Hỏi: Chúng ta cảm nhận về Đức Phật như thế nào?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 18-9-2013 Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đôi lúc, mỗi chúng ta có những cảm nhận khác nhau về Đức Phật, có nhiều khi chúng ta lạy tượng Phật vì chúng ta nghĩ rằng tượng Đức Phật rất đẹp, rất là linh thiêng, hoặc giả chúng ta lạy Phật chỉ là lạy Phật.
Không có quy tắc nào rõ ràng để chỉ khi lạy Phật thì chúng ta cảm nhận như thế nào. Nhưng chúng tôi chia sẻ ở đây là kinh nghiệm bản thân của chúng tôi, điều này chúng tôi học từ một vị trưởng lão, Ngài Ananda Maitreya, bây giờ thì Ngài tịch rồi, ngày xưa khi chúng tôi mới qua Mỹ thì mỗi tuần thường lái xe từ chùa Pháp Vân ở Phoenix lên Los Angeles để đảnh lễ Ngài và tu học với Ngài. Thì có một lần chúng tôi cũng đem một câu hỏi tương tựa để hỏi Ngài, năm đó Ngài cũng 101 tuổi, chúng tôi gặp lại Ngài sau một thời gian dài, và hỏi Ngài: "với tuổi đời chồng chất đã hơn 100 tuổi, Ngài khỏe rồi có được trí tuệ minh mẫn, mỗi khi Ngài nghĩ về Đức Phật Ngài cảm nhận như thế nào", thì Ngài Ananda Maitreya có chia sẻ một số điều và cho đến ngày hôm nay những điều Ngài dạy chúng tôi vẫn thực hành ở trong đời sống:
- Ngài nói rất gọn. Ngài nói rằng khi Ngài nhớ đến Đức Phật thì Ngài nhớ đến ba ân đức là đức thanh tịnh, đức lâng mẫn hay là bi đức, và đức sáng suốt gọi là trí đức. Thì tịnh đức, bi đức và trí đức là ba đức của Đức Phật. Khi Ngài nghĩ đến ba đức đó thì được xem như hình ảnh của Đức Phật rất là sáng rất là rõ ở trong lòng của Ngài. Rồi Ngài cũng nói thêm một điểm là ba đức này Ngài nhớ trong những trường hợp khác nhau chứ không phải một lần mà Ngài nghĩ nhớ cả ba điều đó. Ví dụ như là đức thanh tịnh, khi nhớ đến đức thanh tịnh của Đức Phật thì Ngài Ananda Maitreya Ngài thường nghĩ đến hội chúng thanh tịnh, như hội chúng có Ngài Mục Kiền Liên, có tôn giả Xá Lợi Phất. Và có một điều mà chúng tôi vẫn thường nói qúi vị tôn giả Ananda bằng tuổi Đức Phật ra đời cùng ngày với Đức Phật, năm Đức Thế Tôn 80 tuổi thì tôn giả Ananda cũng 80 tuổi, và tôn giả Ananda là vị Hoàng Tử, là một nhà trí thức, một bậc đại trí tuệ, nhưng sống gần Đức Phật tôn giả Ananda có trọn sự hiểu biết về sở hành của Đức Phật, tôn giả Ananda có hiểu biết về giác ngộ của Đức Phật, sự thanh tịnh của Đức Phật. Thành ra một bậc Đạo Sư hướng dẫn một hội chúng thanh tịnh như vậy nếu bản thân của Ngài không thanh tịnh thì Ngài không hướng dẫn thanh tịnh như vậy. Thành ra Đức Phật Ngài quả là một bậc thanh tịnh
Ngài Ananda Maitreya nói rằng trong những lần Ngài đọc tin tức hay khi Ngài đi đó đi đây Ngài nghe nói về phiền não nghe nói về tranh danh đoạt lợi nghe nói về những tham vọng của con người thì Ngài lại nhớ đến Đức Phật là bậc thanh tịnh thì lúc đó Ngài cảm thấy rất là thấm thía khi Ngài lạy Đức Phật Ngài nghĩ đến Đức Phật là bậc tịnh đức là bậc đại thanh tịnh.
Rồi Ngài Ananda Maitreya cũng nhớ Đức Phật như là bậc đại bi mẫn, về hành trình của Ngài, Ngài đã sống như thế nào và Ngài đã làm gương lành cho hậu thế như thế nào thì chúng ta thấy rất là rõ ràng. Nếu chúng ta đọc sâu vào quãng đời của Đức Phật khi Ngài đi hoằng Pháp lúc Ngài rời cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng trên đường đến vườn Lộc Giả rồi từ đó Ngài đã đi khắp nơi. Trong cuộc sống của Ngài lúc bấy giờ lẽ ra Ngài có được những người đệ tử, Ngài có được những người đại thí chủ, Ngài có được những phương tiện sống rất là nhẹ nhàng rất là an lạc, nhưng mà Ngài đã không dừng một chỗ, những hình ảnh rất là cảm động như Đức Thế Tôn trong giờ phút cuối cùng Ngài vẫn đi về Kusinara vì ở nơi đó Ngài đã độ được người đệ tử cuối cùng là Subhadda.
Chúng tôi và quí Phật tử mỗi lần đi hành hương về Ấn Độ rồi đi ra nơi vườn của ông Cunda nơi cúng dường Đức Thế Tôn bữa cơm cuối cùng, rồi buổi trưa đó Ngài đi về vườn Sala ở trong Kusinara. Chúng ta bây giờ đi bằng xe bus đến thăm nơi vườn của ông Cunda xong rồi đi xe bus trở về Kusinara chúng tôi thấy con đường dài và những lúc đó thường là buổi trưa nên đói bụng, thì những lúc đó chúng tôi nghĩ Đức Phật sau khi thọ thực ở đó mà thân của Ngài mang trọng bịnh và Ngài chỉ đi với đôi chân trần của Ngài và đi bộ về Kusinara đi nhiều tiếng đồng hồ ít nhất là ba tiếng đồng hồ thì Ngài mới đặt chân đến khu vườn và ở tại đó Ngài dạy tôn giả Ananda là đi vào trong thành cho các vị vua Malla biết rằng hôm nay Như Lai sẽ viên tịch ở tại kusinara này. Thì thật sự chúng tôi ít có nói với qúi Phật tử nhưng chúng tôi nghĩ ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện, nhất là khi chúng ta bịnh thì cũng có xe cộ đưa đón có phương tiện mà đi đâu khi đang bịnh thì cũng mệt rồi nhưng Đức Thế Tôn vẫn đi, Ngài đi đến đó để độ người đệ tử sau cùng là Subhadda thì phải nói rằng những điều đó cho chúng ta thấy lòng bi mẫn cao cả của Ngài.
Một bài kinh chúng tôi đọc chúng tôi rất là thường đó là kinh Maha-Parinibbana-sutta - Kinh Đại Bát Niết Bàn. Trong bài kinh mang những gì mà Đức Thế Tôn đã dặn dò. Ngài đã trải qua một hành trình từ thành Vương Xá đi đến Vesali rồi từ Vesali đi đến Kusinara thì trên hành trình đó là những ngày giờ cuối cùng của Đức Phật Ngài để cho chúng ta những hình ảnh rất là đẹp là một bậc Đạo Sư cái gì mà Ngài nghĩ cái gì Ngài quan tâm và cái gì Ngài để lại cho hậu thế thì riêng đối với cá nhân chúng tôi một lần cũng có chia sẻ với Ngài Ananda Maitreya thì Ngài cũng rất là đồng tình là kinh đó đọc rất là cảm động tại vì nói nhiều về bi tâm của Đức Phật đối với cuộc đời, đối với chúng sanh.
Có những lời dặn dò, ví dụ như vầy là khi Ngài nằm ở trên phiến đá Ngài có dặn hai điều, hai điều đó là chi tiết nhỏ thôi: Một là Ngài dạy rằng nếu sau này Như Lai viên tịch rồi có ai nói rằng Như Lai đã viên tịch vì thức ăn của Cunda tức là người thợ rèn Thuận Đà cúng thì nên cải chính với người đó là không phải như vậy và nên nói với người đó rằng có hai bữa cơm cúng dường cho Như Lai được gọi là đại phước thắng duyên cúng dường trong cuộc đời đó là bữa cơm cúng dường trước khi Như Lai thành đạo và bữa cơm trước khi Như Lai viên tịch Niết-bàn. Thì ý Ngài nói bữa cơm của nàng Sujātā cúng dường trước khi Ngài thành đạo là bữa cơm đại phước đức và bữa cơm do Cunda cúng dường trước khi Ngài đi đạt Niết-bàn là bữa cơm gọi là đại phước đức là vì trước khi Như Lai viên tịch Vô Dư Niết Bàn. Trước sự căn dặn một cách chi tiết đó là một hình ảnh rất là đẹp về lòng bi mẫn của Đức Phật. Hay hoặc giả trước khi Đức Thế Tôn Ngài viên tịch Ngài cũng dặn là Chư Tăng sau này sau này sử dụng một pháp gọi là Brahmadanda gọi là phạm đàn đối với tỳ kheo Sanặc là người đánh xe người đã đưa Thái Tử Sĩ Đạt Đa đi xuất gia và sau khi Đức Thế Tôn Ngài về thành Ca Tỳ La Vệ thì Sa Nặc cũng đi xuất gia, bởi vì sau đó nhiều năm Sa nặc lại trở thành tỳ kheo cao tuổi hạ nhưng tánh tình thì rất là ỷ lại cống cao tin rằng mình là người quan trọng người đã đưa Đức Phật khi còn là Thái Tử đi xuất gia, là một người tín đồ thân của Đức Phật thành ra Sa Nặc với lối sống trong đời với niềm hãnh diện về sự liên hệ của mình chỉ là một tín bộc của Đức Phật từ hồi Ngài còn nhỏ cho đến lớn. Do vậy Sa Nặc không nghe không chấp nhận sự hướng dẫn của các bậc trưởng lão khác, và đến cuối cuộc đời Đức Phật Ngài phải nói với Chư Tăng phải dùng biện pháp phạm đàn gọi là mặc tĩnh tức là không nói chuyện không hợp tác với Sa Nặc để cho Sa Nặc hối hận rồi từ đó tu tập. Và đúng như lời Đức Phật đã căn dặn là về sau này khi Tỳ Kheo Sa Nặc bị Chư Tăng sử dụng pháp gọi là mặc tĩnh phạm đàn thì Sa Nặc đã hối hận và tu tập và chứng quả A La Hán.
Thì phải nói rằng những lời căn dặn nhỏ, những lời căn dặn tuy rằng không liên hệ nhiều đến chúng ta mà liên hệ nhiều đến cá nhân nào đó, những lời căn dặn đó nói cho chúng ta một hình ảnh rất là đẹp của Đức Phật là bậc đại bi mẫn một tinh thần đại bi. Chúng tôi thích đọc những đoạn đó tại vì những đoạn đó rất gần với đời sống của chúng ta. Nhiều khi mình nói về trí tuệ của Đức Phật, đa số tôn giáo đều nói đến như là, mình làm cái gì có Phật chứng, hay mình làm cái gì có trời đất biết, hay là cầu nguyện thì có những chứng minh lòng thành v.v...
Riêng trong đạo Phật thì có một hiện tượng mà chúng ta gọi là phi nhân cách, phi nhân cách ở đây nghĩa là không nhất thiết không đòi hỏi mình trồng hoa trên đất thì đất phải biết mình, hay ánh sáng mặt trời làm sưởi ấm thế gian thì con người biết hay không biết, hay là trận mưa xuống đất thì có được người biết hay không, hay là trong đời sống mình làm cái gì đó phải có ai biết đến mình thì việc đó mới có kết quả mới có giá trị, không phải như vậy. Một con người sống với chân giá trị thì tự hành động tự thể hiện người đó đủ giá trị. Nói về điểm này thì không quen với tín ngưỡng thông thường của chúng ta.
Chúng ta không thấy được cái trí tuệ siêu việt của Đức Phật về điểm này, Đức Thế Tôn Ngài là một bậc cha mẹ muốn cho chúng ta là những đứa con của Ngài lớn lên đi vào trong cuộc đời này nhưng mà không phải lúc nào là mình làm cái gì cha mẹ mình biết mình làm tốt, mình làm cái gì cha mẹ mình khen mình mới làm hay, mình làm cái gì cha mẹ mình thật sự hưởng ứng nồng nhiệt thì mình mới biết là mình giỏi mình mới hăng hái. Không phải như vậy. Người ta lớn rồi không nhất thiết cần những điều đó.
Khi chúng tôi đọc những điều đó thì chúng ta thấy rằng Đức Phật là một đại trí, những lời dạy của Ngài vượt lên cái tầm thường, vượt lên cái quan niệm thường thức của chúng ta, từ quan niệm tu tập hành trì và phải nói rằng mình phải bỏ nhiều thì giờ để chiêm nghiệm và để thay đổi chính mình tại vì những bước đầu tiên chúng ta không cảm hết ý của Đức Phật.
Và khi Ngài Ananda Maitreya Ngài dạy rằng mình cảm nhận được Đức Phật thì điều đó là sự cảm nhận đơn giản. Chúng tôi nói ba cái đức là tịnh đức, bi đức và trí đức, nhưng tuy rằng ba đức này không nói rõ ở đây nhưng gói ghém cả chính cái đức chúng ta gọi là Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc thí dụ như Chánh Biến Tri thuộc về trí đức, chúng ta nói Thế Gian Giải là trí đức, Vô Thượng Thiên Nhân Sư thuộc về trí đức, Phật Đà thuộc về trí đức hay là Ứng Cúng thuộc về tịnh đức, Minh Hạnh Túc thuộc về tịnh đức. Thì những sự cảm nhận này quan trọng đối với chúng ta là người Phật tử.
Người ta nói như vầy là, một ca sĩ thể hiện một bài hát mà không có chất của cảm xúc thì bài hát không có hồn, một bài thơ khi đọc mà không cho chúng ta cái cảm hứng ý tứ sâu sắc thì bài thơ cũng không có hồn.
Thật ra Đức Phật là một công án lớn, hình ảnh của Ngài là một công án lớn đối với chúng ta, chúng ta phải nghiệm như thế nào mà chúng ta thấy được là từ đó chúng ta phát khởi được tâm hoan hỉ, tâm chứng ngộ, tâm bi ngưỡng và lạy Phật thấy an lạc, thì cái thành cái bại đó là do cái khéo của chúng ta.
Đức Phật đã để cho chúng ta hình ảnh rất đẹp đó là hình ảnh của một vị vua bỏ ngôi đi tu vào rừng hình ảnh bậc Đạo Sư không có mong cầu mà chỉ mong mang lại ánh sáng trí tuệ cho thế gian hình ảnh của một vị cha lành đầy đủ lòng lân mẫn đối với những người con của Ngài, nhưng mà ở đây sự cảm nhận là tùy ở chúng ta.
Khi chúng tôi đi hành hương thường thường chúng tôi có những giờ phút đi bộ ở dưới chân một ngọn đồi nhìn trên một ngôi chùa nào đó, một cái tháp nào đó, rồi khi đến chùa cái tháp tượng Phật thì chúng tôi lại đặt ra một câu hỏi rằng đó là tất cả là sản phẩm của con người nói lên cái cảm nhận của họ về Đức Phật, nói lên lòng kính ngưỡng Đức Phật. Nhưng mỗi người có cách phô diễn khác nhau, mỗi người có cách thể hiện khác nhau về sự cung kính của mình và từ chỗ đó dẫn đến sự thành tựu.
Và do vậy chúng tôi hoàn toàn tin ở một điểm là mỗi con người chúng ta dù là xuất gia tại gia, dù là thiếu niên trung niên lão niên ở mỗi một cái tuổi, ở mỗi một cái trình độ, mỗi địa vị nào trong cuộc đời này nhưng khi chúng ta nghĩ về Đức Phật thì luôn luôn chúng ta phải đặt câu hỏi là chúng ta cảm nhận Đức Phật như thế nào ở trong cuộc sống hàng ngày. Và mỗi lễ Vesak là lễ của Đức Phật thì chúng tôi vẫn thường dành nhiều tuần lễ trước đó sau đó và trong lúc đó để nói về đề tài này, chúng tôi tin rằng có những thứ không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể hiểu được. Cũng như ông cha bà mẹ mà chúng ta sống gần kế bên từ tấm bé, từ lúc lọt lòng, từ lúc trong thai bào nhưng mà rồi lớn lên chưa chắc chúng ta có thể hiểu ông cha bà mẹ. Và chúng tôi cũng nói thẳng đến qúi Phật tử một điều là ngay cả bản thân của chúng tôi sống gần Ngài Hộ Giác hơn 30 năm và rồi đến lúc Ngài ra đi thì càng ngày khi nghĩ đến Ngài chúng tôi có sự cảm nhận khác nhau. Không phải mình nói rằng mình biết Ngài như vậy là mình biết 5 năm, 10 năm rồi biết Ngài, hay mình thường nghe Ngài nói chuyện là biết Ngài, không phải nói như vậy, cái hình ảnh đó tuy rằng chúng ta biết hết đi nữa khi mà nó cần có thời gian để thẩm thấu, cần có thời gian để chúng ta đem vào lòng, cần có thời gian để chúng ta có thể suy nghiệm kỹ, nó không đơn giản chúng tôi nói hình ảnh đó là hình ảnh một con người sống rất gần mình hình ảnh của bậc đại giác ngộ như Đức Phật thì thật ra không có dễ dàng để chúng ta nói rằng hiểu Phật thế này biết Phật thế kia.
Vì vậy cuộc tu là một hành trình nhưng mà sự nhận thức của chúng ta về thế giới này về những giá trị cao cả lại là một phần của hành trình cái hành trình đó nghĩa là nó có nhiều giai đoạn có nhiều cái công đoạn chứ không phải là một sớm một chiều mình chỉ mới gặp một người mà đã biết người đó là ai, đôi khi thái độ tự thị của chúng ta nghĩ mình hiểu hết nhưng mà cũng chưa chắc là chúng ta có thể hiểu một cách trọn vẹn.
No comments:
Post a Comment