Hỏi: Một người tu tập nên tránh 3 điểm : thích nói, thích đa đoan, và thích ngủ nghỉ
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 11-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Có lẽ chúng ta dễ dàng thấy một khi chúng ta hạ thủ công phu dùng hết thì giờ cho một việc gì đó thì chúng ta rất cần sự tập trung. Nói đến sự tập trung, quan trọng nhất chúng ta biết qúi thì giờ. Đối với một người tu tập, thái độ hoang phí thì giờ hoặc giả làm những việc không cần thiết nói theo danh từ của người đời gọi là "rảnh quá". Khi rảnh quá chúng ta sanh ra thích nói chuyện, thích bày vẽ lăng xăng chuyện này chuyện kia. Khi ở trong đời sống mình có mục đích rõ ràng thì mình cũng thư giản nhưng mình cũng không đến đỗi phí phạm thì giờ.
Trong kinh Đức Phật Ngài dạy căn bản một người tu tập hướng cầu giác ngộ giải thoát và mang ánh sáng Phật Pháp cho chúng sanh đó là hai điều Đức Phật Ngài muốn các vị tu sĩ làm.
Dĩ nhiên ngày hôm nay có rất nhiều vị cảm thấy rằng mình không có tự tin ở trong việc đó. Không có tự tin vào chuyện tu tập tức là nghĩ rằng chuyện tu tập không đi đến đâu, nghĩ rằng mình không có tự tin trong việc mình đem Phật Pháp đến cho người khác, mình nghĩ rằng có những việc khác tốt hơn qúi hơn để mà làm.
Chúng tôi thưa với qúi Phật tử mỗi khi chúng tôi ngồi nhìn lại công việc chung, chúng tôi thường có một ao ước nếu tất cả những vị tu sĩ đều có một mục đích chung là đem Phật Pháp đến cho Phật tử, tha thiết với chuyện phát triển Phật Pháp thì mang lại cho cộng đồng Phật giáo ngày nay rất đẹp. Nhưng ngày hôm nay chúng ta phải nhìn nhận rằng có một số các vị làm chễnh mãng trong công việc này vì lý do các vị không nghĩ rằng việc đó cần. Ngay cả một số các vị lên chùa tu thì chỉ có mặc áo tu như vậy nhưng thích những việc như bói toán hay thích thần quyền thích việc này việc khác, không có thích chuyện Phật Pháp.
Thì việc xao lãng đó cho chúng ta thấy:
- 1. Một là chúng ta không có ý thức rõ giá trị của đời sống ngắn ngủi này.
- 2. Thứ hai là chúng ta không thấy rõ giá trị của Phật Pháp.
- 3. Và điều thứ ba là chúng ta thật sự không thấy rõ được mục đích của đời sống.
Do chúng ta không thấy rõ ba ý nghĩa đó nên chúng ta lang man tức là đi chỗ này chỗ kia. Một người thấy được rõ mục đích của đời sống thì không chộn rộn như vậy. Chúng tôi sống ở ngoài quốc gia kỹ nghệ như Hoa Kỳ, người Hoa Kỳ họ có một tiêu chí rất rõ ràng trong đời sống đó là làm sao mình đi làm để mưu sinh để sinh nhai, và họ phấn đấu rất nhiều cho công ăn việc làm. Nhưng mà rồi khi có dịp đi về những quốc gia nghèo, tỷ lệ thất nghiệp quá đông thì thường thấy có một số người dân không phấn đấu chỉ la cà thôi sống qua ngày và đời sống họ không có một tập trung nhất định. Kế tiếp là với một người tu sĩ hay bất cứ người tu tập nào không thấy giá trị của đời sống, không thấy có giá trị của Phật Pháp và không có mục đích hay tiêu chí rõ ràng ở trong đời sống thì chúng ta thường đi vào chỗ phí phạm và 3 điểm này lâu ngày nó trở thành một thói quen, trở thành một cái tật, nói một cách rõ trong kinh gọi là thường thân y duyên mà chúng ta nói bên ngoài là cái thói quen.
Cái thói quen ở đây là: thích nói, thích đa đoan, và thích ngủ nghỉ.
Sở dĩ Đức Phật đưa lên 3 điểm này là tại vì 3 điểm này nó thành nghiền, thành thói quen tức là làm như vậy nó trở thành một cái nếp sinh hoạt thành thói quen.
Thí dụ có những người lúc nào cũng lăng xăn, lúc nào cũng làm việc. Làm việc là một điều qúi. Nhưng nếu mê công việc quá quên đi bổn phận của mình. Thí dụ ngoài đời qúi vị mê công việc mà quên người thân của mình hay quên đi bổn phận khác thì đó là điều không nên. Hay chúng ta quá mê công việc quên hẳn Phật Pháp, quên hẳn pháp học và pháp hành thì đó là điều không nên. Hay chúng ta quá mê công việc. Có những người thích bận rộn như vậy, có những người ngồi không yên. Chúng ta muốn thấy điều này thì đến các khoá thiền để dễ dàng nhận thấy rằng có những Phật tử rất thích lên chánh điện để ngồi nghe pháp và thực hành, nhưng có một số khác thì không làm như vậy, họ cũng muốn tham dự khoá thiền, hay khoá tu cũng hoan hỉ nhưng mà đến lại thích dọn dẹp nhà vệ sinh, dọn dẹp nhà bếp, lượm rác trước sân, rồi thích vào nhà bếp nấu ăn làm chuyện này chuyện kia, rồi các vị thiền sư lâu lâu cũng nhắc là cố gắng dành thì giờ lên ngồi thiền một chút thì các vị này không muốn. Ở trong chùa cũng có một số Phật tử như vậy, thích làm công quả, thích làm việc này việc khác nhưng không thích ngồi tụng kinh, không thích ngồi để nghe pháp, không thích ngồi tập thiền. Thì mình hiểu rằng con người mình làm việc nhiều quá nó cũng nghiền, khi người ghiền công việc thì tự họ nhận là mình lúc nào cũng phải nên bận rộn hết, bận rộn như vậy là hay là đúng. Nhưng kỳ thật sự bận rộn đó khi tham công tiếc việc có nhiều khi muốn tìm việc gì đó nhưng chúng ta không thể sống trong sự thanh tịnh được thì mình phải coi chừng. Nếu mình ghiền công việc quá mà không thể sống ở trong thanh tịnh được không hoan hỉ với sự thanh tịnh thì điều đó là có vấn đề là chúng ta ghiền công việc quá.
Nói cũng vậy, có những người không nói không được lúc nào cũng phải nói, nói chuyện này sang chuyện khác thì người ghiền nói quá họ bị bịnh là nói nhiều quá thì nó gọi là ba hoa, nói nhiều quá thì thường nói sai nói có lỗi. Đời sống của chúng ta khi cần nói thì nói khi không cần nói thì mình giữ im lặng chứ không phải nhất thiết lúc nào cũng nói. Chúng tôi thấy điểm nhu vầy là có những người họ nói rất hay nhưng không phải là họ ham nói, nhưng có những người lúc nào cũng nói nhưng những người này bị cái bệnh ghiền nói và chuyện gì cũng nói và nói lâu ngày thì trở thành cái tật là ham nói. Chúng ta phải coi chừng cái ghiền nói đó nó trở thành cái tật.
Ngủ nghỉ cũng vậy. Ngủ để lấy sức, ngủ để mình có sức khỏe tỉnh táo thì chuyện đó nên. Nhưng có những người họ rất thưởng thức chuyện ngủ nghỉ, có chỗ nào đặt lưng xuống ngủ thấy nó sảng khoái nó sung sướng và cứ nằm nướng nằm ráng, không có nhu cầu ngủ nhưng cứ nằm ráng thì cái đó cũng là thói quen.
Thì ba điều ngày hôm nay chúng ta đề cập đến ở tại đây là ba thói tật cá nhân, thói tật đó nó làm cho chúng ta ghiền. Một khi chúng ta đã ghiền chúng ta đã ghiện rồi cái gì chứ ham làm việc, ham nói, ham ngủ nghỉ thì quả thật chúng ta làm trở ngại cho sự tu tập. Nên, nhất là những người hành thiền, là người tu tập chúng ta biết qúi trọng thì giờ chúng ta không phung phí như vậy, việc nào cần làm thì cứ làm nhưng mà rồi sau đó trở về lại với công việc căn bản của mình đó là sự tu tập. Việc nào cần nói thì cứ nói nhưng nói xong thì Đức Phật khuyên chúng ta nên thấy hoan hỉ trong sự thanh tịnh. Và ngủ nghỉ là chuyện đó cũng nên nhưng cái gì mà quá đà, quá đáng, nhiều quá thì không còn đẹp nữa.
Chúng tôi mong rằng những điều này khi chúng ta bàn nó không làm cho chúng ta cảm thấy rằng mình bị nhột nhạt là mình bị đề cập đến và nếu cần điều chỉnh thì chúng ta cứ điều chỉnh và nó rất tốt cho đời sống tu tập của chúng ta. Và ờ đây chúng ta thấy những lời dạy của Đức Phật rất cụ thể Đức Phật Ngài không cần dạy những lời này nếu Ngài không thấy những điều đó không mang lại lợi ích cho chúng sanh và nếu chúng ta thấy lợi lạc thì quả là điều rất hoan hỉ ./.
No comments:
Post a Comment