Hỏi: Sự lớn mạnh của trí tuệ mới là điều đáng nói.’
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đặc biệt trong văn chương Ấn Độ và cả văn chương Phật giáo, khi đề cập đến sự học hỏi hay sự hấp thụ, trong kinh thường dùng đến chữ biết nghe. Biết nghe là một nghệ thuật quan trọng trong tiến trình học hỏi. Ví dụ chúng ta có chữ Bāhusacca là bậc đa văn, nghe nhiều, học rộng. và chúng ta cũng có chữ Puthujjana sãvaka là phàm thinh văn và Ariya sãvaka là bậc thánh thinh văn là người biết lắng nghe Đức Phật dạy và có khả năng hấp thụ được.
Chữ biết lắng nghe là một chữ đẹp, có ý nghĩa trong nền văn chương của Ấn Độ. Người ta cho rằng một người muốn mở mang tri thức, không phải dựa trên học vị mà dựa trên thái độ hiểu biết và thái độ cầu học của mình. Cho dù một vị lớn tuổi, một vị có học vị rất cao về tri kiến chuyên môn thuộc lĩnh vực nào đó mà người này không còn có khả năng lắng nghe nữa thì sự học bắt đầu thụt lùi.
Có thể nói rằng lắng nghe ở đây có nghĩa là trong tâm tư của mình lắng đọng những ý kiến phê bình, tất cả những quan niệm chủ quan của mình để tiếp nhận những cái gì được nói và được biết tới từ bên ngoài. Riêng trong Phật giáo có rất nhiều bài kinh đề cập đến điểm này. Ví dụ kinh hạnh phúc và kinh Chuyển Nghiệp.
Trong kinh hạnh Phúc thì Đức Phật ngài dạy, một người biết nghe là hạnh phúc tối thựơng, người có khả năng lãnh hội là hạnh phúc tối thượng. Trong bài kinh Chuyển Nghiệp, chúng ta lại tìm thấy một Phật ngôn đề cập đến những người thường đến gặp các vị Sa môn, Bà la môn, bậc thiện trí để hỏi điều nào là thiện, điều nào là bất thiện. Và với những câu nghi vấn này, những sự tìm hiểu này thì người đó đang tạo ra nhân sanh để đời sau sanh ra có trí tuệ. Không phải vì chúng ta đi hỏi và nhận những câu trả lời làm cho chúng ta là người có trí tuệ mà muốn nói một người đem tâm tư mình lắng đọng, đón nhận những cái gì hay, cái gì đẹp từ bên ngoài vào.
Các vị thiền sư Nhật Bản cũng có một ví dụ. "Có một người đến hỏi đạo một vị Thiền Sư. Nhưng anh này nói huyên thuyên về những đạo lý mình đã được nghe, đã được hiểu. Vị Thiền Sư chỉ ngồi đó và lấy bình trà rót trà vào ly cho đến khi đầy vẫn không dừng lại. Vị khách lấy tay chận vị Thiền Sư thì vị Thiền Sư nói, đầu óc của anh giống như ly trà này, nó không còn có thể chứa đựng thêm được gì nữa". Điều đó có nghĩa chúng ta phải ở trong một tư thế có thể đón nhận được, có thể lãnh hội được, có thể lắng nghe thì chúng ta mới có thể cải thiện được cái nhìn của mình, có thể nâng cao tri kiến của mình.
Nếu chúng ta không còn khả năng để lắng nghe nữa thì chúng ta tự cô lập với thế giới bên ngoài cho dù chúng ta sống trong đám đông và cho dù chúng ta có là chuyên gia về một ngành nào đi nữa. Thái độ hiểu biết, thái độ cởi mở rất quan trọng.
Tương tựa, chúng ta đi xem một vở kịch hay một chương trình văn nghệ để có thể cảm nhận trọn vẹn thì tâm tư chúng ta phải lắng đọng, ít nhất là nó phải yên lặng. Không có đủ tâm tư yên lặng chúng ta không thể hấp thụ được một điều gì hết. Chúng tôi trong đời này thật hữu duyên, hữu phúc. Đó là từ nhỏ tới lớn sống gần một số các vị Tôn Túc, Thầy Tổ. Chúng tôi cảm nhận cho dù tuổi đã cao. Sáu, bảy mươi tuổi, có vị thậm chí tám mươi tuổi nhưng đối với kinh điển, sách vở thì tâm tư của quí Ngài lúc nào cũng mới mẻ. Cần thiết gì để cho một vị Hòa Thượng lớn tuổi phải đọc sách, phải nghiên cứu kinh điển trong khi trong cuộc đời đã tri kíến quá nhiều. Nhưng những vị Thầy, những vị Hòa Thượng mà tôi đã sống trong chùa thì cho dù các Ngài ở tuổi nào, đối với kinh sách, đối với Phật Pháp, tâm tư của các ngài lúc nào cũng mới mẻ. Các Ngài có thể bỏ ra mỗi ngày hàng mấy tiếng đồng hồ để xem một quyển kinh. Mỗi lần chúng tôi nhìn hình ảnh đó, tôi nghĩ là đó là hình ảnh rất đẹp. Người Trung Hoa có đề cập đến một khả năng một đức tốt của một người cho dù đến tuổi già bóng xế vẫn không chán học, vẫn tìm thấy rằng trong lãnh vực tri thức, tâm linh có nhiều chỗ để học, để lắng nghe.
Chúng ta đa số thường thương quí bản ngã. Thị dục huyễn ngã là cái gì căn bản của loài người. Chúng ta thường hãnh diện về trí kiến của mình. Nhưng sự tự hào hãnh diện đó có giá trị tốt hay không tốt thì chúng ta thấy tại đây khi một người tách biệt với thế giới bên ngoài, không còn khả năng hấp thụ những điều hay nữa thì lúc đó quả thật là có vấn đề. Cho dù muốn dù không thì chúng ta phải nhìn nhận rằng trong giáo Pháp của Đức Phật, cộng đồng tăng lữ trong bối cảnh của Phật giáo thì sự học hỏi được khuyến khích rất nhiều dù người ta có viện dẫn đến đâu đi nữa. Có một lần Ngài dạy rằng, giáo lý của Đức Phật suy tàn là do những người thiểu trí. Những người thiểu trí là những người xuất gia hay những người cư sĩ Phật tử sống trong giáo pháp nhưng không có cái nhìn rõ về giáo pháp. Điều đó làm cho giáo pháp suy thoái.
Không riêng gì Đạo Phật, ngay cả một nền văn hóa dân tộc cũng có nguy cơ suy thoái nếu như không có những người am tường lịch lãm, bén nhạy về nền văn hóa của mình. Đạo Phật không phải là một tôn giáo hay giáo lý dễ tiêu hóa mà có nhiều người nghĩ rằng có thể nhìn Đạo Phật một các rất tùy tiện. Đạo Phật là thế này, Đạo Phật là thế khác. Nhưng phải nói rằng chúng ta càng đi sâu vào kho tàng pháp học thì chúng ta thấy có một nhu cầu rất lớn người Phật tử đối với sự tồn tại của giáo pháp thì chúng ta đã biết rồi, nhưng đối với sự tu tập bản thân thì điều này tri kiến, trí tuệ lại là một điều quan trọng khác nữa. Chúng ta rất dễ sa vào những cạm bẫy và rất dễ đi sai đường do đó mọi việc nhất nhất phải vận dụng đến khả năng bén nhạy của mình
Học pháp là điều Đức Phật ngài khuyến khích. Kho tàng phong phú kinh điển Phật giáo và những cụm từ chúng ta nói như “Duy tuệ thị nghiệp”. Hoặc giả Đức Phật ngài dạy rằng không có sự mất mát nào hơn là sự mất mát về trí tuệ. Không có sự thiệt thòi nào hơn là sự mất mát về trí tuệ. Thậm chí ngài nói rằng sự mất mát của danh, của lợi quá bé nhỏ so với sự mất mát của trí tuệ. Nhiều lần Đức Phật lập đi lập lại rằng Đạo Phật là đạo của người có trí chớ không phải của người không có trí. Không may cho chúng ta thường rơi vào cảnh giới tự hào, tự thị. Một cảnh giới chúng ta cho rằng mình học đạo như vậy là đủ. Thật ra có đôi lúc chúng ta được nghe các vị tu tập, nhất là tu tập về thiền định, lên tiếng cho rằng mình đã tu tập thiền định rồi thì vấn đề Pháp Học không còn quan trọng. Nhưng trong nhiều năm khi chúng tôi tiếp xúc với các vị Thiền Sư được nhân duyên học ở các ngài và tham dự các khóa thiền thì chúng tôi thấy rằng trong khóa thiền nào cũng có chương trình, những giờ giảng dạy về Phật pháp chứ không phải là không có. Đặc biệt những vị Thiền Sư khuyến khích học những môn học những vị bình thường ít khi khuyến khích. Ví dụ như môn A Tỳ Đàm. Nếu quí vị nào quen với ngài Khippapañño, tức là Thiền Sư Kim Triệu, quí vị cũng thấy trong sự thực hành thiền định của ngài cũng khuyến khích học A Tỳ Đàm, thậm chí cho ấn tống những tác phẩm về A Tỳ Đàm. Đây là một điều rất bình thường, bình thường đối với những quốc gia chuyên về thiền định vì người ta thấy những giáo lý này làm cho kiến văn của những vị thiền sinh được sáng tỏ và như vậy cần được khuyến khích.
Các vị cư sĩ Tây phương đến với Đạo Phật để hành thiền. Cho dù ban đầu họ đến với Đạo Phật vì cảm thấy mệt mỏi và cảm thấy không còn nhiều hứng thú với những ngành học thuật của Tây phương nữa. Nhưng khi họ đến với Đạo Phật thì đã có nhiều tác phẩm, nhiều công trình nghiên cứu được đưa ra. Đạo Phật không phải là một tôn giáo chỉ đến với niềm tin mà qua đó con người phải hiểu và do hiểu mà họ thấy được giá trị chân thực của chánh pháp.
Đức Phật trong nhiều bài kinh, kể cả kinh Hạnh Phúc, nhấn mạnh đến lợi lạc của sự học hỏi. Phải nói rằng trong quá khứ chúng ta nghe nhiều tranh chấp giữa học và hành. Người ta nói “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là cái đãy đựng sách.” Những sự tranh luận này đưa những người Phật tử về hai khuynh hướng khác nhau. Một khuynh hướng nặng về nghiên cứu. Một khuynh hướng chỉ chú trọng về thực hành. Cả hai bên đều có những cái đẹp, nhưng cái hình ảnh ở trong kinh cho chúng ta thấy là một hình ảnh hết sức trung dung, dung nạp được cả hai cách này. Ngài Xá Lợi Phất là một đệ tử Phật về phẩm hạnh về tánh hạnh, về thân giáo của ngài, phải nói là một trong những vị thượng thủ thinh văn, không có cái gì chúng ta có thể chê được về phương diện thực hành. Nhưng ngài cũng là một vị kiến văn quảng bác. Nói đến một vị trí tuệ chỉ đứng sau Đức Phật thôi thì chúng ta muốn nói đến một hình ảnh mà qua hình ảnh đó chúng ta thấy rằng sự học hỏi rất là quan trọng, có chỗ đứng lớn trong đạo Phật.
Ở đây chúng ta có chữ khác là Panna. Panna là trí tuệ, chúng ta thường âm là Bát Nhã. Theo bộ Bách Luận, bộ kinh Bát Nhã và chữ bát nhã ngày nay trong truyền thống Đại Thừa và trong Thắng Tạng, người ta không thấy chữ nào có thể dịch trọn vẹn chữ Panna.Thật ra họ để nguyên và họ phiên âm là Bát Nhã. Ở đây, nó cũng có nhiều ý nghĩa rất là đặc biệt. Panna là trí tuệ và trí tuệ theo đúng nghĩa trong kinh Phật là khả năng có thể thẩm thấu, khả năng có thể nhìn thấy chân tướng vạn pháp.
Và khi nhìn thấy chân tướng của vạn pháp, muốn nói là con người chúng ta phải bỏ bớt những thành kiến, những định kiến, những tư kiến của mình để có thể nhìn thấy sự vật vốn ra sao thì mình nhìn nó như vậy. Trí tuệ trong Đạo Phật ngay cả về phương diện học thức nói rất nhiều về phẩm chất của nội tâm. Quí vị vào trong Paltalk nghe một bài pháp và nếu hôm nay quí vị trong người rất khỏe, quí Phật tử có thể nghe pháp tốt hơn. Khi nào tâm tư chúng ta trong sáng, chúng ta cầm một quyển kinh chúng ta đọc thấy mình hiểu nhiều và thấy mình mau hiểu hơn là lúc tâm tư chúng ta bị chi phối.
Nói tóm lại, về phương diện học Đạo Phật không chú trọng nhiều về lý luận mà Đạo Phật chú trọng nhiều về tâm tư trong sáng. Một người học Phật pháp bằng tâm tư trong sáng họ học hiểu nhiều hơn là người có học vị ở bên ngòai. Chúng tôi nói điều đó không sợ sai lầm vì chúng tôi biết rất nhiều vị danh tăng, tôn túc cả hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông. Quí vị này sở học, học thức, bằng cấp bên ngòai không cao nhưng sống trong chùa với tâm tư rất trong sáng. Những vị này có cảm nhận sâu sắc về giáo lý của Đức Phật mà những vị này chúng ta tìm thấy rất là nhiều. Do đó chúng ta thấy ý nghĩa của chữ panna khó định nghĩa. Người ta quan trọng chữ panna là trí tuệ bên ngòai, nghĩa là cái gì chúng ta học hỏi, cái gì chúng ta lý luận. Có một số người than phiền rằng Phật giáo là một hệ thống kinh điển có lý luận rất cao nhưng ngòai một số tác phẩm của Phật giáo Bắc truyền nhân minh luận, nói về phương pháp lý luận. Còn trong Tam Tạng Pali hầu như hòan tòan vắng mặt khi đề cập đến phương pháp lý luận. Đạo Phật không xem chuyện lý luận dẫn người ta đến sự thấu hiểu chân tướng của vạn pháp mà Đạo Phật nói đến một nội tâm, một nội tâm an tịnh, một nội tâm ổn cố, vững vàng. Và trên nội tâm được sáng, thiết lập đó, người ta có thể lãnh hội được những điều vi diệu mà chưa bao giờ được lãnh hội. Và chính vì điểm này mà chữ Panna nhiều khi chúng ta không có dịch là trí tuệ mà chúng ta âm là Bát Nhã vì chữ Panna đò hỏi một số định nghĩa tương đối rõ ràng trong Đạo Phật và những ý nghĩa này hết sức sâu xa.
Đức Phật ngài dạy chúng ta cần đặc biệt lưu ý ở đây là tâm tư của chúng ta không thể để bị già nua, trí tuệ của chúng ta không thể để già nua được. Già nua ở đây là sự cằn cỗi. Nền giáo dục hiện tại dễ dàng làm cho chúng ta thấy già nua, cằn cỗi. Bởi vì sao? Nền giáo dục nào làm cho chúng ta thượng tôn ngã tính của mình. Nền giáo dục nào làm cho con người chỉ biết đến cái lợi về vật chất mà không nhìn thấy cái lợi của tinh thần thì đều làm cho tinh thần già nua hết. Thái độ cởi mở, khả năng có thể lãnh hội, khả năng có thể thuần hóa ở một con người chính ở điểm trẻ trung mà Đức Phật nói. Trong rất nhiều đọan kinh qua sự gợi ý của Đức Phật người ta tìm thấy trẻ trung không phải với làn da, nét mặt mịn màng mà gọi là trẻ trung hay là với nội tâm liếng thoắng, lúc nào cũng vui vẻ gọi là trẻ trung.
Sự trẻ trung Đức Phật ngài dạy trong kinh chúng ta tìm thấy nó là khả năng như Khổng tử nói là học hoài không biết mệt. Thái độ học hoài không biết mệt là thái độ trẻ trung. Bỏi vì những người gìa không buồn cầm đến quyển sách và không muốn mình sẽ lắng nghe một điều gì. Nhưng rõ ràng trong kinh Đức Phật nói rằng, ngày nào chúng ta còn đến các vị Sa môn, Bà la môn, các vị thiện trí để hỏi rằng: Điều nào là thiện, điều nào là bất thiện. Đó là nhân sanh trí tuệ. Và điều đó cũng nói lên sự trẻ trung tâm hồn.
Con người tại các quốc gia Tây phương, các quốc gia phát triển dồi dào về vật chất, phần lớn nghĩ rằng trẻ trung là cái gì đáng phải tha thiết, đáng được bám víu. Ngay cả những người lớn tuổi cũng không cho phép họ được già và không muốn ai nói đến tuổi già của họ.
Nhưng điều này, khi ta đọc lại kinh Phật, nó không quan trọng. Quan trọng nhất là tâm hồn chúng ta có trẻ trung hay không? Tâm hồn trẻ trung ở đây không phải là thái độ đùa giỡn như trẻ con hay một thái độ vui tươi rộn rã.
Tâm hồn trẻ trung ở đây là khả năng, tinh thần còn có thể học được, còn có thể hiểu được, còn có thể hấp thụ được. Nếu như chúng ta không có được điều đó thì giống như Đức Phật dạy: "người ít chịu học hỏi như trâu già lớn xác, bắp thịt thì nở nang nhưng trí năng cùn mạt". Chúng tôi có thể nói một cách không sai lầm, ngay cả trong đời sống căn bản nhất, nghĩa là đòi hỏi sự học tối thiểu nhứt, như một vị tỳ kheo xuất gia không cần pháp học mà chỉ thọ trì giới bổn. Thọ trì giới luật để trở thành một vị tỳ kheo thôi, thì trong Tạng Luật cũng là cả một kho tàng lớn. Trong Tạng Luật có nói đến những điều phạm tội, những điều giới mà những điều này phạm vì không biết, phạm vì không biểu, có những điều phạm vì biết, có những điều phạm vì không biết. Nói riêng về học giới thôi thì phải biết, phải học, nói gì ý lý cao vợi khác, không phải là một phần của đời sống cộng đồng tăng lữ.
Nói chung thì phải có sống gần với kinh điển, tiếp xúc nhiều với kinh điển, chúng ta mới cảm kích được sự việc đó là trong Đạo Phật với kho tàng kinh điển đồ sộ và với những lời dạy Đức Phật đã nhấn mạnh cho thấy rằng chúng ta phải dành cho mình một cơ hội trong cuộc đời là đừng bao giờ để trí năng mình cùn mạt. Đừng bao giờ để cho đầu óc của mình ngưng lại, không phát triển nữa.
No comments:
Post a Comment