Wednesday, June 5, 2013

Phật Học Vấn Đạo- Phải chăng phiền não là do chúng ta nhìn sự việc một cách nông cạn?

 Hỏi: Phải chăng chúng ta phản ứng phiền não là do chúng ta nhìn sự việc một cách nông cạn? 

(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 4-6-2013, Minh Hạnh chuyển biên)

 TT Tuệ Quyền trả lời: Quả thật, chúng ta nhìn sự việc một cách nông cạn cho nên mọi phiền não phát sanh đến chúng ta, mọi chuyện đau khổ là do chúng ta có một cái nhìn hơi phiến diện, hơi chấp thủ, hơi bực bội mà nó sinh ra. 

 Đúng như vậy, ít bao giờ chúng ta có sự phản tỉnh nhẹ nhàng, tất cả điều này do tham ái bảo bọc. Thí dụ như, TT Giác Đẳng hỏi Sư Tuệ Quyền có mặt không, mãi không nghe lên tiếng thì tự nhiên nghĩ ông này khó chịu quá tại sao nói mà không trả lời, ông là cái gì. Nếu như là phiến diện thì chúng ta thấy TT sẽ có bực bội nhưng TT biết rằng quả thật đường truyền internet bị trục trặc, hay là nhìn có chiều sâu, không phải chúng ta nói người khác không nghe mà ngay cả người khác nói chúng ta cũng không nghe người ta nói cái gì thì làm sao mà trả lời.

 Một thí dụ thực tế hơn ở trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma này đôi khi qúi Sư yêu cầu các mc giúp điều này điều kia mà tự nhiên gọi mãi mà không ai nghe trả lời. mà quả thực lúc đó họ đâu có nghe chúng ta vì đường truyền internet của chúng ta bị trục trặc, nếu mà qúi sư bực bội nghĩ rằng họ thiếu tôn trọng thì tự nhiên cảm thấy mình bị xúc phạm sinh ra bực bội, là do cái nhìn nông cạn phiến diện của mình chứ mình không nhìn một cách sâu sắc hơn, và thứ hai mình nghĩ rằng  không có mặt ở trước máy  mà không có mặt ở trước máy một người, hai người, ba người, thì chúng ta biện luận ra tại sao không có mặt một người thì không nói mà hai người ba người v.v... Thì quả thật là do đường truyền internet. Và tất cả là do chúng ta suy diễn, nhưng nếu chúng ta suy diễn một cách tích cực nó khác và cách tiêu cực nó khác. 

 Thường thường, chúng ta cảm thấy suy nghĩ một cách tiêu cực là do chúng ta bảo thủ cái ái của mình, nghĩ rằng mình bị xúc phạm mình nói mà người ta không nghe mình nhờ người ta không làm thì tự nhiên chuyện đó làm bực bội sanh lên, tại sao như thế này tại sao như thế kia, mà rồi những người kia không biết tại sao mình cự nự um sùm, làm người đối diện bực bội, thì cả hai đều cảm thấy bị xúc phạm . Do vậy cái nhìn phiến diện của cả hai bên đều quan trọng. 

 Một học giả Tây Phương nói rằng chiến tranh trong đệ nhất, đệ nhị thế chiến, và tới nếu có đệ tam thế chiến hay là những cuộc sung đột trong từng gia đình đều do tâm con người phóng ảnh ra. Đây là nói trên tinh thần Phật Pháp tất cả đều là do tâm con người biến chuyển ra vì cái nhìn mang tính chấp thủ. 

 Nhiều khi, là ông, là bà, là cha mẹ, mình la rày con cháu hay bực bội con cháu vì mình kêu nó không trả lời, quả thật nhiều khi nó cũng không nghe mình gọi mình nói, rồi mình tự động trách cứ và thấy mình bị xúc phạm, mình là cha, là mẹ, là ông bà mà nó không nghe lời mình hay là tôi là sư phụ anh, tôi là thầy anh mà anh không biết tôn trọng. Thì hàng hàng lớp lớp trong cuộc đời này nó đều do cái nhìn phiến diện rồi chúng ta tự gây đau khổ cho chính mình. 

Trong kinh Pháp Cú có câu:
 Nó chưởi tôi, đánh tôi,
 Nhục mạ, cướp của tôi.
 Lòng không niềm oán hận,
 Oan trái sẽ vơi nguôi.

 Nhưng không phải chỉ chừng đó mà mình còn thấy rằng mình tôn trọng cái danh dự cái tư cách sĩ diện của mình, mà tư cách sĩ diện và danh dự của mình chính là do chấp ngã chấp ái tôn tạo nó bảo vệ nó dính mắc và ai đụng tới nó thì liều chết để bảo vệ, cho nên mới có sự xung đột, mới có đao thương, đao trượng, binh khí miệng lưỡi, và các bất thiện pháp sẽ phát sinh ra. 

 Như trong chùa chúng tôi có một chú tiểu, tuy đã lớn tuổi nhưng rất khờ khạo và còn bị nói cà lăm, đã vậy mà còn không tinh tấn tu học. Một hôm, một vị sư trong chùa đề nghị là đuổi chú tiểu đi với lý do là lười biếng thì chúng tôi giải thích là: 

 "Qúi sư nhìn như vậy nhưng tôi nhìn cách khác. Tôi thấy tội nghiệp người ta, phải nói là chúng sinh nghiệp duyên như vậy rồi thì thôi mình yêu cầu người đó quét chánh điện quét sân chùa là được rồi, đó cũng là thiện phước, cũng coi như là hưởng phước Phật, hãy khởi lên từ tâm rồi từ từ dạy họ đọc câu kinh như vậy là được rồi. Sao Sư lại thấy phiền não, tôi là người phải lo chuyện đó mà tôi không thấy phiền não mà Sư lại thấy phiền não là tại vì sư yêu cầu quá lớn, khả năng họ không có, cũng lớn tuổi rồi mà nói cứ cà lăm nói ba bốn chữ mới ráp được một câu thì thật sự tội nghiệp. Thì tại sao mình nhìn mà mình lại phiền não mà sao không nhìn tích cực hơn là tại cái nghiệp cái duyên của chính họ như vậy, nếu chúng ta có cái nhìn đảo ngược hơn thì chúng ta dễ dãi mà chấp nhận họ cho họ cái duyên hưởng phước Phật, mình có thể che chở và gánh vác cho người ta một phần thì đó cũng là cái phước chung".

 Thì sau khi nghe chúng tôi nói vậy thì vị sư đó nói: "Nghe Sư nói vậy con được giải toả chứ trước kia con nhìn chú con không chấp nhận được chút nào, sao người như vậy sao Sư chứa trong chùa". Thì chúng tôi nói nếu người ta tốt người ta đã không ở chùa tại người ta xấu mới ở chùa tu để được tốt.

 Thì tất cả là do cái nhìn của mình phiến diện rồi tự nó làm phiền não mình. Nếu như mình nhìn sâu hơn, nhìn tích cực hơn thì mình sẽ không bị phiền não.

 Cũng như, chúng ta thương người nào, ghét người nào, chúng ta không thể bảo mọi người đều thương hay ghét như mình. Cái ghét cái thương đều tùy duyên của mình. 

 Cũng vậy, mọi việc trong cuộc đời này không như ý mình, nếu chúng ta biết đánh giá, biết suy nghĩ  tại sao người ta làm khó khăn mình, mình đau khổ là do nghiệp của mình đã tạo chứ không tự nhiên ai đó chọc phá mình hay đánh mình. Trên tinh thần Phật pháp thì không có tự nhiên họ chưởi mình, không có tự nhiên họ đánh mình, cũng không phải tự nhiên mà viên đạn lạc đến mình vô cớ mà mình lại hoạ vào thân, mà đều là có cái duyên, tại sao không là người khác mà là mình. Còn nếu như mình được cái may mắn thì mình vừa lòng còn nếu như mình bị cái điều không tốt đẹp, cái xấu hay tai nạn đến mình như mình cảm thấy bực bội thì cái bực bội đó cũng chính sanh lên cái tâm phẩn uất trong lòng mình. Nếu chúng ta có sự suy xét kỹ thì đây là do cái nhân duyên phần của mình, do ác nghiệp, do thiện nghiệp của mình, suy nghĩ như vậy thì mọi việc nó khác. 

Và cuộc đời này chúng ta không bao giờ đòi hỏi người khác như ta được và cũng không đòi hỏi ta như người khác được. Tất cả là có cái nghiệp riêng và nghiệp riêng đó chính là họ đi theo cái nghiệp của họ, đi theo nghiệp cảm, đi theo sở hành của chính họ. 

 Chúng ta nghĩ một cách đơn giản như vậy thì phiền não sẽ không có mặt và chúng ta không cảm thấy rằng đó là một điều mà nó mang đau khổ cho chính ta. Và trong cuộc đời này ai mà sanh ra mà có giống nhau bao giờ, tất cả đều khác nhau bởi vì do nghiệp khác nhau, do tâm khác nhau, cho nên nghiệp cũng khác nhau, và nghiệp khác nhau thì hành tướng và sở tánh cũng khác nhau, hình thức bên ngoài cả bên nhau cũng khác nhau./.           

No comments:

Post a Comment