết thịt một con.

Người nghèo nghĩ: "Tiếp tục như vậy không được. Không bằng đem dê bán đi, mua thành gà. Gà đẻ trứng rất nhanh, trứng gà có thể lập tức bán được tiền, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp."

Người nghèo lại thực hiện theo kế hoạch. Nhưng rồi thời gian trôi qua cũng không có thay đổi, gặp khó khăn, nhịn không được liền giết gà, cuối cùng chỉ còn lại một con. Lý tưởng của người nghèo hoàn toàn sụp đổ.

Người nghèo thất vọng: "Làm giàu thật khó, thà đem con gà còn lại đi bán, mua một bình rượu uống cho no nê. Mọi việc không còn lo lắng."

Mùa xuân đến rất nhanh. Người giàu có hào hứng mang hạt giống cho người nghèo nhưng nhìn thấy người nghèo đang uống rượu với dưa muối, bò cũng không còn, trong nhà vẫn nghèo rớt mồng tơi như trước đây.

Người giàu quay đi, người nghèo vẫn cứ tiếp tục.

Rất nhiều người nghèo đã từng mơ ước, thậm chí có cơ hội và hành động nhưng họ không kiên trì đến cùng.

Một nhà đầu tư nói bí quyết thành công của mình là: "Lúc không có tiền, cho dù khó khăn cũng nên tiết kiệm và đầu tư. Áp lực sẽ khiến bạn tìm được phương pháp kiếm tiền mới, giúp bạn trả hết nợ. Đó là một thói quen tốt."

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Nhất Ðế

Nếu ai đến thăm thiền viện Obaku ở Kyoto đều nhìn thấy một bảng gỗ khắc chữ đại triện "Nhất Ðế" trên cỗng. Ðối với người biết thưởng thức lối viết chân phương ai cũng đều tấm tắt khen ngợi là một tuyệt tác. Nó được viết bởi thiền sư Kosen hai trăm năm trước.

Thực ra ngài viết trên giấy, rồi nghệ nhân mới dựa theo khắc trên gỗ thật lớn. Khi Kosen viết thảo thì một thiền sinh đã đứng bên cạnh mài cả hàng mấy hủ mực lớn tướng, và cũng bạo dạn không ngừng phê bình lối viết của sư phụ.

"Chưa được," Y thưa với Kosen sau bản thứ nhất.

"Cái này thì thế nào?ẽ

"Còn kém, tệ hơn bản trước nữa," đệ tử phê.

Kesen kiên nhẫn viết bản này qua bản khác cho đến khi đếm được tám mươi tư bản với chữ "Nhất Ðế" chồng chất mà đệ tử vẫn chê.

Ðến một lúc thiền sinh trẻ kia bước ra ngoài trong chốc lát, Kosen nghĩ: "Bây giờ là lúc ta thoát ra khỏi cái dòm chừng của nó," và ngài phóng bút viết liền tay với tâm thơ thới chữ "Nhất Ðế." Quay vào, nguời đệ tử reo lên: "Tuyệt tác."

Điển Hay Tích Lạ

Hữu bị vô hoạn 

Ý của câu thành ngữ này có nghĩa là chuẩn bị đầy đủ sẵn từ trước, thì mới không có rắc rối về sau. 
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Tả truyền-Tương Công thập nhất niên". 
Thời Xuân Thu, sau khi Tấn Điệu Công lên làm vua nước Tấn, muốn bắt chước tổ tiên làm bá chủ các nước chư hầu, nhà vua đã áp dụng kiến nghị của đại phu Ngụy Giáng, chủ động giao hảo với các bộ lạc Nhung, Cảnh v v vẫn thường xuyên quấy nhiễu vùng miền bắc nước Tấn. Tiếp theo, lại cử sứ giả sang giao hảo với các nước chư hầu ở Trung Nguyên như Lỗ, Yến, Trần, Tống v v, và nhiều lần tổ chức bang hội với các nước này. Do đó, uy tín của nước Tấn ngày càng nâng cao, Tấn Điệu Công cuối cùng đã thỏa nguyện được làm bá chủ các nước chư hầu ở vùng Trung Nguyên. 
Bấy giờ, duy có nước Trịnh lúc thì kết bang với nước Tấn, lúc thì quy thuận nước Sở, khiến Tấn Điệu Công rất bực tức, bèn triệu tập quân của 11 nước tấn công nước Trịnh. Nước Trịnh sau khi đầu hàng, đã đem rất nhiều cỗ xe, ban nhạc và mỹ nữ giỏi ca múa đến cống tiến nước Tấn 
Nhằm cảm ơn Ngụy Giáng đã giúp mình được làm bá chủ chư hầu, Tấn Điệu Công đã đem một nửa những lễ vật này ban cho Ngụy Giáng. Nhưng Ngụy Giáng nói: "Có thể chung sống hòa mục với các bộ lạc Cảnh, Nhung là một phúc lớn của nhà nước. Đại Vương được làm bá chủ chư hầu ở Trung Nguyên, đó là tài năng của Đại Vương. Còn công của hạ thần rất là nhỏ mọn không đáng nhắc tới. Nhưng mong đại vương trong khi an hưởng khoái lạc, hãy suy nghĩ nhiều hơn tới tương lai của nhà nước. Trong "Thường Thư" có nói "Khi yên ổn phải nghĩ đến mối nguy hiểm có thể xảy ra, đã nghĩ đến rồi thì tất có chuẩn bị, mà đã chuẩn bị thì mới không xảy ra hậu hoạn". 
Tấn Điệu Công nghe xong vô cùng cảm động, nhưng vẫn kiên trì mong Ngụy Giáng nhận lấy lễ vật. Ngụy Giáng bất đắc dĩ đành phải nhận.

Truyện cười trong ngày

Ăn Gì Không Chết ?

(Chuyện bên Việt Nam)

Một gia đình cán bộ buổi tối ngồi nói chuyện với nhau, vợ bảo chồng:

- "Ăn uống phải cẩn thận, thời buổi này thực phẩm độc hại nhiều quá!" 

Ông chồng liền đáp: "Hay ta chỉ ăn cơm với cá thôi! Thịt thì. .. lở mồm long móng, H5N1, tăng trọng, phoóc-môn ..."

Vợ không chịu nói: "Không được đâu! Cá thì bị ướp... u rê! Hay ta chuyển sang... ăn chay!" 

Ông chồng lo lắng: "Ăn chay cũng chết, rau thì dư lượng thuốc trừ sâu, nước tương thì chứa 3-MCPD, gây ung thư..." 

Vợ buồn bã thở dài: "Ăn gì cũng... chết! Biết ăn cái gì đây?" 

Thằng con ngồi nghe bố mẹ nói chuyện từ nãy đến giờ liền góp ý: "Theo con, chỉ có... 'ăn hối lộ' là không chết! Con thấy người ta chỉ bị. .. 'nghiêm khắc phê bình' hoặc. .. 'hưởng án treo' là cùng! Hay ta chuyển sang ăn hối lộ đi bố mẹ nhé!"

Saturday, May 25, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 25 tháng 5, 2019

Đọc và suy ngẫm - Đốm màu đen ở giữa tờ giấy trắng

Đốm màu đen ở giữa tờ giấy trắng

Một ngày, vị giáo sư bước vào lớp và yêu cầu sinh viên chuẩn bị làm bài kiểu tra 5 phút. Tất cả mọi người đều cảm thấy hồi hộp, lo lắng trước khi giáo viên phát đề.

Bài kiểm tra hôm đó thật đặc biệt vì giáo sư đặt úp tờ đề bài trên bàn mỗi người. Khi công việc này đã xong xuôi, ông mới yêu cầu sinh viên lật ngược tờ giấy lại. Cả lớp rất nhạc nhiên khi không thấy bất cứ câu hỏi nào trên đó mà chỉ là một dấu chấm màu đen ở giữa trang giấy. 

"Các em nhìn thấy gì trên đó, hãy viết ra", giáo sư nói.
Tất cả sinh viên cảm thấy bối rối nhưng cũng bắt đầu viết ra những suy nghĩ của mình. 

Hết giờ, giáo sư thu lại bài kiểm tra và bắt đầu đọc to nội dung từng bài viết của các sinh viên. Không ai bảo ai, mọi người đều cố gắng giải thích về vị trí trung tâm của dấu chấm đen trên tờ giấy.

Khi đã đọc xong từng bài, giáo sư mới ôn tồn giải thích: "Tôi sẽ không đánh giá các em với bài kiểm tra này. Tôi chỉ đơn giản muốn các em suy nghĩ một điều khác. Không ai trong các em viết về phần màu trắng còn lại trên tờ giấy. Mọi người chỉ tập trung vào đốm màu đen. Cũng giống như trong cuộc sống, chúng ta thường chỉ tập trung vào những điều khiến mình phiền lòng: sức khỏe yếu, không có nhiều tiền, bất hòa với gia đình hay thất vọng về tình bạn... Các 'đốm đen' đó rất nhỏ khi chúng ta so sánh với những thứ khác trong cuộc sống, nhưng nó lại ảnh hưởng lớn tới tâm trạng của chúng ta. Hãy đừng dừng tầm mắt của bạn ở những đốm màu đen mà tận hưởng từng khoảnh khắc cuộc sống mang đến cho bạn. Hãy hạnh phúc và sống một cuộc đời chỉ có tình yêu".