Rừng U Minh, thuộc tỉnh Kiên Giang là nơi hoang vu, chưa được khai phá đúng mức, lý do rất dễ hiểu vì cây cối không giá trị, cây tràm để làm củi chứ không quý giá như cây sao, cây dầu. Đất lại thấp, sau khi phá rừng khó bề làm rẫy, làm ruộng, chỉ một số ít người kiên nhẫn mới ra công biến rừng thành ruộng. Công việc khó nhọc này đòi hỏi năm mười năm, lắm khi qua đời cha khai phá, đời con mới được hưởng. Đất rừng nhiều phèn, phải tốn công đào kinh rạch, hơn nữa, khí hậu không tốt của rừng U minh khiến nhiều người ốm yếu vì mang bệnh sốt rét kinh niên. Trước thời Pháp thuộc, cách đây hơn trăm năm, nhiều người từ Mỹ Tho, Tân An tản cư xuống Rạch Giá, đến ven rừng U Minh. Họ cất chòi, phá vài lõm đất ở ven rừng. Họ thường tụ họp nhau lúc ban đêm để nói chuyện khào cho qua cơn buồn nơi hẻo lánh. Giữa đêm lắm người lắng nghe nhiều tiếng khác thường. Người này nói: -Ở giữa rừng, chó sủa văng vẳng. Người khác cho biết: -Đêm qua, tôi nghe tiếng chày giã gạo. Mùa gặt lúa, đôi khi dân trong làng gặp nhiều bó rơm từ giữa rừng trôi xuống. Ai nấy đều đồng ý nhau ở một điểm: rừng U Minh chưa hẳn hoang vắng. Vài người thử lên rừng. Đột nhiên, họ gặp vùng đất trống trải, với xóm nhà náo nhiệt. Họ vào xóm. thấy chó chạy, heo kêu, thấy cơm sôi trên bếp nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng người. Khi trở về, họ đánh dấu để chuyến sau trở lại xem kỹ hơn. Nhưng hỡi ôi, những kẻ tò mò ấy mang bệnh nóng lạnh nhức đầu. Và khi tìm cách trở lại chốn cũ thì họ lạc hướng, gặp toàn là lau sậy, ao sen và cây cối thưa thớt. Phải chăng rừng U Minh là nơi cư ngụ của những người khuất mặt? Họ là ai? Mãi đến hôm nọ, một thằng bé giữ chim mùa lúa chín, ban đêm ngủ trong chòi thế mà mất tích vô cớ. Vài người suy luận: -Chắc là nó bị rắn cắn, hoặc vào rừng bị cọp cõng mất xác. Nhưng vài năm sau, thằng bé trở về xóm, thuật lại rằng phen đó có ông lão nọ tới chòi, rủ nó vô rừng, gả con gái cho. Vợ chồng sống êm ấm, sinh được đứa con trai. Một hôm, lúc mẹ đi vắng, đứa con khóc. Người chồng dỗ con: -Nín đi, mẹ mầy đi chợ mua bánh về, Người vợ về thấy đứa con khóc, hỏi sự tình thì biết rằng chồng đã nói dối con. Bởi vậy người chồng bị đuổi ra khỏi xóm vì tội nói dối. Khi về xóm, thằng bé năm xưa buồn rầu, nhớ vợ nhớ con nhưng không tài nào tìm được vị trí cũ. Nghe nó thuật lại, ai nấy phì cười, cho rằng nó bị ma bắt, đem giấu giữa rừng nên bị cuồng trí nói bậy bạ vậy thôi. Nhưng đêm nọ, trăng sáng mờ mờ, người trong xóm nghe tiếng ồn ào dưới sông. Đó là những đoàn xuồng tản cư, chở theo nào đàn bà, trẻ con, gà vịt. Hỏi thì họ trả lời: -Bọn tôi ở riêng một cõi, ghét những người nói dối. Mới đây, nhiều người ở xa tới, hứa tha tội cho một người ngay thẳng, vậy mà khi người đó đầu hàng thì bọn người bất lương đó lại giết. Bọn nó gần tới đây rồi. Bởi vậy, bọn tôi đi xa. Hỏi thêm thì những người tản cư cho biết: -Đi về trên đỉnh núi cao lắm, ở tận trên trời. Từ đó về sau, phía rừng U Minh im bặt tiếng gà gáy, chó sủa. Người đời sau nhắc đến chuyện cũ, gọi đó là những người khuất mặt ở rừng U Minh. Những người này oán ghét thực dân Pháp, vì thực dân đã giết liệt sĩ Nguyễn Trung Trực khi ông này ra hàng, để cứu đám dân vô tội bị bắt làm con tin. |
Friday, March 21, 2014
Chuyện Xưa Tích Cũ - NGƯỜI KHUẤT MẶT Ở RỪNG U MINH
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment