TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM
QUYỂN THƯỢNG : NGƯỜI TA
BÀ CHỦ VÀ NGƯỜI ĐI CÀY
Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
Xưa có một bà chủ, một hôm bảo thằng người nhà đem trâu ra ruộng cày và dặn nó trước rằng :
« Khi nào nghe thấy tiếng cốc kêu, thì hãy về nhé ».
Người kia cày suốt buổi, đã mệt nhọc chán chê lại bụng đói như cào, mà đợi mãi, cũng chẳng thấy tiếng cốc kêu đâu cả. Người ấy buồn bực mới hát rằng :
« Cốc kia sao chẳng thấy kêu,
Để tao cày mãi đến khi nao mới được về ».
Bà chủ mãi không thấy thằng người nhà về, nghĩ bụng rằng :
« Tại nó chưa nghe thấy tiếng cốc kêu, cho nên nó không dám về ».
Rồi bà bèn ra đứng núp dưới bụi cây, giả làm cốc kêu to lên cho nó nghe thấy tiếng. Khi nó thấy tiếng tưởng rằng cốc kêu thật, nó lấy làm giận lắm, vừa tháo bắp cày vừa lẩu bẩu rằng :
« Cốc gì mà cốc ! Cả buổi đi đâu, đến giờ mới cốc. Tao xem cho mày ».
Rồi nhân cái bắp cày cầm tay nó đem, nó phang luôn vào bụi định đập cho chết cốc. Ngờ đâu ! nó thấy bà chủ trong bụi chui ra, vừa run vừa nói :
« Chớ đánh ! Chớ đánh ! Tao đây ! Tao đây ! Không phải cốc đâu ».
Thằng người nhà thấy vậy bật cười. Và cả bao nhiêu người làm đồng gần đấy cùng đều chê cười cả bà chủ lẫn đứa ở. Bởi truyện này, mới có câu người ta thường hát rằng :
« Cày thời cứ buổi mà về,
Đừng nghe tiếng cốc, kẻ chê người cười ».
No comments:
Post a Comment