Hỏi: Những người tạo dựng cơ nghiệp lớn bằng phương cách bất thiện nhưng theo lý nhân quả thì sự thành công đó có phần nào do phước quá khứ chăng?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 29-8-2013, Thiên Ân chuyển biên)
TT Tuệ Quyền: Phước vốn là thiện, nhưng thiên hướng của họ lại là chuyện khác, bởi vì nếu nghiệp quả phân tích trên tinh thần của Phật Pháp thì không đơn giản như những gì chúng ta suy nghĩ.
Tạm thời ví dụ hai người cùng nhau đi chài lưới, chắc chắn sẽ có một người được ít một người được nhiều. Tuy việc ác của họ cùng làm nhưng nói theo dân gian thì cái lộc, cái phước của người có nhiều thì được trúng, đây là sự thật ảnh hưởng một phần của phước báu bởi vì nó trả quả theo cái nhân của chúng ta làm và theo phương hướng của chúng ta làm. Một người trộm cắp hoặc buôn lậu, nhiều chuyến thuận lợi nhưng cũng có những người mới đi lần đầu, số lượng rất ít đã bị bắt.
Ở đây phải nói rằng cũng có nghiệp của người đó, dĩ nhiên là họ làm sai, điều đó chắc chắn là sai, nếu chúng ta hướng đến cái thiện thì tốt nhưng nếu chúng ta hướng đến cái ác thì cũng rất tai hại, do đó tam nghiệp thân khẩu ý chúng ta phải giữ gìn cho tốt đẹp. Nếu chúng ta biết rằng quả phước trổ ra như trái cây đã chin nhưng do chúng ta khi làm việc ác thì trái cây đó sẽ đắng hay trái cây đó sẽ ngọt thì nhân thiện đây chính là tùy duyên. Nhiều khi chính phước đó là cái họa, như người trúng số là người may mắn nhưng nếu người trúng số đó mừng quá vì từ xưa tới giờ mình chưa có số tài sản như vầy, thế là họ lao vào ăn chơi trác táng, xa xỉ mang đến bệnh hoạn, tán gia bại sản, nợ nần. Ở đây chúng ta thấy họ được trúng số nhưng cách họ làm thì khác.
Như vậy ở đây là phước hay họa? Phước là phước, họa là họa, cách nhau rất xa, tùy theo cách chúng ta hành xử, cách chúng ta gieo, tiếp tục thừa hưởng trên thành quả đó, hay tâm khởi đầu tiên của chúng ta muốn như thế nào? Khi chúng ta làm việc, cái tác ý đầu tiên để khởi phước cho mình ngay trong hiện kiếp nầy là bằng việc thiện hay việc ác. Nếu người ác mưu toan, tính toán, cầu mong, bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích của mình, còn người làm phước thì mong rằng phước nầy hãy là nhân là duyên để chúng ta không đau khổ trong tương lai, hoặc để chấm dứt sanh tử khổ đau, đây là hai chí hướng khác nhau rất xa.
Nghiệp quả không thể so sánh giá trị tuyệt đối được, vì nghiệp bất khả tư nghì, chúng ta không thể bàn luận bằng tư duy của mình. Quả thật có nhân có quả, phước là quả thiện, làm tội là quả ác, phước và tội đó sẽ song hành với chính chúng ta trong vòng luân hồi nầy.
No comments:
Post a Comment