Phải nói rằng tâm tư của chúng ta thường rất nhảy cảm, nó không phải nhảy cảm mà có thể nói rằng nó mẫn cảm đến mức độ dễ vui dễ buồn dễ bị tổn thương, cái gì cũng có thể làm cho chúng ta nhức nhối, cái gì cũng có thể làm cho chúng ta sầu muộn và đây có thể nói là một điều không may không những cho một người hai người mà cả một thế hệ của chúng ta. Con người càng lúc càng đòi hỏi sự tự do cá nhân càng nhiều nhưng mà nghịch lý hết sức là càng lúc chúng ta lại càng sống gần với nhau hơn ở trong nếp sống đô thị và chúng ta càng đụng chạm nhau hơn. Tại Hoa Kỳ có những trường hợp vợ chồng cãi nhau đưa ra toà tại vì một trong hai người đó khi ngủ gáy lớn quá, hoặc giả người ta đề cập đến một chuyện là hàng xóm nếu mình sơn cái nhà mà sơn không đúng màu người ta cũng có thể kiện mình, người ta có trăm ngàn lý do để nói lên là cá nhân của họ được bảo vệ, sự bảo vệ đó mới xem ra thì dường như là bảo đảm lắm nhưng về lâu về dài thì điều đó giống như là một vết thương được bưng bít lại, cái vết thương mà nó được băng hầm kín lại thường nó lại không mau lành như là vết thương được rửa sạch được làm cho thoáng làm thế nào để sát trùng chăm sóc đầy đủ, chúng ta không chăm sóc vết thương bằng cách lấy vải với băng bọc kín lại từ ngày này qua ngày khác mà không chịu rửa không chịu xức thuốc. Tâm tư của chúng ta cũng vậy, ở cái nhìn của Đức Phật là chúng ta luôn luôn tìm cách bảo vệ cái mà chúng ta quan niệm bản ngã của mình, bảo vệ cảm giác của mình, và nếu trước đó chuyện gì đụng chạm đến thì chúng ta đau giống như một đứa bé mà mỗi lần rửa ghẻ nó khó chịu nó xốn xao.
TT Giác Đẳng - Tâm giải thoát là tâm bất động - Minh Hạnh chuyển biên
No comments:
Post a Comment