Hỏi: Một người có bố thí và một người không có bố thí thì khi sanh vào thiên giới có gì sai biệt, sanh vào cõi người có gì sai biệt?"
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng giảng: Thì ở đây trước nhất là so sánh quả phúc nhân thiên của một người bố thí sanh vào cõi trời và sanh vào cõi người có gì sai biệt, đây chúng ta tạm gọi là hai câu hỏi đi chung với nhau.
Bây giờ trước nhất, chúng ta nên đề cập đến phúc quả của nhân thiên, ở đây câu trả lời của Đức Phật Ngài đưa ra rất rõ ràng. Nếu một người có bố thí thì sinh vào cõi trời thì: - thọ mạng, thiên sắc, thiên lạc, thiên danh xưng và thiên tăng thượng thì vượt xa người không có bố thí.
- Thiên thọ mạng tức là tuổi thọ ở cảnh trời. Những vị sống ở cảnh trời dĩ nhiên là sống rất lâu nhưng có nhiều vị lại sống lâu hơn những vị khác, cũng giống như ở cõi người nếu so với những con vật thì chúng ta có phần sống lâu hơn, phần lớn những con vật trừ loài rùa thì chúng ta sống không bằng nhưng những loài như con chó tuổi thọ trung bình là 15 hay 17 tuổi, con voi trung bình là 50 năm, loài người thì có thể 7,8 mươi năm có thể cả trăm năm. Tuy vậy nói về chủng loại thì loài người nói chung bình cũng thọ mạng lâu dài. Tuy nhiên, ở loài người thì cũng có người thọ mạng ngắn người thọ mạng dài, ở cõi trời cũng vậy. Có những câu chuyện về những vị thiên ở cõi trời dục giới thọ mạng sắp chấm dứt thì có những hiện tượng như là hoa trang điểm bị héo hay mồ hôi chảy ra hay tâm tư buồn bực v.v... thì điều đó báo trước là vị đó sắp mạng chung, ở trên cõi trời không có tuổi già giống như chúng ta mà khi tới thọ mạng chấm dứt thì chấm dứt. Thì ở đây thọ mạng tức là sống lâu.
- Thiên sắc là về dung mạo, có những vị trời rất đẹp đẽ thanh tú, chúng ta thường nghe nói là đẹp như tiên nhưng không hẳn những vị trời nào cũng giống nhau, có những vị thiếu phước về bố thí thì thiên sắc không được đẹp nhiều như những vị khác.
- Thiên lạc là về sự hưởng thụ ở cõi trời cũng giống như cõi trời dục giới cõi người có sắc, thinh, khí, vị ,xúc, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc có những vị hưởng thụ được nhiều có những vị không hưởng thụ được nhiều, ví dụ sanh làm người cũng vậy ở trong cõi người có những người sống hạnh phúc hơn hưởng thụ được nhiều hơn thù thắng hơn, có những vị lại không được như vậy.
- Thiên danh xưng có nghĩa là danh tiếng có tiếng tăm được sự mến mộ.
- Thiên tăng thượng ở đây chúng ta hiểu như là sự sang cả. Có những người có được danh lớn nhưng đời sống họ không được sang cả, có những vị thiên có được thiên danh xưng nhưng không được thiên tăng thượng.
Thì người bố thí khi sanh về cõi trời được năm quả phúc gọi là ưu việt thù thắng hơn những vị khác về thiên thọ mạng, thiên sắc, thiên lạc, thiên danh xưng và thiên tăng thượng.
Trong cõi người, một người có bố thí thì họ cũng có được năm pháp là sống lâu, sắc đẹp, sự an lạc nội tâm, có danh xưng lớn, có sự sang cả. Năm pháp này là năm pháp khiến cho cuộc sống trong cõi người ưu thắng hơn những người khác.
Bây giờ chúng ta tìm hiểu sâu vào là tại sao pháp bố thí lại mang cho một người được nhiều ưu việt như vậy. Pháp bố thí là một pháp tạo cho chúng ta cả hai lợi lạc.
Có một lần Đức Phật Ngài dạy là nếu có một người nào biết nhiều về pháp bố thí biết rõ về pháp bố thí lợi lạc như thế nào như chính Đức Phật biết thì người đó không có bữa ăn nào mà không chia sẻ với chúng sanh khác. Tại sao?
Thật ra, trên phương diện nội tại, Đức Phật Ngài dạy rằng "bậc trí vượt san tham". San tham tức là bỏn xẻn keo kiệt, con người mà sống ích kỷ sống san tham nhiều thì tâm họ không được an lạc. Nhưng một người sống biết chia sẻ nhiều thì người đó được sự an lạc. Chúng tôi lấy một ví dụ là có một món ngon chúng ta nghĩ rằng nên chia cho những người khác chung quanh ăn mỗi người một chút thì dĩ nhiên là chúng ta không hưởng hết nhưng do chia sẻ như vậy làm cho tâm của chúng ta an lạc. Một người có món ăn ngon mà họ chỉ nơm nớp sợ người khác sẽ lấy đi món ăn ngon đó hay người khác sẽ làm cho mình bị mất mát giảm bớt đi thì cái bỏn xẻn của họ cái keo kiết của họ làm cho họ không an lạc.
Chúng ta để ý một điều không cần phải chờ đến kiếp sau mới thấy mà ngay trong cuộc sống hiện tại người nào rộng rãi người nào hay chia sẻ với người khác thì tâm người đó được an lạc, ngay cả nếu chúng ta thường bố thí và nếu chúng ta bị mất đồ thì cũng không khổ như là người không có bố thí tại vì người không bố thí thì lúc nào cũng bo bo ôm lấy cái khổ của mình và tâm của họ không có sẵn sàng chấp nhận sự mất mát, tâm của họ không được thanh thản khi vật đổi sao rời họ khổ lắm, nhưng người bố thí là người đó hiểu được giá trị của sự phân phát giá trị của ban bố và họ ít khổ hơn.
Thì trước nhất, bố thí trên phương diện nội giới tức là nội tại, tâm của chúng ta bớt đi sự san tham.
Nhưng trên phương diện đối tượng hay ngoại giới thì như thế nào?
Chúng ta hiểu trên phương diện nhân quả thì nếu chúng ta mang lại cho người khác sự an lạc thì điều đó mang lại cho chúng ta quả rất lớn, hay là chúng ta mang lại khổ đau cho người khác thì cái quả cũng rất lớn.
Chúng tôi lấy một ví dụ: trên phương diện sát sanh, chúng ta giết một con kiến thì cái quả ít hơn là chúng ta giết một con voi, hay một con bò, con trâ,u tại cái khổ của con kiến không lớn như cái khổ của con bò con trâu. Dĩ nhiên là có vài vị không đồng ý và cho rằng giết con nào cũng giống nhau. Nhưng thật sự cái phản ứng và sự cảm nhận của những con vật đó khác. Đối tượng đó nếu mà mình tạo cái nghiệp cũng khác đi, mình làm phước cho chúng sanh nào mà chỉ sống với bản năng thôi thì phước ít, mà làm phước cho những chúng sanh nào có cảm nhận rõ ràng thì cái quả lại nhiều.
Sư Trưởng có khi hay nói về những pháp bố thí theo A Tỳ Đàm là bố thí sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp, người đời thường thường nói rằng mình bố thí tiền bạc bố thí của cải mình cho cái này cho cái kia nhưng theo A Tỳ Đàm thì mình ban bố cho người khác cái gì mà người khác thấy đẹp bằng con mắt ví dụ như là chúng ta tặng cho người khác một pho tượng hay tặng người khác một bức tranh mà người ta nhìn thấy và cảm thấy rất là hoan hỉ rất là vui, hay là mình cho họ cái gì đó mà họ cảm nhận qua âm thanh, cảm nhận qua mùi, cảm nhận qua vị, cảm nhận qua sự xúc chạm đó là qua A Tỳ Đàm. Nhưng nói cách khác là thường thường một người bố thí mà đúng cách bố thí thì khiến cho người nhận pháp bố thí đó họ có được rất nhiều sự an lạc. Chúng tôi lấy một ví dụ là người ta đang đói mà mình cho họ một bữa cơm, cho một bữa cơm không phải chỉ đỡ đói mà khi họ ăn cơm họ cảm thâý nhìn vào chén cơm đó họ cũng vui, họ nghe lời nói mình cho họ cũng vui, cái mùi cơm họ thấy cũng thơm ăn thấy cũng ngon, thì những cái đó là tạo nên nhiều phước về sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp và do vậy sự cảm nhận của người đó rất là đầy đủ.
Ở đây, chúng tôi muốn nói rằng một hành động bố thí là một tác động hai chiều, tâm của người bố thí cũng an lạc mà người nhận được thí cũng an lạc. Về điểm này thì so sánh như vầy là, nếu một người giữ giới thì nhiều khi bản thân của mình giữ giới, mình an lạc, người ở chung quanh nhận được không nhiều bất quá thì họ chỉ cảm nhận được người đó là người giữ giới họ cảm thấy vô hại, sống gần người đó thì được hạnh phúc, nhưng thật ra là cái tác động trực tiếp một người giữ giới đối với người chung quanh đối với một người mình mới gặp nó không có nhiều như là mình bố thí cho một người nào đó. Ở đây, chúng tôi không có nói là pháp trì giới thấp hơn, thật ra pháp trì giới cũng là pháp rất ưu việt nhưng riêng về sự bố thí là tâm của mình xả kỷ tức là cái gì mình có mình đem cho người khác cái đó gọi là xả kỷ và trước nhất tâm của mình được an lạc nhưng người nhận họ được rất nhiều sự an lạc.
Đức Phật Ngài gọi là bố thí thực phẩm là cho sức mạnh, bố thí đèn là cho mắt, bố thí xe thuyền hay phương tiện di chuyển là sự an vui, thì khi mình cho người ta một cái gì nó ảnh hưởng đến rất nhiều thứ.
Nói một cách khác điều chúng tôi muốn nói ở tại đây đó là nếu chúng ta hiểu cách bố thí đúng pháp thì bản thân của chúng ta tự thân của chúng ta an lạc và người nhận được sự bố thí đó cũng được an lạc tạo nên phước báu thù thắng. Do đó Đức Phật Ngài nói về thọ mạng, Ngài nói về dung sắc, Ngài nói về thiên lạc, nhân lạc, Ngài nói về danh xưng, Ngài nói về sự tăng thượng. Thì những điều đó đều là thù thắng hết tại vì nó ảnh hưởng rất lớn ảnh hưởng rất xa. Ngay cả trong một pháp hội, trong một hội chúng, hay ở bất cứ nơi nào chúng ta thấy có sự ban bố chia sẻ thì ở nơi đó có sự an lạc. Chúng tôi đi sinh hoạt ở những nơi để ý thấy rằng trong những đại lễ hay trong những buổi tụ họp người tổ chức hay người tham gia tổ chức họ cố gắng có một món quà tặng nhỏ hay có cơm trưa hay có nước uống cho những người tham dự thì buổi sinh hoạt đó ấm cúng hoan hỉ, còn những nơi chúng ta đến chỉ có tánh cách có mặt, cho có nghi thức rồi mạnh ai nấy lo thì ảnh hưởng chung quanh ít, nó làm cho không khí khác đi.
Do vậy, một người có bố thí sanh ra đời họ được sống lâu, được sự an lạc như là về dung sắc, về nhân lạc, hay thiên lạc, về thiên danh xưng, về nhân danh xưng về tăng thượng những điều này làm cho cuộc sống mỹ mãn hơn cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.
No comments:
Post a Comment