Hỏi: Có đúng chăng khi nói rằng những niềm vui to lớn không tồn tại lâu dài bằng niềm vui nhẹ nhàng?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 29-8-2013 Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính)
TT Pháp Tân: Trong tâm của chúng ta cảm thọ có ba trạng thái, khi mình vui, khi mình buồn, khi mình không vui không buồn, trạng thái thọ xả.
Khi chúng ta buồn, hoặc cảm giác đau đớn từ xác thân, như khi mình đụng chạm, xúc chạm vào cơ thể, vật nóng hoặc chất gì làm cơ thể mình bị vết thương, bị đau, nhưng thật ra vết thương chỉ đau trong một khoảng thời gian vết thương đang hoành hành, tức là cảm thọ của xác thân, khi vết thương lành thì không còn đau nữa.
Nhưng nỗi đau của tinh thần, cảm thọ của tâm buồn, thì nỗi buồn đó lâu hơn, nhiều khi chúng ta nghĩ nó đã hết nhưng khi chúng ta nghĩ lại việc đó thì chúng ta trở lại buồn bực, khó chịu. Khi mình nhớ những điều không hài lòng thì trong tâm của mình cũng sanh ra nỗi buồn mà mình nghĩ rằng đã nhiều năm trôi qua thì những chuyện đó cũng đã quên, nhưng nếu đã quên thì mình không đau buồn, nhưng khi mình nhớ lại thì lại đau buồn, đó là mình nói đến trạng thái của tâm buồn. Đặc biệt là khi mình làm cho sự buồn đó vắng đi, khi mình nghĩ đến điều khác, hoặc mình có chất liệu gì đó để nghĩ rằng điều đó vốn là như vậy, để tâm mình tự tìm sự nhẹ nhàng, không có sự buồn.
Khi nói đến niềm vui, để ý một điều rằng, khi mình gặp người thân, hay một điều gì thuận lợi thì mình nghĩ rằng mình đã thành công việc đó nên mình vui, hay mình gặp người thân tái ngộ lại thì mình cảm thấy mình vui. Niềm vui này có thể phụ thuộc bên ngoài cũng như trong nội tâm, đặc biệt ở nội tâm, ví dụ mình nói rằng có những niềm vui không phụ thuộc ở bên ngoài, như một người được điều này điều kia, được lợi đắc, được thân bằng quyến thuộc, hay thành công về gì đó, thì họ nghĩ rằng sự thành công đó là niềm vui của họ, khi thành công đến thì họ vui, khi niềm vui đó còn tồn tại trong tâm thì mình cảm thấy vui, nhưng khi nó mất đi thì mình cảm thấy hụt hẫng, thấy buồn. Những người tập cho nội tâm của mình thì gặp chuyện gì cũng giữ ở trạng thái điềm đạm, nghĩa là không phải mình quá vui để rồi tạo nên sự hụt hẫng, mất mát, nếu mình luôn chuẩn bị cho tâm của mình sự điềm đạm, thản nhiên trước chuyện vui, nghĩa là mình không để vì quá vui đó rồi mất đà mà tạo nên sự hụt hẫng, mình buồn.
Niềm vui hay nỗi buồn ở đây, niềm vui của một người thích độc cư hay một người thích cuộc sống viễn ly, viễn ly về thân, viễn ly về tâm thì dù sống nơi nào chăng nữa, như trong rừng, người đời thấy buồn hiu hút, không có một bóng người, không ai để nói chuyện, không có gì để tạo niềm vui. Nhưng với người sống viễn ly, tức có đời sống độc cư, người tu ở trong chùa, công việc của mình chỉ là học, hành, hoặc làm các công việc để tạo công quả ở trong chùa, mình nghĩ rằng điều đó là niềm vui của mình, nhưng với người ngoài thì họ nghĩ rằng, tại sao ở trong chùa được cũng hay, rất vắng, xung quanh chỉ có mình với những nhà sư thôi, bạn đồng tu với mình, thỉnh thoảng cũng có năm ba Phật Tử, vài ba Phật Tử đến, ngoại trừ ngày lễ thì đông, nhưng bình thường cũng có Phật Tử tới lui. Người ngoài nhìn vào thấy rất buồn, không gian xa làng xa xóm, có chỗ riêng, chư Tăng khoảng ba bốn vị, bốn năm vị, ở xung quanh rồi tu tập cũng như vậy, việc của mình chỉ là việc tu thôi. Ngoài việc học hành, thuyết Pháp, tụng kinh, ngồi thiền, chỉ như vậy, mà mình tìm được niềm vui trong khi người ngoài không thể tìm được niềm vui đó.
Nếu một người tìm được niềm vui không thuộc ở bên ngoài mà niềm vui từ trong nội tâm như người tu thiền, tâm của họ không bị xáo động trước ngọn gió đời do họ có tu tập. Họ tập cho mình bớt đi những ảnh hưởng của ngọn gió đời, khen, chê, được mất, lợi lộc, v…v. Do không bị ảnh hưởng của ngọn gió đời, nên tâm của họ có sự an tịnh, mà tâm an tịnh thì dù ở hoàn cảnh nào, hay một thời gian nào thì họ cũng có niềm vui rất lớn, bởi đó không phải là niềm vui từ bên ngoài, mà là niềm vui trong nội tâm.
Niềm vui trong nội tâm không thể lấy gì ra để so sánh, vì thật sự chúng ta thấy nó rất tế nhị, rất nhẹ nhàng do tâm của mình có tu tập nên mình không còn sự xáo động của ngọn gió đời, nên mình cảm thấy an vui, còn những người tranh danh đoạt lợi hay những người mong muốn được cái này, cái kia, chính vì vậy mà mình cảm thấy khổ.
Ở đây, không có nghĩa là mình vô tư hay không bị chi phối, Đức Phật nói rằng nếu mình sống viễn ly, tâm mình không bị ảnh hưởng của ngọn gió đời, không bị chi phối hay tâm của mình không bị xao động, thì niềm vui đó bền, mặc dù chúng ta thấy niềm vui không phải từ bên ngoài. Ví dụ như mình nói rằng bên ngoài anh em họp lại, gặp nhau chén thù chén bạc, xong rồi thì ai về nhà nấy. Người ta nói rằng không có cuộc vui nào không có sự chia tay, không có cuộc vui nào bền vững, nói như vậy có nghĩa là, cái vui buồn ở bên ngoài mà chúng ta vay mượn cho cái này cái kia thì theo suy nghĩ của chúng tôi niềm vui đó khó bền.
Còn niềm vui trong nội tâm mới thật sự là vốn có của chính mình, không vay mượn từ đâu và mình có niềm vui mà chúng tôi nghĩ rằng nó rất bền vững dù cho trong thời điểm nào, hoàn cảnh nào mình cũng tìm được niềm vui đó, mặc dù chúng ta thấy rất khó. Nhưng nếu mình tập được thì mình sẽ có niềm vui bền vững, và chính điều đó là của mình, chứ không phải của ai cho mình, còn những điều do bên ngoài mang lại, do có cái này do có cái kia nên mình vui, còn niềm vui trong nội tâm, Đức Phật dạy mình có cách sống viễn ly khỏi sự ràng buộc thì mình sẽ có niềm vui rất lớn.
No comments:
Post a Comment