Lòng nhớ cũ
“Đức Khổng Tử, một hôm cùng đệ tử đi chơi trong một cánh đồng. Ông thấy một người đờn bà vừa lúi húi cắt cỏ thi vừa nước mắt giọt dài giọt ngắn đầm đìa. Ngạc nhiên, ông sai thầy Tử Lộ đến hỏi nguyên do. Người đờn bà trả lời:
- Ngày trước thiếp có một cái trâm làm bằng cỏ thi, vô ý đánh rớt mất, không tìm lại được. Nay cắt cỏ thi, nhớ tới cái trâm cũ, không cầm được nước mắt.
Khổng Tử nói:
- Mất cái trâm cỏ thi, thì lấy cỏ thi làm trâm khác, việc gì phải khóc lóc.
Người đờn bà trả lời:
- Đã đành là tôi có thể lấy cỏ làm cây trâm khác, nhưng lòng nhớ cây trâm cũ của tôi không lúc nào nguôi được”.
Ôi chỉ đối với một cây trâm cũ mà lòng người đờn bà trong chuyện sao nhớ, sao thương, sao thủy, sao chung quá vậy.
Như thầy Tăng Sâm, mỗi lần làm sai, làm bậy một điều gì, lấy một cây đinh, đóng vô cột nhà. Khi thầy cải sửa được lỗi lầm đó, thầy nhổ cây đinh ra. Thầy than rằng: “Đinh đã nhổ nhưng lỗ đinh vẫn còn”. Những lỗ đinh luôn nhắc nhở sự sai trái mà thầy đã phạm phải.
Như ông Địch Nhơn Kiệt, Tể Tướng của Võ Tắc Thiên nhà hậu Châu, đứng trên núi Thái Hằng, chỉ tay xuống xóm làng chi chít ở dưới, mà than “Dưới kia, có cha mẹ ta ở đó”, là lòng nhớ thương cha mẹ.
Thầy Tử Lộ, lúc làm quan đại phu, giàu sang phú quý “xe trăm cỗ, thóc muôn chung, ngồi chồng chăn kép, ăn chồng vạc cao”, lại nhớ tới lúc áo rách, đi đội gạo mướn mà nuôi cha mẹ.
No comments:
Post a Comment