TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM
QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA
ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG
Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
Xưa có một người thợ mộc bỏ ra ba trăm quan tiền về mua gỗ để làm cái nghề đẽo cày mà bán. Cửa hàng anh ta mở bên đường. Ai qua đó cũng ghé vào coi.
Người này thì nói : « Phải đẽo cho cao, cho to, thì mới dễ cày ». Anh ta cho là phải, đẽo cày vừa to vừa cao.
Người khác lại nói : « Có đẽo nhỏ hơn, thấp hơn thì mới dễ cày ». Anh ta cho là phải, lại đẽo cày vừa nhỏ, vừa thấp.
Sau lại có người bảo : « Nay ở trên ngàn, hiện có người đang phá hoang bao nhiêu đồng ruộng và cày tính bằng voi cả. Nếu đẽo cày cho thật cao, thật to gấp đôi gấp ba thế này để voi cày được, bày ra hàng bán thì chắc là bán được nhiều lắm, mà rồi lãi vô vàn ».
Người thợ mộc nghe nói, liền đẽo ngay một lúc bao nhiêu cày to gấp năm, gấp bảy thứ thường bày ra bán. Nhưng qua bao nhiêu ngày tháng, chẳng thấy ai đến mua cho một cái nào, cũng chẳng thấy ai nói voi đi cày ruộng cả. Thành có bao nhiêu gỗ hỏng bỏ hết và bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma sạch. Người thợ mộc bây giờ mới biết dễ nghe người là dại. Nhưng quá muộn rồi, không sao chữa được nữa !
Bởi truyện này mới có câu tục ngữ rằng : « Đẽo cày giữa đường » để nói những người hay để tai nghe làm theo thiên hạ đến nỗi mất cả cơ nghiệp.
No comments:
Post a Comment