Saturday, July 5, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Phân chia chữ "Ái Dục" có nhiều cấp độ

Hỏi: Phân chia chữ "Ái Dục" có nhiều cấp độ

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 28-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên) 

TT Giác Đẳng: Chúng ta khi đọc kinh mình nên phân chữ "Ái Dục" có nhiều cấp độ. Ví dụ như mình thích một cái gì đó, thích ăn ngon, thích mặc đẹp, mình thích cái gì thô tháo trong đời sống, nếu thích trực tiếp đó là một cách, rồi có một cách khác mang tánh cách trọng đại hơn, chúng tôi lấy ví dụ như một người đi học siêng năng học. Học thì cũng cực chứ không phải không cực nhưng cái học đó để xây dựng một cái gì lớn hơn là chuyện vui sướng nhất thời thì chúng ta thấy rằng nó cũng có sự tha thiết, cũng có hoài bão mà hoài bão đó nó bàn bạc. Rồi cũng có những người đi học không phải vì học vị họ đi học vì một việc là làm sao để đào tạo bản thân của mình để mai hậu mình có thể cống hiến được. Thì cái đó nó lại là một cấp độ khác nữa. 

Ở trong đời sống này, thật ra Đức Phật Ngài dạy rằng cái duyên sinh và khởi nó rối bời như một cuộn chỉ và rất khó để chúng ta có thể phân định, rất khó để chúng ta có thể nhận mặt nó một cách dễ dàng như chúng ta nghĩ. Ví dụ, một người Phật tử làm một buổi trai tăng hay đi một chuyến hành hương, ngay cả tâm thái chúng ta khi hành hương hay buổi trai tăng cũng là một tâm thái không có đơn giản. Có những người làm việc đó là vì tâm muốn bớt phiền não. Có những người làm vì nghĩ là tạo phước. Hay có những người làm vì mình vui thì mình làm. 

Nhưng cũng cùng công việc thiện đó tâm thái của chúng ta rất khác biệt. Và có những tâm thái dẫn chúng ta đi xuống có những tâm thái dẫn chúng ta đi lên.

 Ở trong chùa chúng tôi thấy có một việc là những người Phật tử làm phước mà làm bằng thiện tâm thật sự thì họ làm ở mức độ tương đối nào đó. Nhưng làm vì danh làm vì sự khích động của người khác thì họ có thể làm được những chuyện rất lớn. Chúng ta biết thường thường người ta khó có thể bỏ tiền ra để có thể cúng chùa 1000$ nhưng ở trong một hoàn cảnh nào đó người ta có thể đấu giá một cái gì đó lên cả chục ngàn là do bối cảnh lúc đó làm cho người ta cảm hứng, giữa một đám đông người ta cảm hứng người ta bỏ ra số tiền lớn mua món đó.

 Thì ở đây, chúng ta không có chỉ trích, mà chúng ta luôn hiểu rõ tâm cảnh của chúng ta, trạng thái tâm để chúng ta đi tới để chúng ta có thể làm việc. Thì, một trong những tâm thái đẹp nhất, tốt nhất Đức Phật dạy đó là tâm nekkhamma tức là xuất ly hay là vượt thoát không dính mắc. Vượt thoát không dính mắc là lý tưởng nhất mà tâm của chúng ta có thể an trú vào như trường hợp chúng ta quán niệm về sự chết, chúng ta quán niệm về vô thường, chúng ta quán niệm về bất tịnh. Mình quán niệm cách nào mà tâm của mình không bị cột trói không bị cột chặt vào cái đó thì Đức Phật dạy rằng như vậy là hoan hỉ như vậy là tốt. 

Điểm thứ hai, chúng ta hoan hỉ với điều thiện và ở đây đặc biệt là mình hoan hỉ với phước của người khác như phước của mình, khi mình thấy một người làm cái gì giả sử như mình thấy một người họ vào chùa thắp ba cây nhang lạy Phật thì mình chỉ nghĩ một chuyện đơn giản rằng thay vì người này họ đi vào chùa rồi họ đi ra bây giờ họ còn biết thắp nhang lạy Phật cũng là điều hoan hỉ. Hay một người mà qúi Phật tử đi chùa có nhiều khi nhìn thấy người ta làm phước rồi có nhiều Phật tử chỉ trích sao người đó làm phước ít hay làm phước thế này làm phước thế kia, mình chỉ trích người ta, mình thấy người ta làm phước thì mình cũng nghĩ rằng nên hoan hỉ là tại vì họ đang làm phước họ đang làm một việc thiện. Thì sự hoan hỉ với phước lành, sự tùy hỉ phước lành làm cho tâm của chúng ta an trú vào một tâm thái tương đối rộng hơn là sự phê phán chỉ trích. 

Rồi đối với một người tu tập thì mình hiểu một điều rằng đôi lúc cũng là sắc, cũng là thinh, cũng là vị, cũng là xúc, cũng là pháp nhưng nó có cái này nhẹ nhàng hơn cái kia. Giả sử như cũng là sắc nhưng về tượng Phật về bàn Phật, về bông hoa chưng bàn Phật. Cũng về âm thanh nhưng tiếng tụng kinh hay tiếng giảng Pháp. Cũng là mùi hương nhưng mùi hương trầm những mùi hương nhẹ nhàng làm chúng ta an lạc. Những cái mà tương đối nó cũng sắc, thinh, khí, vị, xúc nhưng nó nhẹ nhàng và nó có giá trị về tinh thần thì nó vẫn tốt hơn là cái gì thuần nặng nề ./.

No comments:

Post a Comment