Hỏi. Phải chăng tất cả trói buộc trong kiếp sống đều đến từ sự nhận thức?
(câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 26-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Tuệ Siêu: Quả thật vậy. Do sự không khéo nhận thức nên ở trong kiếp sống của chúng ta có sự trói buột, chúng ta chấp thủ ngoại cảnh và nội tại. Lý do sự nhận thức đó đưa đến sự trói buột là vì sự nhận thức không đúng phương pháp gọi là ayoniso manasikāra hay sự tác ý không đúng. Tác ý không đúng đường lối thì phát sanh lên những sự trói buột, tưởng đâu làm như vậy, sống như vậy sẽ hạnh phúc sẽ được thoải mái sẽ được tự tại nhưng thực ra chúng ta sống theo cách nghĩ của chúng ta làm chúng ta bị ràng buột thêm nữa, đau khổ thêm nữa bởi do nghiệp lực của phiền não là tham, sân, si, mạn nghi, tà kiến chi phối nội tâm. Cho nên nội tâm của chúng ta khi nhận thức điều gì là chúng ta nhận thức sai đường lối mới đưa đến hậu quả phản tác dụng muốn hạnh phúc lại không được hạnh phúc.
Trong Pháp Cú kinh Đức Phật Ngài dạy rằng:
Chân tưởng phi chân.
Phi chân tưởng là chân.
Do tà tư tà hạnh.
Chứng không đạt được chân lý.
Và có một điều khác Đức Phật Ngài dạy:
"Chân lý biết chân lý.
Phi chân biết phi chân.
Do chánh tư chánh hạnh.
Chứng đạt được chân lý.
Khi chúng ta nhận thức bằng quán tính không dựa trên trí tuệ không đi đúng đường lối nhiều khi chúng ta có những điều sai mà chúng ta thấy là đúng, những điều đúng chúng ta thấy là sai nhận thức như vậy chúng ta mới bị hệ lụy. Hoặc có những điều trọng yếu chúng ta thấy không trọng yếu còn những điều không trọng yếu chúng ta nghĩ là trọng yếu. Do sự nhận thức sai lầm như vậy sẽ đưa đến sự hệ lụy v.v... Đức Phật dạy một vị tỳ kheo phải quán sát như thế nào để đối với ngoại cảnh tâm không tán loạn không bị trải rộng, và đối với nội tâm thì không được chấp thủ không được chấp trước. Chúng ta phải làm đúng theo chân lý Đức Phật Ngài đã tuyên thuyết.
Nói tóm lại, khi chúng ta tu tập tất cả đều do sự nhận thức của chúng ta đúng đường lối đưa đến hệ quả tốt đẹp còn nếu chúng ta tu tập mà chúng ta có sự nhận thức sai đường lối thì sẽ đưa đến hệ quả xấu. Lời giảng dạy của Đức Phật Ngài đã cho chúng ta một sự thoải mái là chúng ta muốn tu tập cách nào cũng được không nhất thiết phải chấp trì theo một phương pháp nhưng hễ chúng ta quán xét như thế nào để không bị chấp thủ không bị tán loạn tâm thì như vậy là tốt.
Ở đây chúng ta luôn luôn nhớ ba điều khi nhận thức vấn đề gì đó:
1. Trước nhất là với trí tuệ phải suy xét vấn đề đó có đúng theo nhân quả, nguyên nhân và hậu quả hay không, chúng ta phải biết rõ nhân và hậu quả.
2. Thứ hai, điều đó có đưa đến lợi ích hay không, chúng ta phải suy xét điều này.
3. Thứ ba, nếu là một người Phật tử thì chúng ta suy nghĩ điều đó Đức Thế Tôn có dạy hay không, còn nếu không phải Phật tử thì chúng ta suy nghĩ điều này các bậc thiện tri thức có chấp nhận hay không. Chúng ta phải suy xét như thế rồi mới bắt đầu thọ trì chớ không thể nào có một hướng suy nghĩ phiến diện được. Nhất là chúng ta không thể với sự độc đoán có nghĩa là có những người cứ khăn khăn cái gì tôi nghĩ là đúng còn cái khác là sai quan điểm đó là sai lầm rồi dẫn đến sự nhận thức sai lầm.
Do vậy câu trả lời cho câu hỏi vừa nêu chúng tôi xin thưa rằng, ở trong cuộc sống của chúng ta tất cả sự trói buột đều đến từ sự nhận thức và sự nhận thức đó là không đúng đường lối ./.
No comments:
Post a Comment