Hỏi: Người ta thường a dua theo kẻ ác hơn là người thiện. Chúng ta cũng thấy là những cái ác, bất thiện không tồn tại rộng lớn nhiều thế hệ như là cái thiện, như người ta nói cái gì như là lõi cây thì nó tồn tại. Có nhiều người phân vân là đối với chúng sanh thì dễ theo cái ác nghiệp. Như vậy tại sao cái ác đó không tồn tại rộng lớn và lâu dài như cái thiện?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 29-9-2013, Thiên Ân chuyển biên)
ĐĐ Pháp Tín: Thông thường người ta sẽ vui thích theo cái ác hoặc người ta sẽ bắt chước hoặc có xu hướng theo rất nhiều. Ngược lại, đối với những điều thiện thì hình như họ phải học lại từ từ.
Có thời gian chúng tôi dạy những chú tiểu, những giới tử, như học kinh Pali thì rất chậm thuộc, nhưng hễ ai nói một câu thơ hoặc ai có một cái tật gì đó thì những chú nhỏ này bắt chước rất nhanh. Khi chúng tôi ở gần những vị sa di, giới tử, các vị này vì còn nhỏ nên có biểu hiện gì thì nhìn chung quanh chúng tôi biết có cái gì đó khác lạ. Có lúc chúng tôi để ý tại sao những chú giới tử bây giờ thích mang những loại dép da cao thì biết rằng do những chú này đã thấy một ai đó đã mang những đôi dép này và thấy đẹp, và những người đó thường thường là thần tượng. Chúng tôi nói chuyện ngoài đời thì sẽ dễ hiểu, như khi chúng tôi nhìn những chiếc vòng đeo tay, ta sẽ thấy thời nay những chàng thanh niên đeo những vòng trên tay bằng đá, bằng ngà. Thì chúng tôi không biết tại sao những phong trào nầy lại phát lên như vậy. Rồi thì một lần tình cờ chúng tôi thấy những ca sĩ nổi tiếng đeo những cái vòng đó. Thành ra chúng ta thấy rằng ai mà ái mộ những ca sĩ đó thì nếu có tiền, họ sẽ tìm những kiểu vòng như vậy để đeo.
Trở lại với câu thảo luận nầy, ở đây chúng ta chưa nói đến xấu tốt gì hết nhưng nói đến khuynh hướng thì thấy rằng những gì thuộc về xa hoa chưng diện, có một sự hưởng thụ thì mọi người bắt chước rất nhiều. Nhưng đối với những điều thiện thì người ta lại quên đi, ví dụ như có những người thành đạt, như ca sĩ chẳng hạn khi họ đeo những chiếc vòng thì người ta lại bắt chước, người ta chỉ tìm những khía cạnh đó để bắt chước theo nhưng lại không chịu xem thời gian sinh hoạt của ca sĩ đó như thế nào. Ca sĩ cũng có lịch sinh hoạt trong một ngày rất chặt chẽ, ví dụ như ăn những gì cần ăn, sinh hoạt trong thời gian như ngủ đúng giờ hoặc trong ngày họ cũng dành ra thời gian để giữ sức khỏe. Chúng tôi đưa ra những trường hợp này là muốn nói rằng người ta không dễ bắt chước, xu hướng theo điều thiện vì như vậy là chúng ta phải khép mình theo khuôn mẫu, ngược lại thì đa phần chúng sanh thích đi theo ý của mình, cũng như khi sinh hoạt thì thông thường có một số người thích nói theo ý của họ, nghĩ như thế nào thì nói như vậy, vì như vậy thì dễ thực hiện. Còn nói điều khó thực hiện như trước khi nói cái gì, trước khi buông lời gì ra hoặc trước khi chúng ta có hành động gì đó, chúng ta phải suy nghĩ tới suy nghĩ lui, cân nhắc rồi mới hành động thì đây là hành động của bậc trí, bậc trí muốn có những hành động đó thì phải bỏ ra nhiều công sức.
Chính vì sự suy nghĩ đó mà chúng ta ở ngoài đời ít khi khép mình trong khuôn khổ. Chúng tôi thấy ở bên ngoài cuộc sống có rất nhiều như hiện nay thanh thiếu niên hễ buồn cha mẹ thì lao vào ăn chơi, hoặc nếu học thua kém người khác thì tủi thân rồi buông thả mình. Những khuynh hướng này dễ hành theo, đối với người có sự hiểu biết thì thấy rằng tại sao người này ít ý kiến còn đối với mình tại sao có nhiều ý kiến như vậy. Khi mình suy xét thì đâu phải mọi người thương mình nhưng mà vì người ta có sự hiểu biết nên họ mới không làm như vậy. Những điều đó mình muốn tạo được, muốn có những tâm đó thì thường chúng ta phải có sự suy xét thật kỹ trước khi nói hoặc trước khi làm vì chúng ta không muốn làm khổ mình hoặc làm khổ người. Những khuynh hướng không phải được kéo dài, Những số lượng làm ác nhiều chứ không phải sự làm ác được kéo dài, ví dụ như khi đọc báo chúng ta thấy tình hình xã hội hiện nay có rất nhiều vụ án của những người ác, có nhiều người làm ác nhưng sự làm ác thì thời gian không dài. Ở đây chúng ta chưa nói về khi sống thì lo âu cho những ngày tháng đã lỡ làm ác, thành ra có nhiều người lầm lẫn khi nói tại sao những người làm ác thì sống lâu hoặc là có thời gian hưởng thụ lâu. Thật ra không phải như vậy. Thí dụ chúng ta đọc báo thấy rằng một ngày có bao nhiêu vụ án ác như vậy thì chúng ta phải biết rằng đó số lượng nhiều nhưng đối với những người làm ác thì thời gian sống ung dung của họ thành ra nhiều khi chúng ta bị lầm lẫn về điều này. Chính vì chỗ đó mà chúng ta thấy rằng tại sao những sự ác đó không tồn tại.
Như lời Đức Phật dạy như khi chúng ta học về giáo lý cũng vậy, những gì thuộc về cốt lõi của Đức Phật dạy thì sẽ được duy trì rất lâu dù cho có những người có tâm muốn thay trắng đổi đen thì không bao giờ được. Tại sao như vậy? Vì chân lý thì lúc nào cũng là chân lý, cái gì thuộc về sự thật thì nó luôn là sự thật, chính vì vậy mà nó bền hoặc đứng vững. Như khi chúng ta mua đồ tốt thì bản chất nó là đồ tốt, dù chúng ta xài như thế nào đi nữa thì đồ đó vẫn bền, còn khi chúng ta mua nhầm đồ dỏm rồi mà chúng ta cố gắng bảo quản, giữ gìn thì đến lúc nào đó nó cũng phải hư, không bao giờ có thời gian tồn tại lâu dài như món đồ tốt. Cũng vậy, đối với những điều mình làm ác thì không thể nào tồn tại, mình không thể che giấu được. Chính vì vậy mà nó bị người ta chê trách hoặc bị người ta phát hiện, chính vì vậy mà nó sẽ biến mất, có nghĩa nó sẽ không bền vững được. Còn đối với những điều thiện thì dù có người xu hướng hay không có người xu hướng nhưng những điều đó vẫn được tồn tại vì đó là chân lý hoặc đó là cốt lõi, sự thật là như vậy, nên không có ai thay trắng đổi đen hoặc không có ai dời đổi được hết do bản chất nó là như vậy, nên nó mang tính chất tồn tại lâu dài.
No comments:
Post a Comment