Hỏi: Cảm nghiệm kinh Châu Báu.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 19-7-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Kinh Châu Báu là một bài kinh quan trọng trong Tiểu Bộ kinh Ratana Sutta chúng ta tạm gọi là kinh Cầu An. Bài kinh này được Đức Phật giảng nhân dịp Ngài về Vesali theo lời thỉnh cầu của người ở xứ này, bởi vì thời bấy giờ ở tại đó có nhiều ác nạn, nào là nạn đói do thiên tai, rồi bệnh tật, rồi phi nhân. Đức Phật Ngài đặc biệt dạy Tôn Giả Ananda bài kinh này, Tôn giả đã trì tụng.
Trong bài kinh này có câu cuối cùng là:
"Mong với chơn ngôn này,
Cầu xin cho sự cát tường phát sanh".
Ở đây nói đến sự cảm nhận, nói đến một sự hướng tâm cầu nguyện và nói đến uy lực thiêng liêng của Phật, Pháp, Tăng. Và khi đề cập đến uy lực thiêng liêng này thì không đơn thuần chỉ là nghĩa lý ở bên ngoài mà phải là sự cảm nhận. Sự cảm nhận ở đây là mình hiểu, mình có phát tâm. Và chẳng những hiểu, chẳng những phát tâm mà có một sự tin tưởng rất mãnh liệt.
Không phải ai cũng có thể đọc những giòng kinh Tam Bảo mà vị đó có thể cảm nhận một cách trọn vẹn lời kinh:
Phàm ở cõi đời này,
Có châu báu thù thắng,
Hiện hữu trên thiên giới.
Hay ở cõi người,
Không gì sánh bằng được
Với Như Lai (Thiện Thệ),
Do chính chơn ngôn này
Xin cát tường phát sanh
Câu đó mới nghe thì rất là dễ hiểu, ở trên đời này có nhiều thứ châu báu như vàng, bạc, kim cương rồi hổ phách, lưu ly, mã não v.v.. Nhưng cho dù những thứ ở trên thiên giới hay ở cõi người lúc gần đất xa trời thì châu báu đó không sánh bằng Đức Phật. Chúng tôi có một lần tụng bài kinh này cho một người đang bịnh nặng ở trên giường, chúng tôi nói giống như năn nỉ người đó là hãy nghĩ rằng tất cả những gì mà quí giá mà có trong cuộc đời từ những vật sở hữu cho đến một món đồ mình mua rất hài lòng cho đến nhiều thứ qúi kim quí mà mình có được, khi nằm ở trên giường bịnh thì những thứ đó trở thành vô nghĩa. Nhưng nếu giờ phút đó mình cảm nhận được thế nào là nương tựa Phật và thế nào là sự cao qúi của Phật thì lúc đó Đức Phật chính là châu báu, Đức Phật chính là nơi nương tựa, Đức Phật là sự cứu rỗi mà mình có được.
Cũng giống như câu kinh chúng ta thường tụng: "Phật là nơi nương nhờ tối thượng, cho chúng con vô lượng an lành". Đức Phật là nơi nương nhờ tối thượng" hay: "Chẳng có chi đáng cho tôi phải nương theo, chỉ có Đức Phật là quý báu, nên tôi phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho tôi, y như lời chơn thật này". Câu kinh đó mình tụng thì cũng thường tụng hoài và nghe hầu như thuộc lòng nhưng khi mình nói "Phật là nơi nương nhờ tối thượng" hay "chẳng có chi đáng cho con phải nương theo chỉ có Đức Phật là qúi báu", đem câu đó vào trong lòng tạo thành một sự khẳng định thì không phải ai cũng làm được. Có người gặp Phật thì qùi xuống lạy nhưng mà gặp thiên thần quỉ vật thì cũng lạy. Có người gặp Phật thì cũng lạy cũng qui y cũng nương tựa Phật nhưng mà thật sự không hiểu hết thế nào là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sư, Điều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Rất là nhiều lần, chúng ta thường nghe nói rằng sống với mẹ một đời cũng không hẳn là có lần nào đã nhìn mặt mẹ nhìn thật chậm thật rõ để đem vào trong lòng hình ảnh của mẹ. Đôi khi chúng ta học giáo pháp, đọc về Đức Phật nhưng không phải là bao giờ chúng ta cũng cảm nhận được hình ảnh của Đức Phật một cách rõ ràng một cách trong sáng, một cách cao qúi. Ngày hôm qua chúng tôi có giới thiệu một thi phẩm nói về cuộc đời của Đức Phật và người đọc là Ngài Ajahn Jayasaro chúng tôi phải nói với qúi vị là về lịch sử Đức Phật chúng tôi đọc rất nhiều lần, từ nhỏ vô chùa đã đọc rồi nhưng thật ra lâu lắm chúng tôi mới đọc mới nghe những vần thơ đẹp như vậy, những vần thơ đó diễn tả được sự thân thiết, diễn tả được sự nhiệm màu, diễn tả được niềm hoan hỉ khi Đức Phật chào đời từ giấc mơ của hoàng hậu Maya cho đến một lần về quê ngoại rồi bối cảnh của Lâm Tỳ Ni hình ảnh của đạo sĩ Asita. Những điều đó nhiều khi nó là một sự tương tác hai chiều, thi sĩ mà họ đã viết lên những giòng chữ này thật ra họ có sự cảm nhận đặc biệt lắm họ mới viết ra những giòng chữ như vậy. Khi mà đã hiểu những gì họ viết để cùng rung cảm với sự rung động của họ thì không dễ.
Hồi nãy chúng tôi cố tình hỏi ĐĐ Pháp Tín một câu đó là một vị mới gặp Đức Phật nghe Đức Phật thuyết pháp trở thành một vị Tu Đà Hườn cái niềm tin của vị đó có trọn vẹn niềm tin Phật Pháp Tăng của vị đó có vững có trọn vẹn hay không, ĐĐ Pháp Tín trả lời là chắc chắn như vậy
Thì thưa qúi vị, có một điều là Đức Phật đã từng dạy: "Ai thấy pháp là thấy Như Lai". Khi nãy chúng tôi có hỏi: "trong trường hợp một người thuyết pháp người đó có thể thấy được Như Lai và thấy khác hơn chúng ta thấy và thấy với niềm tin bất động niềm tịnh tín bất động" Thì ở đây chuyện chúng tôi muốn nói như vầy là chỉ khi nào chúng ta hiểu thì chúng ta mới tin một cách trọn vẹn ở Phật Pháp Tăng. Và khi nào chúng ta tin một cách trọn vẹn thì Phật Pháp Tăng mới là nơi nương tựa của chúng ta trên đời này. Điều này đôi khi đòi hỏi sống một cuộc đời dài để có thể học có thể cảm nhận và có thể thấy rằng mình có hiểu một cách trọn vẹn hay hiểu ở mức độ sâu xa nào đó. Chúng ta nên lưu ý, ở thời đại của chúng ta là thời đại con người dể sống vô tâm, dễ sống hời hợt, hay sống chạy theo người khác, người ta tin mình cũng tin, người ta thắp nhang mình cũng thắp nhang, người ta lạy Phật mình cũng lạy Phật. Nhưng khi càng hiểu rõ thì sự cảm thiết của chúng ta càng nhiều hơn. Nó giống như mình sống trong một nền văn hóa mà mình hiều nhiều về văn hóa đó thì cho phép chúng ta thật sự cam nhận, thật sự hòa mình và thật sự tìm thấy lẽ sống. Còn nếu sự cảm nhận của chúng ta hời hợt ở bên ngoài thì cũng không chết ai nhưng nó sẽ không đủ mạnh đủ rõ để chúng ta nương tựa và để chúng ta thấy được giá trị thật sự. Chúng tôi rất là mong rằng kinh Tam Bảo này sẽ được đọc rất kỹ và suy niệm thật kỹ để cảm nhận thật kỹ với tất cả chúng ta những người đã có lần chắp tay qui y Phật quy y Pháp quy y Tăng ./.
No comments:
Post a Comment