TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM
QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA
KÊU MỘT VIỆC ĐƯỢC BA VIỆC
Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
Xưa có người học trò, học hay chữ lắm, ai cũng chịu là tài, nhưng đi thi bận nào cũng chỉ vào một hai kỳ là trượt. Người học trò ấy lại xấu xa quá, đi hỏi vợ đâu, con gái đứa nào cũng hất hủi không chịu lấy. Tức giận lắm, anh ta không biết sao được. Sau nghe nói có một hòn núi cao. Trời, Đất thường hay giao tế ở đấy để làm việc dân gian. Anh ta sắm sửa lễ vật để đi kêu.
Đi mãi đến tối, anh ta vào trọ một nhà kia. Người trong nhà dọn cơm nước cho ăn tươm tất, rồi hỏi rằng :
« Thầy đi công việc gì, ở đâu mà đi tối thế ? »
Người học trò nói :
« Tôi học hành không thua kém gì ai, mà thi mãi không đỗ. Vả tôi năm nay tuổi đã cao, mà người xấu, đi hỏi vợ đâu cũng không đắt. Tôi định lên kêu với Trời để xem tại duyên hay tại phận mà long đong đến thế ».
Nhà kia nói :
« Tôi đây cũng có đứa con gái một thời một lứa với con người ta, con người ta thì chồng con có cả rồi, mà con tôi, thì không ai thèm ngó đến, vì nó không biết nói. Nếu có phải thầy đi kêu Trời việc của Thầy, thì phiền thầy kêu luôn cả việc cho con cháu nữa ».
Người ấy nhận lời rồi sáng mai dậy ra đi. Đi mãi lại đến tối, lại vào xin trọ một nhà kia. Chủ nhà này cũng cơm nước tử tế rồi hỏi đi đâu. Người học trò kể lại như trước.
Chủ nhà nghe rồi nói rằng :
« Nếu thầy đi kêu Trời việc của thầy, thì thầy kêu giúp tôi việc này với : Nguyên nhà tôi có trồng ba cây cam, một cây thì có quả, còn hai cây thì không. Chẳng biết tại sao, nhờ thầy bẩm Trời cho tôi nhân thể ».
Người ấy nhận lời, rồi sáng hôm sau lại dậy ra đi. Đi mãi đến một nơi, thấy con sông mông mênh ở trước mặt, mà không thuyền bè chi cả. Người ấy đứng đợi lúc lâu, thì thấy giữa sông, nổi lên con cá chép to như chiếc thuyền, vẩy vây đẹp lắm. Cá chép hỏi rằng :
« Thầy đi đâu đứng đó ? »
Người học trò đem câu chuyện đầu đuôi kể lại.
Cá chép nói :
« Như tôi đây to lớn thế này, không biết tại sao, mà đi thi mãi không hóa rồng. Bây giờ, tôi đưa thầy sang bên kia sông, thầy có kêu Trời việc của thầy, thì nhờ thầy kêu luôn hộ cả việc của tôi nhân thể ».
Người ấy vui lòng nhận lời, nhảy lên lưng cá ngồi. Cá đưa sang bên kia sông. Đi một hồi lâu nữa, mới đến hòn núi, đặt lễ xuống, khấn vái, rồi ngồi đó. Phút chốc thấy trên trời ba vị Tiên giáng hỏi rằng :
« Nhà người kêu việc chi ? »
Người ấy không dám thưa chính chuyện của mình, đem chuyện cá chép ra thưa trước. Ba ông kia bảo :
« Con cá mà không hóa rồng được, là bởi trong răng nó có ngậm hòn ngọc, thành không bay nổi ».
Anh ta lại đem chuyện hai cây cam thưa. Ba ông kia bảo :
« Hai cây cam ấy không ra quả được, là bởi ở dưới gốc nó có hai chum vàng : kim phải khắc mộc ».
Anh ta lại đem chuyện người con gái thưa.
Ba ông kia bảo :
« Người con gái sở dĩ không nói được là bởi chưa có bậc kẻ cả đến khai khẩu cho nó ».
Anh ta chưa dám kêu chuyện mình, thì ba ông Tiên đã biến đâu mất rồi. Anh ta đành phải trở về, đi đến bờ sông.
Cá chép nổi lên hỏi :
« Việc tôi làm sao ? »
Anh ta nói : « Tại trong răng mày có hạt ngọc, bây giờ mày nhe răng để ta lấy hạt ngọc ra cho nhẹ mình, thì mày hóa rồng được ngay ».
Khi về tới nhà có cây cam, chủ nhà hỏi :
« Việc hỏi cây cam của tôi làm sao ? »
Anh ta nói : « Tại dưới gốc cam có hai chum vàng, bây giờ đào lên chia cho tôi một chum thì nó có quả ngay ».
Khi về tới nhà có cô con gái câm, chủ nhà chưa kịp tiếp hỏi tại làm sao thì cô con gái đã chạy ra chào chào nói nói mất cả câm. Nhà kia thấy vậy, gả con gái cho anh ta làm vợ.
Nhờ có chum vàng, hai vợ chồng làm nên giàu có to. Lại nhờ có hòn ngọc cá, khoa sau anh ta thi đỗ thủ khoa và được bổ đi làm quan. Thành anh ta vừa được giàu, vừa được sang, lại vừa được cả vợ đẹp.
Bởi tích này mới có câu tục ngữ rằng : « Kêu một việc, được ra ba việc ».
No comments:
Post a Comment