TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM
QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA
ÂM ĐỨC
Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
Xưa có một người học trò học hành rất thông minh chăm chỉ. Một hôm, anh ta đi qua nhà ông thầy tướng, ông thầy tướng liếc mắt coi, rồi đoán rằng :
« Tôi xem cái tướng thầy xấu lắm, nếu chẳng biết tu nhân, tích đức, thì cho thầy học hành giỏi giang thế nào, cũng luống công vô ích ».
Cách đấy ít lâu, anh ta lại đi qua trước cửa nhà ông thầy tướng. Ông thầy tướng vội gọi lại bảo rằng :
« Quái lạ ! cái tướng của thầy, tôi coi bây giờ khác hẳn xưa. Hình như thầy đã cứu sống được bao nhiêu sinh linh, âm đức đã hồi, phúc tướng đã hiện, thầy đi thi khoa này, tôi chắc thầy đỗ, mà đỗ cao hơn người nhiều lắm. Thầy nói thật, tôi nghe, thầy có làm điều gì khác lạ chăng ? »
Người học sinh nghĩ một lúc, rồi nói rằng :
« Tôi thực không làm điều gì khác lạ cả. Chỉ có một hôm đi học, đang lúc trời mưa, tôi thấy một đàn kiến sa xuống nước sắp nguy. Tôi nghĩ thương tình, bèn đứng lại chịu khó bẻ một cành lau bắc cầu cho đàn kiến leo lên trên cạn. Tôi chỉ làm có thế mà thôi ».
Thầy tướng bảo :
« Ấy đấy âm đức của thầy ở đấy rồi ».
Người học trò cũng không nghĩ tới lời thầy tướng, cứ cố chăm học. Rồi đến khoa thi, quả nhiên đỗ đến Trạng Nguyên.
Sau có người biết chuyện, làm bài mừng quan Trạng mới rằng :
« Mười năm đăng hỏa biết bao công,
Nhẩy bước đường mây chiếm bảng rồng.
Bởi đức bắc cầu qua kiến nhỏ.
Xin đem cây đức gắng vun trồng ».
No comments:
Post a Comment