Hỏi : Sự tác hại của ngã mạn là gì?
(Câu hỏi được hỏi trong lớp Diệu Pháp - Minh Hạnh chuyển biên)
ĐĐ Pháp Tín trả lời: Sự tác hại của ngã mạn thì có rất nhiều. Trong tích truyện Kinh Pháp Cú nói về sự ngã mạn của một cô thiếu nữ đang ở trong một thời kỳ vàng son sắc nước hương trời, con của vợ chồng ông Bàlamôn. Đức Thế Tôn lúc bấy giờ Ngài đã quán xét thấy duyên lành của hai vợ chồng ông Bàlamôn, nên trên đường đi khất thực Ngài đã ấn dấu chân cho đậm dưới đất để cho hai vợ chồng ông Bàlamôn này thấy. Hai vợ chồng ông Bà La Môn này là người rất hiểu tướng số nên khi thấy được dấu chân của Đức Thế Tôn thì biết vị này phải là vị Chuyển Luân Thánh Vương hoặc là một vị thuộc về qúi tướng, do đó hai vợ chồng người Bàlamôn này đã đi tìm đến chỗ Đức Thế Tôn để tìm coi vị này là ai, và sau khi đã tìm đến Đức Thế Tôn rồi hai ông bà đã mời Đức Thế Tôn ngồi ở đó để ông bà về nhà dẫn người con gái đến mong muốn gả cho một người có bàn chân như vầy. Thì chúng ta thấy rằng khi vợ chồng ông Bàlamôn dẫn cô con gái đến, Đức Thế Tôn đã quán xét thấy duyên lành của hai vợ chồng ông Bàlamôn này sau khi nghe thời pháp sẽ đắc được một quả vị thánh gọi là một quả vị A Na Hàm.
Đức Thế Tôn mới thuyết về sự bất tịnh của thân ngũ uẩn, và Ngài đã nói về đêm thành đạo của Ngài có ba người con gái của Ma Vương với sắc đẹp nghiên nước nghiên thành, nhưng Đức Thế Tôn còn không có sự để ý đến ba người con gái đó, thì huống hồ gì đối với tấm thân của người con gái con của ông Bàlamôn này như là một đống đổ vỡ, một sự bất tịnh, toàn là những mồ hôi nước bọt, những chất thuộc về bất tịnh được bao bọc bởi da. Do vậy Đức Thế Tôn với mục đích thuyết pháp cho hai vợ chồng ông Bàlamôn nghe để đắc đạo quả .
Thì lúc bấy giờ người con gái này vì sự kiêu mạn về sắc đẹp của mình nên khi bị nói đụng chạm như vậy, nàng đã có một sự kết oan trái với Đức Thế Tôn. Chúng ta thấy rằng sự ngã mạn của cô con gái này đem đến một tác hại là ngăn cản đạo quả và ngăn cản sự có niềm tin với Tam Bảo. Giả sử như cô con gái này nếu có đầy đủ duyên lành phước báu balamật thì có thể là chứng đắc được đạo qủa như một người bình thường khi gặp được Đức Thế Tôn, sau khi đảnh lễ hoặc sau khi mình cúng dường hay là mình làm một thiện sự gì đó thì sẽ có được một cái nhìn tương đối với Tam Bảo là Đức Phật, giáo pháp và chư tăng. Nhưng do vì sự ngã mạn ngăn cản lại không cho người con gái này biết được giáo pháp hoặc có được lòng tin nơi Tam Bảo. Thì ở trong trường hợp này chúng ta thấy rằng sự tác hại của ngã mạn làm cho chúng ta bị thiệt thòi rất nhiều đối với các thiện pháp. Chúng ta nói về thời kỳ Đức Phật còn tại thế, ai mà có duyên lành gặp Đức Phật thì phần lớn là đắc chứng được các quả vị thánh hoặc là có niềm tin bất động với Tam Bảo hoặc cũng gieo một duyên lành gì đến với Tam Bảo. Thì chúng ta thấy rằng ở trong thời Đức Phật mà vì ngã mạn thành ra bị ngăn chặn về đạo quả là lớn nhất, và ngăn chặn về những về đức tin ở nơi Tam Bảo.
Trong đời sống bây giờ của chúng ta thì sự ngã mạn sẽ làm chúng ta không thực hành được các thiện pháp. Nếu một người có sự ngã mạn quá cao họ không thể nào bố thí, mà nếu họ có bố thí thì cũng không đầy đủ được năm chi, không có sự bố thí đầy đủ của bậc chân nhân, họ không thể nào bố thí tận tay hoặc bố thí với sự cung kính. Sự ngã mạn và pháp cung kính là hai pháp đối lập, nếu một người có ngã mạn thường khi họ thực hành bố thí họ không thể thực hành được pháp cung kính. Do vậy đối với người có sự ngã mạn qúa cao thì không thể thực hành được những thiện pháp, và nếu chúng ta không thực hành được thiện pháp thì chúng ta sẽ thực hành các ác bất thiện pháp. Ngay chính khi chúng ta đang có một pháp ngã mạn thì là một ác pháp.
Một người có sự ngã mạn thì khó có thể mà thực hành các pháp nằm trong thập hạnh phúc, khó tạo được những các pháp dẫn đến hạnh phúc. Chúng ta thấy chẳng hạn như vị đạo sĩ Sanjaya là vị đạo sư của Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên khi còn là hai vị thanh niên anh em. Thì chúng ta thấy trong kinh dạy rằng khi Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên quay trở lại tìm gặp Thầy cũ của mình là vị đạo sĩ Sanjaya để khuyên ông đi đến làm đệ tử tu tập trong giáo pháp của Samôn Gotama, vị đạo Sanjaya này do sự ngã mạn mà không chịu đi theo học và muốn ở lại làm Thầy làm người đứng đầu cho một hội chúng. Sự ngã mạn này qúa cao và cuối cùng dẫn ông đến một sự tức tối khi thấy hội chúng của mình hết phân nửa đã đi theo tu tập trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, và sự tức giận dẫn đến học máu mà chết.
Tóm lại, đối với một người bị pháp ngã mạn ngự trị thì thứ nhất là nó sẽ ngăn cản đạo quả và sẽ ngăn cản sự tạo những phước báu gì đem đến hạnh phúc thuộc về cõi trời hoặc cõi người, và song song ở đó thì có nhiều cái do sự ngã mạn mà phát sanh, nhiều ác bất thiện pháp dẫn theo làm cho chúng ta không thể nào tu tập được, thì câu hỏi này chúng tôi xin được trả lời là như vậy./.
No comments:
Post a Comment