Hỏi: Đức Phật nói gì về luân hồi?
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú - Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đức Phật Ngài dưới cội Bồ Đề lúc thành đạo với túc mạng minh Ngài đã nhớ lại nhiều kiếp quá khứ. Do sự định tỉnh do thiền định Ngài nhớ lại rất chi tiết nhiều kiếp và do Ngài nhớ một cách chi tiết như vậy Ngài có thể nhận ra một thứ khác nữa là quan hệ nhân quả giữa những kiếp này tại sao Ngài có mặt ở đó, tại sao Ngài trở thành một người như vậy, cái nhìn đó gọi là sanh tử minh hay là thiên nhãn minh. Ở đây là nhìn được quan hệ về nhân duyên sau đó thì Ngài đạt đến lậu tận minh tức là đoạn tận phiền não.
Tương tự như một nhà khoa học có thể nhìn thấy những yếu tố mình đang nghiên cứu một cách tường tận mà không những vậy vị này còn có thể thấy được liên hệ giữa nhân tố này với nhân tố khác, giữa yếu tố này với yếu tố khác. Khi nhìn thấy được quan hệ như vậy thì vị này xóa tan đi những cái nhìn sai lầm của mình.
Thì như vậy ngay trong sự đắc đạo chứng quả của Đức Phật là Ngài đã nhìn về những kiếp quá khứ như là một đề mục để chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh, chiêm nghiệm về giòng sanh tử và chiêm nghiệm về thực chất của luân hồi. Chẳng những như vậy mà dựa trên kiếp luân hồi đó Ngài đã nhìn thấy sự tương quan của điều mà chúng ta gọi là nhân duyên ở trong kinh Phật và do Ngài thấy được cái nhân duyên này và Ngài có thể có một hình ảnh hoàn toàn khác với chúng ta khi chúng ta không thấy. Trường hợp đó giống như ở trong cuộc đời này chúng ta có oan trái với một người nào đó, có sự phiền hà với người nào, mình nghĩ rằng mình phiền hà người đó tại vì lý do một, lý do hai, lý do ba. Nhưng những lý do chúng ta đưa ra có thể tại vì chúng ta hiểu có một phần của câu chuyện, một phần rất nhỏ của câu chuyện.
Những câu chuyện trong kinh Bổn Sanh - Túc Sanh Truyện cho chúng ta biết rằng có nhiều những va chạm trong đời sống hàng ngày nó xảy ra không phải chỉ kiếp này mà nó xảy ra trong nhiều kiếp trước, và kiếp này nó chỉ là một sự lập đi lập lại của kiếp quá khứ mà thôi. Khi nhận ra tất cả những điều đó thì chúng ta hoàn toàn có cái nhìn mới về cuộc sống luân hồi. Thật ra không có một nền đạo giáo nào nói về nhân quả li chi như là đạo Phật và đặc biệt ở trong trường hợp A Tỳ Đàm - Vi Diệu Pháp thì giáo lý về nhân quả giải thích một cách chi tiết hơn nhiều, chi tiết đến đỗi mà nó đi vào từng sát na tâm vào từng lộ tâm.
Câu hỏi Phật Tổ nói gì về luân hồi về kiếp trước kiếp sau đó là câu hỏi rất lớn mà chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không trả lời được hoàn toàn ở trong một thời lượng của câu trả lời.
Chúng tôi chỉ nói một cách vắn tắt ở tại đây là Đức Phật Ngài có xác nhận rằng cuộc sống là một tiến trình ở trong tiến trình này nối tiếp với nhau bằng những trạng thái sanh và diệt, cái này sanh lên rồi diệt xuống, sắc pháp cũng vậy, tâm pháp cũng vậy. Ý chúng tôi muốn nói là tâm lý cũng vậy mà sinh lý cũng vậy. Thân của chúng ta vật chất nó cũng sanh rồi diệt theo từng tế bào từng sát na và tâm cũng sanh diệt như vậy và giòng tiến trình đó nó không chỉ hiện hữu trong đời này kiếp này từ lúc chúng ta lọt lòng mẹ cho đến lúc chúng ta nhắm mắt lìa đời mà nó đã có một tiến trình dài hơn trước đó và sau đó.
Thì tất cả những tiến trình này nó là một tiến trình hết sức li chi, nó li chi nhiều hơn là chúng ta tưởng. Tương tự như Phật tử đến thăm một vườn trồng cây kiểng, ở trong vườn trồng cây kiểng này chúng ta thấy nghe người ta nói về hạt giống, nghe nói về các loại cây, nghe về các loại hoa nhưng mà nếu chúng ta tiếp xúc lâu hơn ở gần hơn thì chúng ta sẽ nghe nói rằng một loại nào đó được trồng ở trong mùa nào, và được chăm sóc như thế nào, khi nó lớn lên thì nó trải qua những giai đoạn nào. Những thứ đó hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Có khi chúng ta bậc ngửa không ngờ nó lại có sức sống hết sức là thú vị hay hết sức chi tiết rất li chi mà chúng ta không rõ nét./.
No comments:
Post a Comment