Hỏi: Phải chăng cả hai thái độ tuyệt đối xa lánh quần chúng hay hay quá thân cận đề là cực đoan?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma - ngày 20-7-2014 - Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đa phần chúng ta rất sợ sống một mình, chúng ta phải sống liên hệ với người khác. Một điểm rất rõ ràng là con người của chúng ta hay quần tụ tụm năm tụm ba. Ngay cả những vị tu sĩ cũng có khuynh hướng là sống một mình thì buồn, có điện thoại tay rồi thì cứ gọi cho người này kêu người kia. Và thường thường đời sống lúc nào cũng rộn ràng với người này người khác không phải chuyện tu mà ngay cả làm việc chúng ta cũng không thể làm việc được nếu mà chúng ta lúc nào cũng cần có những người ở chung quanh. Đôi khi chúng ta rất là cần yên tĩnh để tập trung vào làm việc.
Và việc sợ quần chúng, ngán quần chúng, chán chê quần chúng thì chúng tôi nghĩ rằng việc đó cũng là thái độ thiếu thích nghi. Nhưng chuyện bình thường mà chúng tôi thấy là chúng ta có thói quen hay thích đám đông, thích có người này người kia, thì điều này là điều chúng ta cũng phải để ý nhiều. Đó là khuynh hướng phần đông của chúng ta, hầu hết chúng sanh sợ sống một mình.Nếu chúng ta có khả năng sống một mình thì mới có thể tu tập được, mới có thể làm được nhiều việc.
Một việc khác, chúng ta có thể tìm thấy thực tế ở trong cuộc sống ngày hôm nay là mình phải thích nghi với hoàn cảnh trừ khi sống tại các quốc gia Phật giáo có nhiều chùa nhiều thiền viện mình có sự lựa chọn thì tốt rồi. Nhưng ở tại đây thì một người đi làm, một người sống ở giữa thị thành khả năng chúng ta rời bỏ tất cả để sống một mình không có nhiều. Do đó, khi nào có cơ hội sống một mình thì chúng ta nên, thí dụ như một năm mình có kỳ nghỉ hè thay vì mình đến chỗ rộn ràng thì chúng ta nên có những giờ phút yên tĩnh gần với thiên nhiên, rất là nhẹ nhàng nhưng nó lại cho chúng ta những cái gì hết sức là lợi ích giống như mình nghỉ dưỡng sức, mình nghỉ xả hơi.
Chúng tôi thấy một số các vị bên Mỹ thấy mà tội nghiệp, cả năm làm việc cực khổ xong rồi đi về Việt Nam trở qua lại than thở với chúng tôi rằng về VN mệt quá, tốn tiền quá, rồi đi lại xe cộ khó khăn nóng nảy thế này thế kia. Thật sự thì nếu mình tính ra chuyện về VN ở một tháng là do sự lựa chọn của mình thôi chứ không nhất thiết mình phải ở lâu như vậy nếu có việc gì cần. Nếu chúng ta một tuần lễ để sống yên lặng ở trong các thiền viện hay một nơi nào đó thì chúng tôi tin rằng nó hoàn toàn cần thiết để chúng ta lấy lại được nỗ lực của mình. Tại Hoa Kỳ có một điểm rất là hay là có những công viên như National Park chúng ta gọi là Công Viên Quốc Gia cảnh trí rất đẹp, ở đó mà những căn nhà rất đơn giản và rẻ tiền, nhiều khi chỉ trả mười mấy đồng một đêm thôi thì mình đến đó mình có thể sống vào những mùa giả tỷ như chúng tôi thấy tại Houston hay nhiều nơi khác vào mùa thu và mùa xuân thì tương đối là mọi thứ rất là rẻ rất là yên tĩnh đi không tốn tiền nhiều. Nhưng chúng ta không chịu đi chúng ta rất là sợ sống một mình.
Rồi một việc nữa là chúng ta cũng có thể thấy trong cuộc sống của mình là có những khi cơ thể của mình cần vận động, có những lúc cơ thê mình cần nghỉ ngơi. Một người mà vận động hoài, vận động thái quá thì có thể chết, người thể dục quá đáng thì chết. Nhưng nghỉ ngơi nhiều quá đâm ra làm biếng. Thành ra cách đúng Đức Phật dạy Ngài nhắc chúng ta con đường trung đạo. Chúng ta phải biết quân bình. Có lúc cũng nên biết nghỉ ngơi. Có những lúc nên vận động nhiều.
Thì việc mình đi vào đời giúp chúng sanh, chuyện đó rất là cần rất là nên làm. Nhưng mà làm đúng cách và làm một cách an lạc. Giống như thể dục mình vận động mà không biết cách thì cũng không tốt nhưng mà rồi sau những cuộc vận động đó mình cũng nên có nghỉ ngơi chứ không thể nào mình cũng ồn ào, cũng rộn ràng. Chúng tôi thấy có những người họ xem chuyện từ thiện xã hội là cứu cánh. Thật ra từ thiện xã hội không là cứu cánh mình làm hoài thì nó cũng vậy nhưng mà mình nói bỏ hết tất cả trở về tu thiền tu hoài, thì như TT Tuệ Siêu hồi nãy có nhắc là một vị tu sĩ mình sống nhờ vào Tam Bảo, mình sống nhờ vào Giáo Pháp, mình sống nhờ vào tín thí mà mình không làm gì hết mà chỉ tu thôi không cần biết là ai làm ai sống ai chết mặc ai, một ngày nào Phật Pháp suy tàn không còn có chùa chiền không còn Phật tử nữa thì mình sống với ai.
Thì như vậy là ít nhất mình cũng phải làm cái gì đó trong trách nhiệm của mình duy trì giáo pháp. Chúng tôi rất là sợ những vị tu sĩ mà sống ích kỷ chỉ biết mình thôi không bao giờ góp một bàn tay để gìn giữ gia tài mình thừa hưởng gia tài mà Đức Phật để lại các vị Thầy Tổ để lại bây giờ mình ăn sài cho hết. Đó là thái độ của chúng ta. Chúng tôi nghĩ như vậy cũng rất là cực đoan. Thì mình tu tập cũng nên có những lúc mình sống quân bình, có những lúc sống nơi thanh tịnh nhưng mà sống phải có trách nhiệm. Cái thân của mình mình có trách nhiệm, chỗ ở mình có trách nhiệm với nó, những người họ giúp đỡ mình mình có trách nhiệm với họ, chứ mình nghĩ rằng ở trên đời này mọi người có bổn phận lo cho mình mà mình không lo cho cuộc đời thì đó cũng là một thái độ không đẹp, nó không có chính xác, nó không có lợi lạc cho ai hết.
Thì nói chung đây là một việc làm rất tế nhị, đặc biệt hết sức là tế nhị chứ không phải là đơn giản mà chúng ta nói mình nên bỏ hết rồi sống một mình hay hoặc giả là mình không nên sống một mình mà phải đi vào cuộc đời phải lăn lộn vào trong cuộc đời , phải sống vì chúng sanh. Thì thật ra nó là một điều mà tất cả những người tu tập cần phải cân nhắc và tìm câu trả lời cho mình./.
No comments:
Post a Comment