Hỏi: Chúng ta nên chuẩn bị như thế nào cho giây phút cận tử?
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TTGiác Đẳng: Chúng tôi xin một ít giây phút để nói về những giờ phút sau cùng của chúng ta. Có thể qúi Phật tử thường nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta là một sự cộng trừ nhân chia, nếu muốn đánh giá một người nào thì phải đánh giá toàn diện đời sống của họ chứ mình không thể nói một giai đoạn được hay một lúc được. Tuy vậy theo trong kinh Phật thì nghiệp báo có những giai đoạn đặc biệt quan trọng hơn những giai đoạn khác, trong những giây phút sau cùng gọi là cận tử nghiệp, giây phút lâm chung nó lại là một nhịp cầu để tiếp nối cho đời sống kế tiếp, nếu chúng ta rời bỏ thế giới này trong tâm từ buồn bã hối tiếc sân hận thì tâm tái sanh sẽ như vậy, nếu chúng ta rời bỏ thế giới này bằng tâm tư trong sạch tốt đẹp thì nó ảnh hưởng đến chúng ta một cách khác.
Ngài Bhuddaghosa ví dụ trong cuốn Thanh Tịnh Đạo: một chuồng chứa đầy bò khi mở cửa thì con bò nằm gần cửa nhất sẽ đi ra trước nhất. Một người hiểu đạo thường trong giây phút lâm chung đa phần là người ta thường có được sự hộ niệm, có sự trợ duyên để giữ được tâm trong sạch, ở giờ phút đó khi đối diện với cái chết những trạng thái thường đến với chúng ta là sự sợ hãi phải đối diện với tử thần hay là sự tiếc nuối tài sản hay quyến luyến con cái, hoặc giả chúng ta buồn bực bởi vì việc đó người ta không làm theo ý mình v.v…. thì phải nói rằng trong cơn bịnh hoạn, trong lúc chúng ta sắp chết thường là chúng ta rời bỏ thế giới này sau một lúc vật vã với bịnh hoạn của cơ thể lúc bấy giờ tâm tư của chúng ta thường rối loạn, có khi sợ hãi, có khi rất phiền muộn.
Nếu qúy Phật tử thường xuyên đi hộ niệm, thường xuyên chứng kiến những người trong giờ phút lâm chung thì chúng ta phải đi đến một kết luận rằng đa số những người rời bỏ thế giới này tâm tư của họ ít nhẹ nhàng trong sáng bởi vì lý do rất đơn giản là ai đối diện với các chết cũng run sợ và thường thường tiếc nuối cuộc sống của mình, có những người ái luyến đối với vợ, con, tài sản v.v…
Vì vậy một người tu Phật luôn luôn phải nhớ rằng những gì chúng ta có được để thu thập trong đời sống không quan trọng bằng những gì mà chúng ta có thể bỏ lại để ra đi, chúng ta càng bỏ nhiều thì tâm tư càng nhẹ nhàng và chỉ có người hiểu đạo thì giờ phút đó không chất chứa câu chấp vào những gì mình có, bởi vì đặc biệt là chúng ta rất ít khi trong giờ phút đối diện với cái chết kề mà tâm tư nhẹ nhàng được trong sáng.
Thì chính vì điểm này chúng ta lại tìm tới truyền thống mà mà ngay cả thời Đức Phật là một người họ cảm thấy trong người mình không còn đủ sức sống nữa họ hay thường nhờ người nhà đến để đảnh lễ Đức Phật và Chư Tăng để mong các Ngài vì lòng bi mẫn quan lâm hộ niệm. Như trường hợp ông Cấp Cô Độc thỉnh được Ngài Xá Lợi Phất đến thuyết pháp, về sau này chúng ta thấy có ghi trong Trung Bộ Kinh là bài Giáo Giới Cấp Cô Độc. Ở trong trường hợp này các vị tỳ khưu không thuyết pháp nhưng các Ngài đã tụng kinh hộ niệm bài kinh Tứ Niệm Xứ, một bài kinh mà chúng ta thường thấy trong Trung Bộ Kinh hoặc bài Đại Niệm Xứ trong Trường Bộ Kinh. Thì việc tụng niệm như vậy đã được ghi nhận từ thời Đức Phật còn tại thế, và việc tụng niệm rất đơn giản. Ngày hôm nay tại các quốc gia Phật Gíao Nam Tông, Chư Tăng vẫn còn duy trì việc tụng niệm này trong hình thức tương đối rất giản dị. Thí dụ như một người sắp lâm chung thì Chư Tăng đến bên giường người bịnh để tụng một bài kinh nói về vô thường, khổ não, vô ngã, một bài kinh nói về Phật Pháp Tăng, bài kinh nói về sự tu tập, bài kinh có khi dài khi ngắn tùy theo vị trưởng lão hướng dẫn kinh. Nhưng phần lớn người ta xem việc hộ niệm là quan trọng và nếu trong đời mình trong giây phút lâm chung có người hộ niệm tụng kinh hay thuyết pháp cho mình nghe thì đó cũng là một duyên may rất lớn, nên giây phút cận tử rất quan trọng đối với đời sống của chúng ta.
Chúng ta hãy hoan hỷ làm điều thiện, biết điều thiện mà không học tính hoan hỷ của điều thiện, đôi lúc chúng ta không thâm nhập được điều thiện, hoan hỷ là một đức tính rất lợi ích trong đời sống của chúng ta.
Bởi vậy Đức Phật Ngài dậy rằng thiện phải có đặc tính là vô tham, vô sân, và vô si. Vô tham đặc tính là không dính mắc, vô sân là đặc tính mát mẻ, vô si là đặc tính sáng suốt, 3 đặc tính thiện pháp này được xem là đặc tính của trong sạch, một người làm thiện thì ngay trong giờ phút đó do sự trong sạch của tâm, tâm tư họ được an lạc và sau này họ cũng được an lạc, đặc biệt là nhớ nghĩ về thiện pháp của mình thì trong lòng còn hân hoan an lạc bội phần, niềm an lạc thì lớn hơn rất nhiều. Nhưng muốn được như vậy thì người đó phải làm thiện và chẵng những làm thiện mà còn thấy được giá trị của điều thiện và chẳng những thấy được giá trị của điều thiện mà còn biết vui với điều thiện. Những điều này đặc biệt có khả năng cứu giúp chúng ta trong lúc đối diện với cái chết, trong lúc chúng ta sắp sửa rời bỏ thế giới này. Có những khi chúng ta không thể trông cậy vào một ai khác mà mình phải tự cứu lấy chính mình.
Qúy vị nhớ rằng khi chúng ta đi học ở trong trường tâm tư của chúng ta càng ưa thích việc học, càng hoan hỷ với sự học thì chúng ta học nhanh, việc đó không ai giúp mình hết, tự mình phải giúp mình thôi. Có những người ở trong hôn nhân không thành công được là vì họ có một cuộc sống hôn nhân rất mệt mỏi họ không thấy một sinh thú nào trong đời sống hôn nhân. Có những người trong việc làm họ không tìm thấy sự phấn chấn nào, một sự hưng phấn nào hết mà họ chỉ thấy rằng kéo dài lê lết năm dài tháng rộng. Có những người cả cuộc đời này chỉ là gánh nặng, mặc dù ở cuối cuộc đời họ có nuối tiếc, có cố gắng nắm giữ cuộc sống này, nhưng họ không có gì để thăng hoa đời sống của họ để làm cho nội tâm được thư thái. Đức Phật dậy rằng nếu chúng ta khéo thì mỗi thiện nghiệp đó giúp cho chúng ta, có chất liệu, có sức mạnh nâng cao được trình độ tâm linh nâng cao được niềm hoan hỷ, niềm tịnh tín và nhờ như vậy chúng ta có một cảnh giới an lạc ở trong đời tiếp nối của chúng ta.
No comments:
Post a Comment