Hỏi: khi cúng dường đến chư tăng chúng ta có phải hồi hướng đến chư thiên không? và xin cho biết sự lợi ích của sự hồi hướng này.
. (Bài giảng ngày 2 tháng 6 năm 2003, Kệ ngôn 82 tại rơom Diệu Pháp , Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng giảng: Tất nhiên là khi chúng ta dùng chữ "phải hồi hướng" tức là sự bắt buột thì điều đó không có ở trong Phật pháp, tất cả những thiện sự nào mà chúng ta biểu lộ ở trong Phật pháp đều dựa trên một căn bản là do lòng tự phát của chúng ta, do sự tự nguyện của chúng ta, và tất nhiên hồi hướng phước là một sự ban tặng, là một sự chia sẻ, và gọi là ban tặng chia sẻ thì không có cái gì gọi là bắt buộc phải hay không phải hồi hướng.
Về sự lợi ích của hồi hướng thì hồi hướng có ba lợi ích rất là quan trọng:
Điều thứ nhất là khi chúng ta hồi hướng công đức thì tâm của chúng ta sẽ an trú vào một điều mà trong kinh Phật gọi là sự suy tư sau khi làm phước sự. Thật ra thì một người làm một việc công đức mà người đó có ý thức rằng mình làm công đức đó là một điều tốt, ý thức đó theo trong Phật Pháp thì ở trong ba thời kỳ gọi là tư tiền, tư hiện và tư hậu. Tức là trước khi làm tâm mình có chuẩn bị, có nhận biết ra rằng mình làm việc đó, và đặc biệt trong việc phước sự cần đến sự chuẩn bị của chúng ta. Có nhiều người làm tới đâu thì hay tới đó thôi chứ không có tâm để làm lo lắng cho chu đáo thì thiếu sự suy tư trước khi làm. Thiếu sự chuẩn bị trước khi làm các việc phước sự đó cũng là một điều thiếu xót, và nếu chúng ta chuẩn bị được thì là một điều rất lợi lạc. Khi mình đang làm việc phước sự mình cũng để tâm hiểu trọn vẹn đến công việc mình làm, và sau khi mình làm xong thì mình cũng phải ý thức rằng mình đã làm công việc phước sự. Và khi chúng ta làm một việc gì, ví dụ như hôm nay qúi vị Phật tử đi chùa để nghe pháp thì buổi trưa qúi vị về qúi vị có thể nghĩ đến là sáng nay mình đã nghe pháp như vậy, cái ý nghĩ đó thấy nó chỉ rất mong manh rất nhẹ nhàng, nhưng nó rất là tốt để chúng ta nghĩ trở lại.
Cuộc sống rất dễ chìm vào trong quên lãng, và khi chúng ta hồi hướng phước cho người khác cũng là một lần để chúng ta thắp sáng cái ý thức, ý thức đó về một phúc nghiệp mà chúng ta đã làm.
Và việc thứ hai đó là khi chúng ta hồi hướng phước có nghĩa là chúng ta nói lên một cái tâm biết nghĩ tới, nghĩ tới ở đây là nghĩ tới những quyến thuộc đã qúa vãng, nghĩ đến Chư Thiên. Nó tương tự như vầy là ở trong đời sống này có lẽ người ta nói điều quan trọng không phải tiền bạc vật chất mà là tấm lòng biết nghĩ đến nhau, có nghĩa là chúng ta cứ nghĩ chung quanh mình không biết có bao nhiêu người thân, những người này ít có khi nào chúng ta có thì giờ nghĩ đến họ cho đến khi họ có một hữu sự gì đó, ví dụ như họ qua đời, hay là họ bịnh nặng thì chúng ta mới để ý, đa phần là chúng ta để cho họ đi qua trong quên lãng, đây là một điều rất là đáng tiếc.
Chúng tôi nhớ hồi sống ở dưới miền quê sống trong làng thường thì dân quê rất gần với nhau, có khi trong nhà nấu một nồi chè mà bà thân sinh của chúng tôi bắt phải bưng một tô chè cho người này, biếu người kia, đem qua bên kia sông cho một ông cụ nào quen, thì hồi chúng tôi còn nhỏ chúng tôi không có thấy được là tại sao phải làm chuyện đó và đôi lúc chúng tôi cảm thấy rất là khó chịu, khó chịu là tại sao mình phải nghĩ đến những người ở chung quanh như vậy, nhưng lớn lên rồi mới hiểu đó là một cách sống rất đôn hậu của người dân quê, là ở trong xóm làng có cái gì, dầu một nồi chè cũng chia với nhau.
Thì cuộc sống của chúng ta thưa qúi vị, nếu một người sống mà có nghĩ đến những người hữu hình và những người khuất mặt, những người khuất mặt ở đây là những hàng phi nhân, các vị chư thiên thì tâm hồn của mình nó đôn hậu lắm. Chúng tôi để ý thấy rằng một người sống ở trong một xóm làng mà người đó có nghĩ đến người xa kẻ gần, những người chung quanh mình thì tâm hồn của mình khác đi, còn nếu mà mình sống mạnh ai nấy sống, quanh năm suốt tháng mình chỉ biết lo chuyện mình, và ai sống mặc ai, ai chết mặc ai thì tâm mình nó lại khác. Do vậy phép hồi hướng của đạo Phật là cái gì đó làm cho chúng ta ý thức về sự có mặt của những người khuất mặt, của những vị chư thiên, của những chúng sanh xa gần và làm cho lâu ngày chúng ta sống trong tâm tình đó thì con người chúng ta lại khác đi.
Và rồi một điều thứ ba rất quan trọng mà thỉnh thoảng qúi vị cũng nghe chư tăng đề cập đến, Đức Phật thường dạy rằng những ai thương tưởng các vị Chư Thiên thì các vị Chư Thiên sẽ thương tưởng lại. Đạo Phật không có quan niệm quá nhiều, quan niệm một cách tuyệt đối về những năng lực ngoại tại tức là năng lực ở bên ngoài. Nhưng chúng ta đừng quên một điều rằng chúng ta sống trên cuộc đời này, ngay cả ở trong thế giới nhìn bằng con mắt thịt của chúng ta đi nữa, thì những người chung quanh ảnh hưởng đến chúng ta rất lớn, chúng ta phải cố gắng rất là nhiều để thành đạt những gì mà mình mong mỏi, nhưng đừng quên rằng trên con đường dẫn đến đó thì cần rất nhiều trợ duyên, trợ duyên của những người thân của mình, mình đi học mà nếu vị thầy của mình mà có cảm tình với mình thì vị thầy đó sẽ tận tình giúp đỡ mình sẽ học khá hơn, mình sống gần ở trong xóm làng mà người ta thương mình thì tối lửa tắt đèn có nhau thì chuyện đó vẫn tốt hơn, những người đó họ không có lo cho chúng ta tất cả nhưng thật ra tấm lòng cũng giống như thương mến của họ thì nó sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều, bởi vì vậy nếu có thiện sự nào chúng ta làm thì chúng ta rất nên hồi hướng./
No comments:
Post a Comment