Wednesday, November 9, 2022

TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM - SINH CON RỒI MỚI SINH CHA

TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM

      QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA

                                                  SINH CON RỒI MỚI SINH CHA

Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC 


Xưa có hai người ở tỉnh xa, cùng đi lính với nhau, và ăn ở với nhau rất là thân thiết. Đến lúc thôi lính về nhà, thì một người làm nên giàu có, còn người kia vẫn nghèo đói. Người nhà giàu nhớ bạn, đến hỏi thăm, thấy bạn nghèo khổ, liền đưa cho vay mười lạng bạc để làm vốn.

Cách đã mấy năm, không được tin tức gì của bạn, người nhà giàu nghĩ bụng rằng : 

« Bạn ta có lẽ vẫn còn túng, nên chưa có tiền trả ta. Âu là bây giờ ta lại sang thăm anh ta cũng đem đi mười lạng bạc, nếu anh quả còn nghèo đói, thì ta lại đưa giúp anh ta lần nữa ».

Nghĩ vậy, rồi đi. Khi vừa đến cổng, thấy nhà bạn trang hoàng lịch sự thì người kia đem bạc giấu ở trên đầu cổng rồi mới vào. Vợ chồng bạn thấy mặt, ngỡ là sang đòi nợ, mời vào nhà thiết đãi ăn uống tử tế, rồi lập tâm bất nhân đợi đến đêm khuya, giết quách đi, và đem xác chôn dưới gốc cây khế. Ít lâu, cây khế chỉ sinh được một quả to lắm. Người vợ trông thích mắt, hái xuống ăn. Rồi thụ thai, đủ ngày tháng, sinh ra một đứa con trai khỏe mạnh, khôi ngô, nhưng phải cái tật không biết nói.

Hai vợ chồng lấy làm buồn bực, một hôm phàn nàn với nhau rằng :

 « Nhà ta giàu có không thiếu gì. Trời cho sinh được một mụn con, thì Trời bắt nó phải cái tật câm ! Rõ người có năm, có mười thì tốt, mình chỉ có một, thì lại vô duyên ! »

Đứa con nghe thấy hai cha mẹ than thở, tự nhiên bật nói ra rằng : 

« Thầy mẹ cho mời quan huyện qua đây chơi với con. Rồi con nói cho thầy mẹ xem ».

Hai vợ chồng lấy làm quái lạ, hỏi gặng nó mãi thì nó lại câm như trước, không nói gì nữa. Sau bàn bạc với nhau thử chiều ý con xem sao, bèn đem lễ lên trên huyện, kể chuyện đầu đuôi và cố mời quan đến chơi nhà thật. 

Quan bằng lòng đi. Đến nhà liền cho lính gọi thằng bé ra hỏi : 

« Cớ sao mày không chịu nói để cha mẹ mày phải lên trình với ta ? »

Thằng bé ra, lễ phép cúi lạy quan huyện, rồi thưa rành mạch rằng : 

« Quan đã đến đây, xin quan soi xét cho con được nhờ, kẻo oan lắm. Nguyên con với anh này – chỉ vào

cha – xưa có đi lính làm bạn với nhau rất thân. Lúc mãn khoa, anh em cùng trở về lập nghiệp làm ăn. Sau con đến nhà anh ấy chơi, thấy anh ấy nghèo đói, con đem cho vay mười lạng bạc để làm vốn. Lâu không thấy anh ấy trả, con tưởng anh ấy còn bấn túng, lại sang thăm anh ấy và cũng đem theo mười lạng bạc, định giúp anh ấy lần nữa. Nhưng lúc đến nơi thấy anh ấy giàu có, con giắt mười lạng bạc ấy ở ngoài cổng, rồi mới vào. Chẳng ngờ, anh ấy lựa đến nửa đêm, giết chết con đi và đem xác con chôn dưới gốc cây khế. Hồn con bấy giờ nhập ngay vào cây khế. Cây khế sinh được một quả vừa to, vừa ngọt. Hồn con lại biến vào quả khế. Vợ anh ấy ăn quả khế mà sinh ra con. Dám xin quan lớn thân oan cho con. Quan cho người ra đào gốc khế, xem có còn cái xác con, và ra bới trên mái cổng, xem có còn mười lạng bạc không ».

Quan liền sai lính làm theo như lời khai, thì quả nhiên ở dưới gốc khế có cái xác người và ở trên cổng nhà còn mười lạng bạc thật. Chứng cớ rõ ràng, hai vợ chồng nhà kia không còn chối cãi làm sao được, tự phải thú nhận hết tội, không đợi quan tra hỏi. Quan liền phê án trị tội luôn cả hai vợ chồng. Còn thằng bé lạy tạ quan xong, xin trở về nhà cũ. Lúc về tới nơi, tính lại, kể từ ngày ra đi đến ngày ấy được hai mươi năm, khi đi vợ mới có thai, khi về thì con đã có cháu.

Bởi truyện này nên mới có câu cổ ngữ rằng :

« Tham vàng, phụ nghĩa cố nhân,

Oan hồn, hồn hiện, trời gần chẳng xa,

Sinh con, rồi mới sinh cha,

Sinh cháu giữ nhà, rồi mới sinh ông ».

No comments:

Post a Comment