Hỏi: Thế nào là người hoàn hảo theo trong Phật Pháp?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 29-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Con người chúng ta bình thường khi nhắc đến người cầu toàn thì sự "cầu toàn" của chúng ta mang một ý nghĩa đòi hỏi và sự đòi hỏi đó thường là chúng ta đòi hỏi người khác và ở trong sự đòi hỏi chúng ta rất mơ hồ thế nào là một người hoàn hảo. Người hoàn hảo trong mắt chúng ta người đó họ làm vừa lòng mình, người đó làm đúng như ý mình mong muốn. Nhưng trớ trêu thay, ngay cả cái chúng ta mong muốn nó cũng vô chừng. Có khi chúng ta mong muốn thế này có khi chúng ta mong muốn thế khác. Cách nói của chúng ta không rõ không nói thẳng, và cách nói của chúng ta cũng không mang lại lợi lạc.
Ttrong lúc Đức Phật Ngài dạy về một người hoàn hảo Ngài đã nói rất rõ người đó có giới luật là nền tảng, có pháp tốt lành trong đời sống hàng ngày, và có trí tuệ tốt lành. Thì ở trong 3 pháp này có sự liên đới với nhau, giới tốt lành được xem như một người có tự chủ có nghị lực có kỷ cương, và điểm này giúp cho người đó có thể thực hành 7 pháp giác chi.
Bảy pháp giác chi này là 7 pháp rất diệu dụng ở trong đời sống. Thí dụ như:
1. Niệm Giác Chi là khả năng tỉnh táo để nhận biết và để theo dõi mình biết mình làm cái gì, mình biết mình đang thở ra hay đang thở vào, mình biết diễn tiến của thân tâm mình. Một người có kinh nghiệm chánh niệm ngồi nhắm mắt lại thì có thể đưa sự chú ý của mình vào ngay hơi thở, vào cái gì xảy ra ở thân và tâm của mình.
2. Niệm giác chi giúp cho chúng ta có được sự phân biệt là Trạch Pháp Giác Chi, cái này tốt cái kia xấu, cái này nên hay không nên.
3. Rồi do có sự phân biệt như vậy chúng ta có được Cần Giác Chi tức là sự tinh tấn siêng năng. Người không biết cái gì tốt cái gì xấu thì thường thường họ không siêng và người biết thì họ rất tích cực rất tinh tấn.
4. Yếu tố giác ngộ thứ tư là Hỉ Giác Chi là sự hưng phấn, phỉ lạc, tâm hân hoan khi an trú trong đề mục.
4. Do có Hỉ Giác Chi thì chúng ta có Tịnh Giác Chi hay Khinh An Giác Chi là cái gì làm cho chúng ta nhẹ nhàng làm cho chúng ta an tịnh,
6. Định Giác Chi giúp cho chúng ta có khả năng tập trú sống dựa trên một đối tượng một đề mục lập đi lập lại một cách bền bỉ.
7. Và sau cùng chúng ta nói đến Xả Giác Chi là trạng thái quân bình.
Bảy pháp này nếu chúng ta nghiệm cho kỹ: Khả năng tỉnh táo là Niệm Giác Chi. Khả năng phân biệt là Trạch Pháp Giác Chi. Khả năng nâng cao sự sống của chúng ta nâng cao nghị lực của chúng ta gọi là Cần Giác Chi. Khả năng an tịnh nhẹ nhàng là Tịnh Giác Chi. Khả năng tập trung là Định Giác Chi. Và khả năng quân bình đời sống chúng ta là Xả Giác Chi. Bảy pháp này chúng ta thực hành thì giống như chúng ta có vốn liếng và chúng ta có cái gì đó để sài trong đời sống. Một thiền sinh hiểu hơn bao giờ hết là những pháp đó là những sở đắc thật sự có lợi cho bản thân của mình. Đức Phật gọi là người có trí tuệ tốt lành.
Rõ ràng một điều, cuộc sống của chúng ta nếu có được trí tuệ nhận thức sáng suốt đúng đắn thì nó phải đến từ một nội tâm an tịnh, tức là nội tâm có pháp tốt lành, phải có pháp tốt lành thì trí tuệ mới tốt lành.
Thì người hoàn hảo Đức Phật đưa ra ở tại đây là một người có thành tựu trên phương diện thiện, chẳng những thành tựu phương diện thiện mà còn có được những tinh túy của thiện pháp, chúng ta không thể đòi hỏi ai hoàn hảo hết nhưng nếu chúng ta có ước vọng mình được hoàn hảo và biết lắng nghe. Lời dạy của Đức Phật rất thực tiễn trong đời sống ./.
No comments:
Post a Comment