Saturday, June 1, 2013

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử


Chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, không có nghĩa là chúng ta nương tựa cầu vọng tha lực Tam Bảo để gia hộ hay để ban phước lành cho chúng ta, mà chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là chúng ta thể hiện được tâm hướng thiện từ bỏ những điều ác, tích cực làm các việc lành. Trao dồi tâm trong sạch bằng cách chúng ta nương Đức Phật nương giáo pháp của Đức Phật, nương Tăng chúng đệ tử của Đức Phật để luôn luôn lúc nào cũng được nhắc nhở khích lệ tu tập. Nếu chúng ta qui y Tam Bảo với ý nghĩa đó,  thì sự qui y này mới thật sự là nguồn công đức để giúp cho chúng ta sanh vào cõi trời người sau khi mệnh chung. Cho nên đối với một người Phật tử chân chánh khi qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, hễ họ càng có lòng tin Tam Bảo chừng nào họ càng là người có đạo đức nhiều chừng đó, bởi vì họ xét thấy rằng Đức Phật là bậc Vô Thượng Sĩ Anuttaro là bậc có đức hạnh không ai bì.

Chúng ta thấy giáo pháp dạy những điều kinh nghiệm sống, Tăng chúng đệ tử Đức Thế Tôn hướng dẫn những điều tốt lành, khi chúng ta qui y Tam Bảo chúng ta sẽ thể hiện được thiện tâm thiện trí tu tập hạnh lành. 

Vì vậy sự qui y Tam Bảo ở đây là ngưồn công đức lớn chứ không phải chúng ta qui y Phật để Ngài cứu rỗi cứu độ cho chúng ta sanh về cõi trời. Không phải chúng ta qui y Pháp chúng ta tụng đọc hoài những bài kinh đó để mong rằng Pháp sẽ hộ trì cho mình sanh về cõi trời. Không phải chúng ta qui y Tăng để khi chúng ta lâm chung hay sau khi chúng ta mệnh chung rồi Tăng chúng sẽ đến để tụng cầu siêu, trợ niệm cho chúng ta sanh về cõi trời. Không phải như vậy. 

Đức Phật đã từng dạy rằng nếu là một tảng đá ném xuống hồ sẽ chìm và không ai có thể cầu nguyện để cho tảng đá nổi lên được, và nếu dầu đổ xuống hồ thì cũng không ai nguyền rủa cho dầu chìm xuống đáy nước. Cái gì nhẹ thì sẽ nổi và cái gì nặng sẽ chìm, mà cái nhẹ ở đây tức là tu tập về thiện pháp và nặng ở đây là thực hành ác pháp. 

Thì người Phật tử qui y Tam Bảo có nghĩa là chúng ta nương vào ý chí và nương vào lời dạy của bậc giác ngộ để chúng ta làm nhẹ đi nghiệp chướng để sau khi mệnh chung được nổi lên tức là được sanh vào cõi trời người, để chúng ta từ bỏ những ác pháp không làm cho nó nặng để bị chìm xuống sau khi mệnh chung bị đi xuống điạ ngục ngã qủi súc sanh a tu la. 

Như vậy thì sanh ở cõi trời người hay không là do sự nặng nhẹ của tinh thần tu tập hay là không tu tập. 

Còn sự qui y Tam Bảo chỉ có nghĩa là làm cẩm nang cho chúng ta có phương hướng, nương tựa vào định hướng đó, cũng giống như những chiếc tàu hay thuyền đi trên biển cả nếu không có những ngọn hải đăng hay không có những hoa tiêu để chỉ đường thời sẽ va chạm vào đá ngầm trong đêm tối. Không có nghĩa là những chiếc thuyền chiếc tàu đó hoàn toàn ỷ lại vào ngọn hải đăng sẽ giúp cho mình thoát hiểm mà người thuyền trưởng khi nhìn thấy ngọn hải đăng dầu cho lái tàu đi đến đâu đi nữa, đi hướng nào thì nhìn ngọn hải đăng đó thì biết rõ chỗ đó là đất liền chỗ đó là có đá ngầm v.v.... biết rõ như thế, thì người Phật tử qui y Tam Bảo cũng giống như là chiếc thuyền nương vào ngọn hải đăng để lèo lái con thuyền cho được an toàn.

TT Tuệ Siêu - Tám nguồn công đức sanh trời người - Minh Hạnh chuyển biên

No comments:

Post a Comment