Hỏi: Làm sao để "vừa đủ để xả ly, vừa đủ để nhàm chán"
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 15 - 7 - 2014, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Đôi lúc nếu chúng ta hình dung sự bao phủ của vô minh và giác ngộ thì chúng ta có thể tìm thấy một hình ảnh của một con gà con đập vỡ được vỏ trứng để chui ra bên ngoài khi mà nó đã lớn rồi, nếu ở trong cái trứng thì nó tù túng chật hẹp và khi nó đủ sức làm vỡ cái vỏ để ra bên ngoài rộng rãi hơn. Đối với chúng ta người tu Phật thì một trong những kinh nghiệm chúng ta thấy đó là những chuyện lập đi lập lại dù là tham, dù là sân và những điều đó chúng ta phải trải qua không biết bao nhiêu ở trong cuộc sống.
Ở trong kinh có đề cập đến một cụm từ mà HT Minh Châu dịch chúng tôi nghĩ rằng rất đẹp đó là "Vừa đủ để xả ly, vừa đủ để nhàm chán". Nhưng chúng ta vốn luân hồi từ vô lượng kiếp, đáng lẽ là đã quá đủ để xả ly vừa đủ để nhàm chán nhưng chúng ta không xả ly được không nhàm chán được thì ở đó chúng ta thấy rõ ràng là sức che đậy bao phủ của vô minh của vỏ trứng và bài học chúng ta học từ trong kinh điển đó là đôi khi không cần những triết lý dài giòng xa xôi. Ngày hôm nay thường thường khi chúng ta đề cập đến sự cao siêu của Phật Pháp người ta thường đưa ra những bộ kinh rất nổi tiếng, những lời nói rất hoa mỹ hoặc giả chúng ta lý thuyết rất giông dài, nhưng kỳ thật để có thể thấy được chân tướng các pháp như vô thường, khổ não, vô ngã thì chúng ta có thể học từ những sự kiện rất gần và rất thân quen ở trong đời sống nếu chúng ta chịu khó suy niệm.
Trong một chuyến đi hành hương chúng tôi có quen một Phật tử và người Phật tử đó tâm sự một điều mà chúng tôi cảm thấy lợi lạc hôm nay chúng tôi chia sẻ lại với qúi Phật tử. Trong một phái đoàn lần đó chúng tôi đi có 46 người. Người Phật tử này độc thân và tương đối còn trẻ và đi một mình. Thì sau chuyến đi dài hành hương từ Lộc Uyển nơi Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân lên đến Xá Vệ vườn Lâm Tỳ Ni rồi trở lại thành Kushinagar nơi Đức Thế Tôn viên tịch. Người Phật tử này có tâm sự với chúng tôi rằng đi đến những nơi Phật tích để chiêm bái và đảnh lễ thì trong lòng có hoan hỉ có nghĩ tưởng Đức Phật nhiều. Nhưng bài học mà vị này thấy được và cảm nhận được nhiều không phải đến từ các Phật tích mà đến từ những người đi trong phái đoàn. Anh Phật tử này là người tương đối tháo vát và anh thường giúp đỡ cho qúi Phật tử mang vali hay giúp đỡ phái đoàn thì anh có dịp tiếp xúc với nhiều người trong phái đoàn đặc biệt là những cặp vợ chồng. Anh có thể cảm nhận được rằng có những người nam hay người nữ khi họ thương yêu nhau trải qua thời kỳ son trẻ hạnh phúc bây giờ lớn tuổi rồi họ trở thành gánh nặng, trở thành nỗi phiền phức cho nhau, họ sống với nhau mà dường như là một cuộc sống lê lết cho đến cuối đời họ nhìn thấy nhau như là gánh nặng như là những phiền phức. Và anh hỏi chúng tôi một câu là: "khi người ta không còn thương yêu nhau được nữa khi người ta không còn cảm thấy có sự phấn khởi để sống chung với nhau thì không biết những tháng ngày còn lại của cuộc đời nó ra sao?" Anh nói chuyện với chúng tôi nhiều thứ nhưng mà chúng tôi cảm nhận rằng khi anh tiếp xúc với những cặp vợ chồng lớn tuổi mà hay lục đục cãi nhau thì đúng là cuộc sống của họ như là một chuỗi ngày lê lết những phiền lụy như gánh nặng mà họ không đặt xuống được.
Anh mới nói với chúng tôi rằng anh đi chiêm bái Phật tích học từ những Thánh tích thì ít mà học từ những cặp vợ chồng đi hành hương thì nhiều. Chúng tôi có thể cảm nhận được điều đó.
Bởi vì Phật Pháp ở trong kinh điển cho chúng ta biết rất nhiều những giai thoại những hình ảnh về những đệ tử Phật cảm nhận được chân lý của cuộc sống là Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã qua cuộc sống hàng ngày qua những bài học rất thật ở trong cuộc sống nó không triết lý không văn chương hoa mỹ, rất là đơn giản, nó như vậy, nó phiền hà như vậy.
Thì khi chúng ta đọc những bài kệ ở trong kinh Tê Ngưu Một Sừng, TT Tuệ Siêu có sưu tầm trong sớ giải những bài kệ của từng vị Phật Độc Giác. Những bài kệ này nhắc cho chúng ta một số những tác phẩm khác như là Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, và chính những bài kệ của các vị trưởng lão của các vị tôn giả dù là Tăng hay Ni hoặc của các vị Phật Độc Giác thì đưa chúng ta trở về với một sự cảm nhận rất nhẹ nhàng, đó là những bài học từ trong cuộc sống từ đời sống này./.
No comments:
Post a Comment