Thursday, March 6, 2014

Phật Học Vấn Đạo - 3 điều nên biết khi làm phước

Hỏi: 3 điều nên biết khi làm phước

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 18-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Trước nhất chúng ta hiểu ba lý lẽ trong việc làm phước là:

1. Mình làm việc gì mà có tâm hoan hỉ thì phước nhiều.
2. Và thứ hai là, mình làm phước mà có trí tuệ thì phước đó nhiều hơn là không có sự hiểu biết rõ việc mình làm. 
3. Điều thứ ba, khi mình tạo phước mà mình rủ người khác cùng làm phước với mình thì phước báu tăng nhiều, mình biết rõ chuyện đó. 

Tuy vậy, ở chùa  hay ở nơi nào khi lam phước, ngày nay có nhiều chuyện rất đáng tiếc  . Đáng tiếc là tại vì nói chung người Phật tử không rành Phật Pháp nhiều cho nên thường việc phúc thiện là do chuyện quan niệm xã hội kêu gọi.

Thì chúng tôi xin được nói một vài lời ở đây. Nếu bản thân của qúi vị Phật tử là người thường đi kêu gọi người khác làm phước hay là mình được người khác kêu gọi làm phước thì nên biết những điều này:
- Thứ nhất là khi làm phước mình tránh trường hợp mình bị kích động bị nói khích. Giả sử như chuyện phước gì đó mình không muốn làm nhưng người khác nói khích rồi mình làm thì không nên và mình cũng không dùng cách đó để kêu gọi người khác làm phước. 
- Và thứ hai nữa là mình tránh làm thế nào, như ở trong chùa có những người Phật tử rất có lòng cúng dường mà mình cứ kêu hoài Đức Phật gọi là vắt sữa con bò khô cạn. Có những người việc gì cũng kêu kêu riết người ta buồn nản, riết rồi người ta không làm nữa, cái đó là mình bị mang cái nghiệp rất là lớn vì mình làm mất niềm tin của họ. 
- Và điểm thứ ba là, khi người ta làm phước dù làm ít làm nhiều mình không nên chỉ trích, thí dụ hôm nay mình kêu người ta cúng 1000 đồng mình cũng sadhu, mà người ta cúng 1 đồng mình cũng sadhu, đừng bao giờ nói "Phật tử đó bà đó làm bác sĩ mà chùa kêu gọi chi cúng $20, $50" thì không nên nói như vậy. Chuyện người ta làm phước, ai làm phước thì người đó hưởng chứ đó không phải là vấn đề bổn phận hay là vấn đề là họ phải cúng thế này thế kia. 

Thành ra, khi mình đi chùa tuyệt đối không nên nói cạnh khóe tức là mình có vẻ là moi móc người khác tại sao người như vậy mà làm như vậy v.v...   Tại vì, mình hiểu trong cuộc đời là mỗi người có một tính, có những người họ không nghĩ đến chuyện bố thí, có người nghĩ tới trì giới, có người nghĩ tới tham thiền. Và nếu họ không nghĩ tới bố thí thì khi nào họ nghe pháp rồi khi họ hoan hỉ thì họ bố thí chứ mình không nên vì chuyện họ không làm phước mà mình nói làm cho họ phiền não, chuyện đó mình hoàn toàn không có nên. 

Sinh hoạt ở trong một cộng đồng Phật giáo cũng có cái rất đẹp là mọi người làm đều vì tâm thành. Cũng nên nói rằng ở trong cộng đồng Phật giáo thì thường thường là chúng tôi làm trụ trì chúng tôi biết có những việc  có những việc rất dễ làm rất dễ gây phước, thí dụ như lau bụi tượng Phật hay chăm sóc chánh điện, mình làm cái gì đó mà có người muoố làm thì mình để người ta làm mình lo những chuyện khác mà người ta không làm chẳng hạn dọn dẹp nơi chánh điện mà người ta không làm là bởi vì không hoan hỉ thi mình làm, thì cũng tùy thôi, người nào làm thì làm. 

Chúng tôi cũng thấy có một chuyện là đôi khi Phật tử đi hành hương thì mỗi người có tánh ý riêng, có người thích cúng chùa nghèo khổ thì cúng, nhưng cũng có người không thích cúng chùa nghèo mà thấy chùa càng đẹp thì họ càng cúng nhiều vì họ nghĩ chùa này linh thiêng còn chùa nghèo chùa xấu thì không linh thiêng nên họ không cúng, thì do tánh ý của mỗi người nên mình cứ để tự nhiên. Trong việc làm phước nên để tâm người ta tự nhiên người ta hoan hỉ.

Và một điều như vầy, nếu mình phải lựa chọn trong cuộc sống thì mình nên lựa chọn theo cách đơn giản đó là mình lựa chọn cuộc sống yên bình, cuộc sống nghèo hơn là mình đặt để cho những người Phật tử ở trong hoàn cảnh họ phải lo lắng nhiều trở thành gánh nặng cho họ. Chuyện tu hay chuyện làm phước không có gì để trở thành gánh nặng. Hãy để cho mọi người được tự nhiên, để mọi người được hoan hỉ. Tại vì mình phải hiểu rằng ở trên cuộc đời này mình không muốn ai bắt buộc mình phải làm chuyện gì thì mình cũng suy niệm rằng mình cũng không bắt buộc ai dù bằng hình thức này hay hình thức khác. 

Có nhiều khi chúng tôi cảm tưởng như ở trong quan niệm xã hội người ta hay nói chuyện phiếm chuyện thù tạc, thí dụ như họ chơi một nhóm với nhau thì người này bỏ 5 chục ngàn thì người kia cũng phải bỏ 5 chục ngàn mới gọi là mặt mũi thể diện, thì cách đó thật sự không hợp đạo.

 Và chúng ta cũng nên tập sống tùy hỉ khi người khác làm phước. Giả sử như ở chùa ngày xưa có một cô Phật tử người Hoa ở Indonesia, mỗi tuần cô nấu thức ăn đem cúng dường Chư Tăng ở chùa, thì khi chúng tôi ở chùa chúng tôi rất là hoan hỉ chúng tôi thấy cô không phải là người Việt Nam mà cô là người Hoa ở Indonesia mà cổ chịu khó nấu ăn đem đến chùa. Rồi một lần chúng tôi đi xa làm Phật sự một thời gian khi về không thấy cô đi chùa nữa thì chúng tôi nghĩ chắc cô bận cái gì đó nhưng sau đó gặp cô thì cô nói rằng lúc Sư đi khỏi thì ở chùa có người Phật tử nói với cô là có cúng thì cúng tiền chứ thức ăn cô nấu mấy Sư ăn không được." Cái đó là cái không nên. Người xuất gia mà người Phật tử cúng nhiều thì ăn nhiều mà nếu ăn không được ngon thì ăn một chút ít chứ không nên vì một người Phật tử có tâm thành mang đến chùa rồi người Phật tử khác nói người ta đừng mang đến nữa dù những người Phật tử đó họ nói là họ hành động với thiện chí là cản cô đừng nấu vì thật sự cô nấu thì nấu rất là nhiều ,nhưng mình có cách khác chứ không nên nói với cô như vậy. 

Thì nói chung trong cuộc sống tu tập thì mình làm thế nào mà Phật Pháp được thịnh là do những người cư sĩ làm phước mà họ hoan hỉ đúng nghĩa làm phước và cái chuyện mình cản trở nói ra nói vô làm cho người khác bị phiền não thì nên tránh và đồng thời cũng không nên bắt buộc người ta làm, chuyện đó không có đẹp.

Thật ra thì đề tài mà chúng tôi đang nói với Phật tử ở đây chúng tôi muốn có một buổi hội thảo về đề tài này để chúng ta có thể nghe và hiểu nhiều hơn ở trong chuyện làm phước. Chúng tôi rất là sợ thế hệ mai sau từ từ mai một về chuyện làm phước mất đi tinh thần mà ngày xưa thời Đức Phật và Chư Tăng đã để lại đó là tinh thần hộ trì người xuất gia sống để tu tập đó là sự phát tâm tự nhiên của người đàn tín. Càng về sau này nó mang tính bắt buộc. 

Văn hóa Tây phương ngày nay trong các đạo khác như Tin Lành hoặc Thiên Chúa giáo thì tín đồ đi làm  phải đóng thuế cho nhà thờ. Điều đó không có đẹp.

 Phật giáo có nhiều chùa chiền hay từ thiện, mình  không phải là đóng thuế mà minh ý thức được tinh thần hộ tri của mình.

 Và qúi Phật tử cũng nên nhớ là khi mình làm phước mình nên dùng cái trí tuệ, cái chính của người Phật tử làm phước không phải là bây giờ qúi Phật tử thương qúi một vị Thầy nào đó rồi chăm lo cho vị Thầy đó quá nhiều vì là Thầy của mình, điều đó không có đúng, mình nên làm phước với tâm rộng đến chung qúi Chư Tăng . Giả sử như hôm nay quí vị mang đến thì để chung cúng Chư Tăng chứ đừng nghĩ rằng tại vì quen với vị này quen với vị kia mà mình đem đến và đồng thời mình làm sao cho thấy rằng mình đi chùa mình đối với Chư Tăng đồng đều, tại vì mình làm như vậy Chư Tăng sẽ có sự đoàn kết. Qúi vị biết là có nhiều khi Chư Tăng ở trong chùa bị chia rẽ phân hóa vì qúi Phật tử. Và ở đây, chúng tôi nói với qúi Phật tử nữ đừng có buồn là người nữ thường hay có tâm thiên vị, thiên vị vì thương hay thiên vị vì ghét chẳng hạn, có nhiều khi qúi Phật tử thấy có vị Thầy nào Sư nào mình hoan hỉ thì mình lo cho vị đó nhiều một chút, chuyện đó nhìn ở bên ngoài thì vô hại nhưng kỳ thật nó làm cho có sự phân hóa. Thành ra ngày xưa, theo Phật Pháp thì làm chung chung làm gọi là cúng dường đến đại chúng không có cúng riêng vị nào. 

Và dĩ nhiên là hình ảnh đẹp mà ngày xưa còn lại Phật dạy cho chúng ta đó là hình ảnh Chư Tăng đi khất thực, khi đi khất thực trong làng thì qúi Phật tử gặp Chư Tăng thì cúng dường chứ không cần biết vị đó là ai thân hay là sơ. Thì ngày nay chúng ta hay nghĩ rằng mình biết nhiều nhưng mà thật ra mình không biết nhiều , chúng ta thường đánh mất đi những giá trị truyền thống và những giá trị đó rất là đẹp rất là quan trọng. Bởi vì để chấn hưng Phật Pháp thì Phật tử đi chùa học đạo hiểu đạo nên làm phước bằng tâm hiểu biết tâm an lành và đồng thời có trí tuệ. 
Mình không bao giờ nghĩ rằng mình không đi chùa vì mình nghèo, đi chùa làm phước phải giàu, chưa chắc chỉ giàu mới có thể làm phước được, mà hễ mình làm phưóc là do sự phát tâm của mình và do vậy chúng ta nên ý thức rõ ràng là việc phước đó để mình làm phước cho được chọn vẹn
Thứ hai nữa mình không làm phước vì thiên vị. Những người Phật tử đi chùa làm phước và chúng ta nên biết một điều rằng quan hệ của người xuất gia và người tại gia là điều rất là quan trọng và mỗi người phải tự ý thức rõ để Phật giáo được hưng thịnh. Làm phước mà mang tánh cách gọi là quen biết hoan hỉ nhiều hơn là cái gì có tánh cách đại chúng. Điều đó là điều mà chúng ta rất là cẩn trọng ./. 

No comments:

Post a Comment