Friday, November 1, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Thế nào là hạng người bóng tối hướng đến bóng tối (tamo hoti tamaparāyano)?

Hỏi:. Thế nào là hạng người bóng tối hướng đến bóng tối (tamo hoti tamaparāyano)?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Bối cảnh của gia đình là một thuận duyên tốt để phát triển mặc dầu chúng ta không nói đến giai cấp, giai cấp là một quan niệm xã hội có tánh cách ước lệ, nhưng chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng người ta có những thống kê ví dụ như đa số những bậc vĩ nhân, (đa số chứ không phải là tất cả) một con số lớn xuất thân từ giai cấp trung lưu. Giai cấp trung lưu sản sanh ra những bậc vĩ nhân nhiều nhất. Những giai cấp quá giàu hay quá cao thì thường con người lại bị lạc lõng và những giai cấp quá thấp lại bị chèn ép, nhưng giai cấp trung lưu lại là giai cấp sản sinh ra những người tương đối có nhiều khả năng vượt trội trong tương lai.

Thời Đức Phật còn tại thế thì người ta có dùng chữ thiện sanh, thiện sanh-sujata để chỉ cho những người sanh ra trong gia đình lương hảo có một nền giáo dục tương đối tốt, lớn lên với điều kiện tốt để học hỏi hấp thụ, để trở thành một người tốt trong xã hội, và Đức Phật Ngài đề cập đến những người này gọi là Kulaputta, trong kinh chữ Hán gọi là thiện gia nam tử, là những thiện nam tử những thiện nữ nhân. Khi nói đến thiện gia nam tử, thiện nữ nhân là những người tương đối có nhiều điều kiện tốt để trở thành một vị samon xuất sắc. Lấy ví dụ như từ trong một gia đình lương hảo rồi lớn lên có trình độ văn hóa, người đó có ngoại hình không xấu xí, ngũ quan đầy đủ và tương đối là một người dễ dàng được tôn kính được đón nhận ở trong xã hội. Thì những bậc thiện gia nam tử như vậy đến rất nhiều ở trong giáo pháp của Đức Phật, chúng ta nói đến những bậc đệ tử trưởng tràng, những bậc đệ tử ưu tú, những bậc trác biệt ở trong giáo pháp của Đức Phật như là Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Ananda v.v.... thì những vị đó đều có những yếu tố mà Đức Phật gọi là thiện gia nam tử. Nhưng Đức Phật Ngài không nói về điều đó như là một điều chỉ có những người đó mới tu được. Đức Phật không nói như vậy. Ngài chỉ nói là những người đó có những lợi thế để trở thành một vị samon xuất sắc.

Chúng ta phải nhận một điều rằng có những tiền khiên tật mà hồi còn nhỏ nó ảnh hưởng đến khi lớn. Chúng tôi lấy một ví dụ như vầy là có nhiều khi một người hồi còn nhỏ xuất thân từ trong gia đình quá nghèo thì lớn lên vào chùa tu bị cái bịnh là hay chất chứa. Bịnh chất chứa không phải là vì người đó tham lam nhiều, cũng có tham trong đó, nhưng đại khái là bị mặc cảm nghèo, cái sợ nghèo. Còn những người hồi còn nhỏ họ sống trong gia đình sung túc khi họ vô chùa dù đời sống trong chùa không có sung túc nhiều nhưng họ không lo lắng về tiền bạc tại vì họ không có thói quen lo lắng chuyện đó, hồi còn nhỏ họ không bị thiếu thốn. Chúng ta biết là có những nhà văn hào lớn, có những khuôn mặt lớn về tài chánh như là tỉ phú chẳng hạn mà vẫn bị cái nghèo hồi tuổi thơ ám ảnh. Ông Freud, một nhà tâm lý học người Áo, ông có nói một điều là những tâm thái của tuổi thơ nó ảnh hưởng suốt cuộc đời. Chúng ta thì không xem những điều đó là điều nhất thiết nhưng chúng ta cũng không phủ nhận rằng cái xuất thân của chúng ta thì ảnh hưởng nhiều.

Tại Hoa Kỳ có một vài trường hợp rất đặc biệt. Ví dụ, người Mexico sang Mỹ tương đối lâu nhưng họ không chú trọng về vấn đề khoa bảng như người Á Châu, do vậy trong thống kê thì thấy rằng cộng đồng người Mexico tại đây mức tăng vọt về giai cấp trung lưu tương đối ít. Thường thường cha làm việc tay chân lao động thì người con lớn lên cũng lao động tay chân. Nhưng ngược lại có một điểm thú vị đó là người Việt Nam tại Mỹ thì con đi học đại học nhiều, có nhiều gia đình cha mẹ không rành tiếng Anh không có bằng cấp nhưng con lớn lên đi học thì vẫn khuyến khích con vào đại học tối thiểu ra trường thì cũng có bằng cử nhân hay là MPA, hoặc giả là học cao hơn như là bác sĩ luật sư cũng có, mặc dầu cha mẹ không phải là luật sư bác sĩ. Và chúng ta cũng thấy cái mẫu số vẫn thường có trong các gia đình Việt Nam, ví dụ như chùa Pháp Luân có một gia đình Phật tử mà người anh là nha sĩ thì kéo theo đàn em làm nha sĩ luôn, và nhiều trường hợp cha mẹ là bác sĩ thì con cũng là bác sĩ. Chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều là trong môi trường nào thích hợp thì nó dễ khiến cho con người nuối tiếc cái nấc thang xã hội mà gia đình đã tạo được, hay hoặc giả là sự hun đúc từ hồi còn nhỏ.

Chúng ta nói một cách khách quan ở tại đây là Đức Phật Ngài không phủ nhận những hiện tượng có tánh cách xã hội đó, Ngài chỉ cho chúng ta biết rằng sự tình có thể xảy ra là xảy ra ở nhiều điều kiện và qua những gì mà Ngài ghi nhận thì cho chúng ta những bài học lớn. Ví dụ như có những người từ chỗ tối đi đến chỗ tối. Điều này chúng ta thấy rất là thường nhiều ở trong các hình thái xã hội mà chúng ta được biết. Trong một thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng những nước như ở Phi Châu hay những nước vốn là thuộc địa thì sự phát triển về kinh tế xã hội tương đối chậm hơn, chậm là tại vì họ tiếp nối di sản về văn hóa về tinh thần của những người đi trước và để có một cuộc thay đổi có tánh cách triệt để thì tương đối hơi chậm. Chúng tôi lấy ví dụ là Phi Châu là vùng đất hoang dã chậm tiến, người Âu Châu đến đó khai hóa nhưng trong sự khai hóa mang tính bóc lột và từ sự khai hóa đó nhưng thật ra họ biến nơi đó thành thuộc địa, những vùng đất mà ngày nay chúng ta nghe như Maroc, Algeria, Sénégal, những vùng đất đó ngày xưa là những vùng đất thuộc địa và những người thổ dân bị nô lệ hóa, nô lệ về mặt tôn giáo, nô lệ về mặt tín ngưỡng, nô lệ về mặt kinh tế, bị lệ thuộc vào rất nhiều thứ, do vậy khi họ dành được độc lập thì sự phát triển đó cũng chậm hơn những quốc gia không phải trải qua những trường hợp như vậy.

Thì về điều này chúng ta thấy phần đông là khi còn nhỏ mà sanh ra ở trong một gia đình bị chi phối về điều kiện kinh tế rất eo hẹp thì dĩ nhiên là phương diện văn hóa cũng eo hẹp về nhiều thứ, người Việt Nam có câu "cái khó bó cái khôn" thành ra không phải tư chất là thiếu văn minh nhưng vì nghèo quá thì tự nhiên có vấn đề. Ví dụ, nước Việt Nam dù muốn dù không đi nữa thì có một thời gian dài bị đô hộ bởi người Pháp, có thời gian dài bị chiến tranh, và bây giờ chúng ta sống trong chế độ đảng trị thì cũng phải nhìn nhận rằng cảm xúc của chúng ta có nhiều cái hơi mất quân bình. Chúng ta dễ vui dễ buồn, chúng ta dễ bị phân hóa, chúng ta dễ bị nghi kị, và chúng ta dễ rơi vào trong rất nhiều trường hợp tâm thái không điểm đạm. Ở đây không phải nói rằng người Việt Nam chúng ta dở hơn dân tộc khác, chúng ta có những cái rất xuất sắc, có những cái rất thông minh, nhưng chúng ta phải nhìn nhận trên phương diện vui buồn thì nhiều khi chúng ta dễ vui và dễ buồn.

Thì nói tóm lại, con người mà sống trong điều kiện tương đối hẹp từ thời nhỏ và từ sự hẹp trong gia đình cho đến bản thân thì có nhiều khi vì thiếu tiện nghi hay là ngũ quan không đầy đủ hay là bị khuyết tật. Nói chung, một người bị nhiều sự bất lợi từ lúc còn nhỏ mà để lột xác để thoái thai tự mình chuyển sang một lối đi sáng sủa hơn thì người đó đòi hỏi, chúng ta tạm gọi là một cuộc cách mạng lớn, một ý chí phi thường. Điều đó có chứ không phải là không có. Đức Phật Ngài cho chúng ta biết người sanh ra trong tối có nhiều khi họ đi đến chỗ tối là thường. Ờ đây, Đức Phật Ngài không nói ít hay nhiều mà Ngài chỉ nói: 
có người từ chỗ tối đi đến chỗ tối, 
có người từ chỗ tối đi đến chỗ sáng, 
có người từ chỗ sáng đi đến chỗ sáng, 
có người từ chỗ sáng đi tới chỗ tối.

Điều đó, Đức Phật Ngài dạy mà Ngài không đưa ra một định kiến là cái này nhiều cái kia ít, nhưng chúng ta hiểu phần đông là con người sanh ra từ chỗ tối thì đi đến chỗ tối.




No comments:

Post a Comment