TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM
QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA
NGƯỜI HỌC TRÒ MUỐN ĐẬU
Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
Xưa có người học trò học thì dốt, mà đi thi chỉ mong những đậu. Nhưng đậu sao được. Khoa này khoa khác mong đậu mãi mãi, mà khoa này khoa khác mãi mãi cứ hỏng.
Người học trò nghĩ mình sức học sánh với kẻ đậu, cũng có kẻ thua mà sao đậu, mình lại không đậu. Nghĩ rồi, giận lắm, người ấy làm sớ kiện tại Thiên Đình. Ngọc Hoàng bèn cho đòi lên để khảo khóa. Lúc hỏi đến việc mây mưa, sấm sét thì anh ta ù ù cạc cạc chẳng biết tí gì.
Ngọc Hoàng phán rằng : « Sức học như thế, muốn những đậu là cớ làm sao ? »
Người học trò nại rằng : « Hỏi những việc ấy, chẳng những tôi không biết, cho những kẻ đậu rồi cũng không thể nói được ».
Ngọc Hoàng không tin, cho đòi những kẻ đã đậu lên hỏi, thì quả nhiên cũng không ai nói trôi chảy được cả.
Người học trò thấy vậy, kêu rằng : « Đấy, thế mà họ cũng đậu sao tôi đây không đậu ? »
Ngọc Hoàng xét lời nó kêu, có phần oan thật, bèn phán rằng : « Sự đã lầm lỡ. Ừ thời có phải mày muốn đậu thì để tao cho mày được đậu luôn ».
Rồi Ngọc Hoàng liền hóa kiếp cho làm con chim. Con chim sáng đậu nơi này, chiều đậu nơi khác, khi đậu cành nọ, lúc nào cũng cứ đậu luôn mãi. Trước không được đậu tí nào, mà nay được đậu cả tháng cả năm, hồn người học trò uốn éo nhởn nhơ, lấy làm vui sướng lắm. Thường ngày cứ đậu trên cây ríu rít mà hót rằng :
« Đậu Cử Tú, như chim đậu,
Rằng đậu thấp, hay đậu cao,
Chớ đậu cành tao mà cáo tha mất ! »
Những lúc đắc chí đậu trên cây cao chim ta dòm xuống thấy bọn Cử, Tú, Thám hoa, Bảng nhãn mà đậu thì người ta gieo tiền, vứt bạc ra mua thật là quý giá, đắt hơn tôm tươi. Mà nó đậu, thì chẳng ma dại nào đưa tiền, đưa bạc lại mua nó cả. Nên nó nghĩ đậu như thế, chưa lấy gì làm thỏa.
Tức quá, nó lại làm sớ lên tâu Thiên Đình, kêu rằng :
« Đậu mà không có người mua thì cũng như không đậu. Xin Ngọc Hoàng hóa kiếp làm sao cho nó đậu mà có kẻ chuộng, người mua thì không mang tiếng rằng đậu mà không có giá ».
Ngọc Hoàng theo lời tâu lại hóa kiếp cho nó làm cây đậu. Lúc cây đậu có quả chín, hái về, kẻ bán thì tìm khách rao : « Ai mua đậu ra mua ».
Người mua thì tìm đến hỏi : « Tôi mua một đấu đậu, một thúng đậu ».
Cây đậu thấy kẻ bán, người mua tấp nập, trao đi đổi lại luôn tay, lấy làm vui thú, lắm lúc nhớ luồng gió, mà reo lên rằng :
« Đậu Cử, Tú như cây đậu,
Rằng đậu như đậu tháng ba.
Người ta đậu trên bảng
Như chim đậu trên cây,
Con phượng đậu cây ngô,
Con đa đậu cành đa,
Khác gì đậu Cử, đậu Tú,
Đậu Bảng Nhãn, đậu Thám hoa ».
Nhưng được ít lâu, cây đậu nhận ra rằng : « Người ta mua người đậu, thì kính trọng, nhường bao, nào đón rước, nào lễ mừng, nào gả con, nào trao quyền, nào lại được ăn trên, ngồi trốc, mà mình cũng đậu, thì cành người ta đem đốt, hột người ta đem nấu, bung rừ nát bét, nghe mà khổ thân. Cho nên thật cũng gọi là đậu, mà ta đậu khốn đậu khổ, chớ không phải đậu sung đậu sướng ».
Nó nhận ra thế, lại lên tâu với Thiên-Đình. Nhưng quá lắm ! Lần này Trời quở mắng đuổi đi, rồi Trời đóng cửa không cho vào nữa. Thế là đành phải giữ cái kiếp cũng là được đậu, nhưng mà đậu đen, không còn biết phàn nàn kêu ca vào đâu cho được.
No comments:
Post a Comment