Ái dục không những dẫn chúng sanh đi tới, mà còn đưa đẩy đời sống này sang đời sống khác ở trong cuộc trầm luân sanh tử. Ái dục không có nghĩa chỉ đơn giản là một sự ưa thích với cái gì thuộc về ngoại giới, như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, thinh, vị và xúc lạc, mà ái còn là chỗ ti`, chỗ vựa, chỗ dựa, chỗ nương của tất cả chúng sanh. Mà chỗ nương tựa đó của chúng sanh trong cuộc đời này nó như là một khối êm ái, nó cũng như một cánh tay rộng lớn của cha mẹ mở ra để cho đứa con ngủ vùi vào trong đó, và ái dục còn ghê gớm hơn thế nữa, ái dục là cái gì bao trùm lên, mỗi bước chân, mỗi lời nói, mỗi hơi thở trong cuộc đời của chúng ta.
Như vậy, hình ảnh của ái dục không những chỉ rộng lớn phổ cập, mà còn mang một sức mạnh khủng khiếp. Đó là dẫn chúng ta đi tới, đi vào hướng nào mà ái dục đã định đặt. Đồng thời cách nối giữa đời sống này và đời sống khác để kéo dài kiếp trầm luân sanh tử. Cái khuôn mặt của ái không phải dễ dàng để nhận diện, có một hình ảnh hết sức sống động về trường hợp của Đức Bổn Sư của chúng ta, sau bốn a tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp Ngài đã đi, đã sống, đã chiêm nghiệm, đã lăn lộn, rồi cuối cùng ở dưới cội bồ đề, Ngài nhận ra rõ khuôn mặt của ái, cái gì là cái đã thật sự thêu dệt, đã xây dựng lên nỗi khổ đau của đời sống này. Khi nhìn lại mặt mũi của ái, thì lúc đó Ngài mới khởi tâm kinh cảm, bật ngửa ra: " à ! đây là khuôn mặt của một người đã tạo ra tất cả, nhưng mà bấy lâu nay bao nhiêu kiếp luân hồi vẫn không tìm thấy, bây giờ mới nhận mặt ra".
TT Giác Đẳng – Kinh Pháp Cú phẩm Ái Dục - Minh Hạnh chuyển biên
No comments:
Post a Comment