Wednesday, November 13, 2013

Phật Pháp Vấn Đạo - Nếu một người đã từng bố thí là có phước bố thí một khi đi xuất gia thì khác nhau như thế nào?"

Hỏi: Nếu một người đã từng bố thí là có phước bố thí một khi đi xuất gia thì khác nhau như thế nào?"

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Với câu hỏi liên quan đến sanh vào cõi trời sanh vào cõi người thì là câu hỏi rất dễ hiểu mà chúng ta thường nghe nhưng đi xuất gia thì thế nào thì Đức Phật Ngài dạy một điều rất đặc biệt và qua điều đó thì chúng ta sẽ hiểu được đời sống của một vị tăng sĩ như thế nào.

"Người có bố thí, khi được xuất gia, vượt qua vị xuất gia không có bố thí trên năm phương diện: Thường hay được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái.."

Chúng tôi nói tóm tắt lại. Vị nào đã từng bố thí khi xuất gia thì với tứ vật dụng tức là y phục, thức ăn, chỗ ở, thuốc men, chúng ta gọi là tứ vật dụng hay là tứ sự thì nhiều hơn những vị không có bố thí. Về điểm này qúi vị phải ở chùa lâu mới hiểu mới cảm nhận được có một điều lạ là cũng thời xuất gia cũng sống trong chùa thì lúc đó mình mới thấy phước của mỗi người mỗi khác, có những người đầy đủ rồi mà Phật tử vẫn muốn cúng dường nhưng có những vị rất thiếu thốn. Về việc này không phải vì vị này nói tài hay không tài, dĩ nhiên là có nhiều vị có một vài cách sinh hoạt khiến cho Phật tử lui tới nhiều nhưng đa phần là do phước. Về điểm này thì một người hiểu đạo sẽ không có tự hào tự cao là mình được nhiều, hay được ít cũng không có mặc cảm, mà là do phước của mình, cũng thời sinh sống trong chùa mà có những vị về phước báu hữu lậu công đức có rất nhiều.

Nhưng riêng về điểm thứ năm thì Đức Phật nói rằng người có bố thí thì sống giữa các bạn đồng phạm hạnh tức là những vị đồng tu thì được đối xử bằng thân nghiệp khả ái, khẩu nghiệp khả ái, ý nghĩ khả ái hay giúp đỡ nhiều vị này.

Thế nào là thân nghiệp khẩu nghiệp ý nghiệp khả ái, tức là những người chung quanh họ đối với mình bằng tâm từ thì nhiều mà tâm tự ái thì ít, tức là trong lời nói hành động ý nghĩ nhận được nhiều sự thương mến hơn. Điểm này cũng rất là thú vị, là một người có sự bố thí nhất là mình bố thí bằng tâm đại bi thí dụ như một người bố thí mong chúng sanh được an lạc, bây giờ mình thâý một người nào đó đến gặp mình rồi mình muốn cho họ một bữa ăn hay cho họ ly trà để họ đỡ đói hay đỡ khát trong đó có gói lòng từ bi và có tâm từ mong cho mọi người được an lạc.

Người bố thí cũng có khi mang tâm bi trong đó, thí dụ khi thấy người ta khổ mình làm cho người ta bớt khổ, do tâm từ tâm bi chất từ chất bi nằm trong hành động bố thí thì nó mang lại cho mình được phước là phước đức khiến những người chung quanh đối với mình bằng lời nói hành động và ý nghĩ rất ôn nhu hiền thiện rất là an lạc. Cũng có nhiều vị đi xuất gia sống với tăng chúng sống với tăng và ni thường bị những người khác nói chuyện với mình cộc lốc hay họ không thương mến mình. Sống ở trong chùa cũng vậy không phải là vị nào cũng giống nhau có nhiều khi sống trong chùa mình không làm gì hết nhưng người khác lại thương mến mình và có nhiều khi có những vị sống trong chùa thì hay gặp những người khác đối xử với mình không tốt. Thì lúc đó chúng ta nên biết rằng vì chúng ta có phước đức hay không, đặc biệt là chúng ta có cái phước bố thí hay không.

Chúng ta thấy rằng năm pháp Đức Phật dạy một vị xuất gia trước kia đã từng có bố thí khác biệt với những vị không có bố thí về tứ vật dụng, về y phục, thức ăn, sàn toạ, chỗ ở và thuốc men, đồng thời sự đối sử của những vị phạm đồng phạm hạnh đối với mình cũng có khác biệt là do cái phước mình đã có bố thí, đó là theo phương diện mình đi xuất gia. Bởi vậy có nhiều vị bình thường làm phước đừng nghĩ rằng mình làm phước thì chỉ được cái phước sanh vào cõi người cõi trời không mà khi mình đi xuất gia mình cũng còn có sự an lạc của đời sống xuất gia, nó cũng trợ duyên rất lớn. Qúi vị cứ tưởng tượng là mình vào trong chùa sống mà những người ở chung quanh mình những đạo bạn những vị pháp hữu chung quanh mình họ đối với mình hoàn toàn với cái nhìn không thoải mái thì mình cũng không thoải mái nhưng mà những người chung quanh là Thầy Tổ đạo bạn huynh đệ đối với mình một cách rất là từ ái từ mẫn thì chúng ta sống trong chùa được sự an lạc lớn lắm. Nghĩ đến điều đó thì chúng ta nên hoan hỉ để bố thí.

No comments:

Post a Comment