Monday, November 11, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Niềm vui trong tâm tham, thọ hỷ trong tâm tham khác với niềm vui của một người hưởng được phước như thế nào?

Hỏi: Bình thường rất khó phân biệt thọ hỷ trong tâm tham là bất thiện, và thọ hỷ là do thiện tâm chúng ta tạo ra, ví dụ như một người lúc ăn nhậu sẽ thấy rất vui, hỷ hả mà họ cũng tin rằng cái vui khi ăn nhậu là họ hưởng phước, hễ cái gì vui là hưởng phước rồi. Niềm vui trong tâm tham, thọ hỷ trong tâm tham khác với niềm vui của một người hưởng được phước như thế nào?

(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 28-9-2013, Thiên Ân chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Khác nhau ở chỗ thọ hỷ phát sanh câu hành với tâm nào thì lúc đó chúng ta mới kết luận là tốt hay xấu, nên có hay không nên có.

 Nếu thọ hỷ phát sanh trong tâm tham thì khác hơn thọ hỷ trong tâm thiện, khác hơn thọ hỷ trong tâm quả. Thọ hỷ trong tâm tham thì chắc chắn thọ hỷ đó có sự dính mắc, có sự bám víu, bám chắp vào cảnh, đó là chưa kể thọ hỷ trong tâm tham tương ưng tà kiến. Nếu như một người vui theo cảnh tốt, họ được giàu có, được ăn sung mặc sướng thì khi họ khởi lên tâm vui trong thọ hỷ thì chỉ có 2 trường hợp chứ họ không nghĩ rằng họ đang hưởng phước.
- Một là họ chấp thủ vào cảnh đẹp, cảnh tốt đó nên sanh lòng kiêu mạn tự hào là ta được hạnh phúc hơn người khác. Trong tâm tham ly tà kiến thì tâm sở mạn nầy cũng là pháp bất thiện.
- Còn nếu như người nầy khởi lên tâm tham, hưởng thụ cảnh tốt, thuận lợi mà họ nghĩ rằng không có tội lỗi gì vì họ có điều may mắn thì người này rơi vào tham tương ưng tà kiến. Cả hai trường hợp thọ hỷ đó là hỷ không nên tu tập.

Trong bài kinh Đế Thích Sở Vấn, Đức Phật có giải thích, vì hỷ đó làm cho bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp bị suy giảm cho nên loại hỷ trong tâm tham đó không nên tu tập. Còn thọ hỷ trong tâm thiện, vui với tính chất ly tham, bởi vì khi làm một việc phước mà nghĩ đến tính cách thanh tịnh của hành động “Nay vui đời sau vui, Làm phước hai đời vui, Vui khi mình làm phước, Sanh thiện thú vui hơn”. Như vậy khi một người làm điều thiện, nghĩ đến tính cách thanh tịnh, an tịnh và vô tham của hành động đó mà họ vui thì trạng thái vui nầy là vui của thiện pháp. Cái vui nầy khác với cái vui của tâm tham hưởng thụ và đó là một loại thọ hỷ mà Đức Phật dạy là nên thân cận, nên hành trì. Vì sao vậy? Vì loại hỷ đó, niềm vui đó làm tăng trưởng thiện pháp và làm suy giảm ác pháp. Chúng ta có ví dụ như thế nầy: Nếu như rau quả xanh tốt do được trồng ở trên một mảnh đất mầu mỡ thì rau quả đó là tốt thật, khi chúng ta ăn vào thì bổ khỏe. Nhưng thời bây giờ người ta chế tạo ra một loại thuốc kích thích rau quả hay để giữ tươi rau quả, và những người làm vườn làm rẫy hoặc buôn bán rau quả sử dụng những loại thuốc đó để ngâm rau, giữ rau tươi xanh để bán. Người mua khi ăn vào sẽ có hại cho sức khỏe, hơn nữa những loại rau đã ngâm thuốc sẽ không giữ được lâu, khi hết thuốc thì rau sẽ bị thối rửa. Cho nên ở đây hai trạng thái xanh tốt thì rau xanh tốt do hấp thụ đất phì nhiêu mầu mỡ thì đây là thức ăn bổ khỏe; còn trạng thái xanh tốt do thuốc thì khi ăn vào sẽ có hại.

Cũng như tham của thọ hỷ sẽ đưa đến sự tai hại, mặc dù người ta cho rằng có quyền hưởng thụ tài sản vật thực như là hưởng phước, nhưng hưởng phước là một lẽ, còn chuyện tham thọ hỷ trong trường hợp này là có tác hại. Còn khi chúng ta vui trong thiện pháp thì trạng thái vui đó là vui lành mạnh, trạng thái an vui mà không có tác hại. Cho nên cần phân biệt giữa thọ hỷ của tham và thọ hỷ của thiện, như ví dụ chúng tôi vừa nêu, trạng thái xanh tươi của rau quả ngâm trong thuốc và trạng thái xanh tươi do đất màu mỡ có khác biệt.

No comments:

Post a Comment