Hỏi: So sánh thực phẩm thích hợp hay chế độ ẩm thực kham khổ thì điều nào thích hợp cho hành giả tu tập?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên và tóm tắt)
TT Pháp Đăng: Trong câu hỏi này, nếu người có học A Tỳ Đàm thì sẽ thấy được "thiệt thức thọ xả sanh quả thiện, thiệt thức phi thọ xả sanh quả bất thiện". Một người đi khất thực được thực phẩm ăn vừa lòng khả ý thì do phước của kiếp trước, còn người đi khất thực không được vật thực hoặc được vật thực mà không vừa lòng mình là do quả bất thiện từ kiếp trước.
Trong kinh Pháp Cú, câu chuyện kể về Trưởng Lão Anuruddha là người thoát khỏi tham dục không màn về lợi dưỡng, là người có phước nên được Chư Thiên và nhân loại cúng dường những thực phẩm rất nhiều sau khi chư tỳ kheo ăn xong vẫn còn rất nhiều, những vị tỳ kheo nghĩ rằng Trưởng Lão Anuruddha muốn phô trương thân thuộc và thí chủ của mình! Đức Phật Ngài mới dạy rằng vì Chư Thiên và nhân loại tri ơn Ngài Anuruddha nên họ cúng dường như vậy.
Như vậy, nhiều khi chúng ta thấy là một vị Tỳ Kheo đi khất thực được những vật thực vừa lòng khả ý thì theo Phật Pháp họ là người có phước. Còn những vị Tỳ Kheo không có phước thì họ ăn những vật thực không vừa lòng mình
Còn nói theo quan kiến con người thì nhiều khi người ta suy nghĩ mình ăn kham khổ mới là người tu, nhưng cũng có nhiều người họ nghĩ rằng mình ăn uống thoải mái thì dễ tu hơn. Thì đó chỉ là quan kiến thôi.
Đức Phật thì Ngài không dạy như vậy. Ngài nói người không có phước thì quả trổ sanh cho người đó quả không tốt, người gieo nhân tốt thì quả trổ sanh tốt, Ngài nói theo chánh pháp. Thì Ngài dạy rằng vị tỳ khưu ăn uống sao cho vừa chừng để mình khỏe. Chúng ta thấy, Đức Phật trong thời gian sáu năm tu khổ hạnh, Ngài chỉ dùng chút ít vật thực, mỗi lần chỉ một chút thôi, một ít nước đậu xanh hay rau cỏ, hay đậu đỏ, hay đậu trắng thì thân thể trở nên cực kỳ gầy yếu. Vì thiếu vật thực, những bộ phận lớn và nhỏ trong thân ốm gầy không khác nào những cọng cỏ ống. Sau đó, Ngài thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia đã từ bỏ lối sống lợi dưỡng, chỉ làm chậm trễ tiến bộ khoa học, và Ngài chọn con đường "Trung Đạo" mà sau sẽ trở thành một trong những đặc điểm của Giáo Lý Ngài. Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề Ngài ăn cơm với sữa đề hồ đủ dinh dưỡng và Ngài đã chứng đắc đạo quả Giác Ngộ.
Thì chúng ta thấy, Đức Phật Ngài dạy một người muốn chứng đắc đạo quả thì phải có trú xứ thích hợp, vật thực thích hợp, còn một người ăn uống không phù hợp thì khó chứng đắc đạo quả. Như trong một câu chuyện kinh Pháp Cú khác: Lão bà ở một làng an cư lạc nghiệp tên Màtika, thấy sáu mươi Tỳ Kheo tu tập thiền quán mà ăn uống vật thực không thích hợp nên tu tập không đắt được cận định. Bà biết được nên đã hộ trì Chư Tăng dâng cúng cháo đặc nấu thật ngon với gia vị chọn lọc trong ba tháng thì các vị Tỳ Kheo đắc đạo quả Alahan.
Nhìn vào những câu chuyện này thì chúng ta thấy muốn khỏe thì ăn như thế nào vừa đủ hay vừa chừng. Còn người ăn uống kham khổ hạn chế thì không có sức khỏe. Một người tu tập thiền có sức khỏe thì ngồi thiền tốt hoặc đi kinh hành tốt còn nguời ăn uống kham khổ quá không đủ sức khỏe ngồi thiền cũng không tốt và đi kinh hành cũng không tốt, vị đó khó định tỉnh được. Nên người ăn uống vừa chừng cảm thọ lạc thân khinh an hỉ sanh định tỉnh rồi tri kiến sanh. Ăn uống kham khổ quá thì đói khát hoằng hành thì khó mà thành đạo quả
Có lần chúng tôi đi tu tập bên Miến Điện. Buổi sáng mình ăn cũng vừa chừng rồi đi xếp hàng đi bát đến 10:30 là đói run luôn. Thì thật sự đói như vậy mình ngồi kham nhẫn cái đói không thể nào đi kinh hành, mình cũng không tập trung chánh niệm được. Còn bữa nào ăn uống tương đối vừa no thì khi đi kinh hành hay tới chiều đi kinh hành hay ngồi thiền được. Ăn uống mà thiếu thốn thì đói kinh khủng lắm nhất là cái người hành thiền mà đi đứng nằm ngồi không tu tập được
Như ngoài đời, có nhiều người vì sợ mập, muốn giữ eo nên ăn uống kiêng kem thiếu thốn đến khi vào sở làm việc vì ăn uống thiếu nên cơ thể yếu rồi bị xỉu, không làm được việc
Do vậy, phải biết vừa chừng, tự bản thân mình biết vừa chừng để có đủ sức tu tập. Người ta đặt để ra nhiều điều, nhưng mình phải biết tự bản thân mình, khi bước vào thực hành mới thấy được sức mình. Ăn uống sao cơ thể mình không bịnh hoạn là tốt./.
No comments:
Post a Comment