Hỏi: Một vị tỳ kheo đi khất thực có qui định thời gian đi và về không? và vật thực gì mình nhận được vật gì không nhận được?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 18-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 18-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TTTuệ Siêu: Đi khất thực là việc các vị tỳ kheo làm để nuôi mạng, chúng ta phải biết rằng bậc xuất gia nuôi sống bằng hạnh khất thực, đó là hạnh của Chư Phật, Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai các Ngài đều nuôi mạng bằng hạnh khất thực và được xem như là chánh mạng của vị tỳ kheo.
Nhưng ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng hạnh nuôi mạng của Chư Phật của chư vị A la hán thì hạnh khất thực đó phải được thực hiện đúng đắn. Ngày nay, chúng ta biết ở Việt Nam có rất nhiều người lợi dụng hạnh khất thực của bậc Samôn chân chính, họ cũng đắp y mang bát đi khất thực trên đường phố. Có đôi khi chúng ta bắt gặp những người giả mạo đi khất thực có những hành vi cử chỉ như mắt láo liên tay cầm chuỗi hạt vừa đi khất thực vừa lần chuỗi hạt tạo ra vẻ một người đang tu tập v.v...Điều đó làm mất đi hình thức nghiêm trang tốt đẹp chánh mạng của Chư Phật.
Trong câu hỏi: Một vị tỳ kheo đi khất thực có qui định thời gian đi và về không? và vật thực gì mình nhận được vật gì không nhận được?
Ở đây chúng tôi trả lời tổng quát. Theo luật thì vị tỳ kheo đi khất thực, trước nhất vị này nhận vật thực vừa phải, vật thực người ta cúng dường trong bát không nên nhận quá vun tràn (quá đầy) không thể đậy nắp bát lại được - đó là điều không nên. Vị tỳ kheo đi khất thực khi nhận thấy vừa đủ để đậy nắp bát được thì ngưng lại, không đi tiếp. Đó là cách luật đã quy định nói lên sự tiết độ của một vị đi khất thực.
Còn về thời gian, thì ở đây chúng ta hiểu rằng Đức Phật đã quy định các vị tỳ kheo chỉ ăn một ngày một buổi vào buổi sáng gọi là "thời thọ thực". Còn bắt đầu mặt trời đứng bóng cho đến sáng ngày hôm sau, một đêm và nửa ngày buổi chiều được xem là "phi thời thọ thực". Cho nên thời đi khất thực chỉ là buổi sáng khi mặt trời mọc cho đến gần trưa trừ giờ ăn ra thì phải đi thật sớm không nên để quá ngọ. Đó là cách quy định chúng ta gọi là đi khất thực theo thời gian.
Lại nữa, khi đi khất thực có quy định về những vật được thọ nhận và không được thọ nhận. Thời Đức Phật tại thế, vấn đề để tiền bạc trong phong bì không phải là vật để khất thực. Cho nên, hạnh khất thực thời xưa là không thọ nhận tiền bạc. Thậm chí, những thức ăn nào còn sống, thí dụ như gạo chưa nấu thành cơm hoặc các vật thực sống những vật nào khi đi khất thực đem về mà còn phải nấu thì không nên nhận. Bởi vì đời sống của các vị tỳ kheo hồi xưa là du phương, các vị không ở yên một chỗ hay ở chùa có bếp núc hay có người hộ tăng cho nên đi khất thực nếu thọ nhận gạo, đậu, hoặc rau củ còn sống thì không có chỗ để nấu do đó luật quy định là không nên thọ những thực phẩm còn trong tình trạng chưa nấu chín, đó là chúng ta phải chú ý.
Ba điều mà chúng tôi vừa trình bày nằm trong câu hỏi vừa nêu, chúng tôi cũng còn phải nói thêm một điều nữa.
Trong cung cách đi khất thực, bài kinh Khất Thực Thanh Tịnh thuộc Trung Bộ Kinh, Tôn giả Sariputta được Đức Phật giảng giải về hành trạng của một vị tỳ kheo khi đi khất thực, không phải là đi khất thực mà nói là đi tìm vật thực để nuôi mạng rồi tâm vị đó mong ngóng tìm kiếm nhà nào để thức ăn ngon nhà nào họ chịu cúng dường đi bát nhiều - không phải như vậy. Lúc bấy giờ vị tỳ kheo đi khất thực, từ khi bước đi thì vị tỳ kheo an trú trong sự an trú không tánh, hoặc quán xét về thân ngũ uẩn, hay là quán xét về thập nhị xứ, thập bát giới, hoặc quán xét trường hợp phiền não nào mình chưa đoạn trừ cần phải được đoạn trừ, hoặc là quán xét Pháp tức là vị này phải vừa đi vừa an trú Pháp suy niệm Pháp. Từ khi đi cho đến khi trên đường trở về vị tỳ kheo đều suy nghĩ về Pháp an trú trong Pháp.
Thậm chí, có những vị như là Ngài Subhūti trong lúc đi khất thực Ngài nhập thiền, nhập Từ Bi Quán hay nhập Thiền Không Tánh thì như vậy để cho những người cư sĩ họ cúng dường thì họ sẽ tăng được phước báu. Chúng tôi nói thêm phần này bởi vì trong chư tăng chúng ta thỉnh thoảng có lễ hội khất thực thì chúng ta nên đi khất thực như vậy, ôm bát đi chung quanh chùa để cho Phật tử họ để bát, lúc bấy giờ những vị tỳ kheo nên suy niệm một câu Phật ngôn chẳng hạn như:
Aniccā vata saṅkhārā, uppādavayadhammino. Uppajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho - Các pháp hữu vi các hành là vô thường tự tánh sanh diệt, có sanh ắt có diệt, tịch tịnh pháp ấy là an lạc.
Vừa đi vừa suy niệm như thế hoặc những câu Phật ngôn khác đại loại là như vậy. Đừng để tâm ở không, nhất là trong luật nói rằng vị tỳ kheo đi khất thực không nên để tâm trống rỗng rồi nhìn ngó mặc cho người cư sĩ cúng dường hoặc là không nên để ý vật thực này tốt hay xấu, ngon hay dở v.v... mà vị này chuyên tâm an trú Pháp, vật thực nhận được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, nhiều ăn theo nhiều, ít ăn ít, ngon ăn ngon, dở ăn theo dở chứ không để ý.
Ngài Mahā Kassapa đi khất thực gặp người bịnh cùi trong khi đang vụng về để thức ăn vào trong bát của Ngài Kassapa người ấy làm rớt một ngón tay lở lói lọt vào trong bát, lúc đó Ngài Kassapa thản nhiên như Ngài không để ý, đến khi trên đường khất thực trở về đến một chân tường thành ngồi xuống thì Ngài điềm nhiên gắp ngón tay đó ra khỏi bát rồi Ngài trộn vật thực lên và ăn bình thường.
Thì ở đây, hạnh khất thực của Chư Phật của các vị Samon chân chánh là làm như thế nào để hạnh khất thực đó trở thành chánh mạng. Chứ đừng nghĩ rằng chánh mạng thanh tịnh giới là hạnh khất thực rồi mình đi khất thực giống như là kẻ cùng đinh khất cán họ lợi dụng hình thức này rồi đi tìm thức ăn để sinh sống bằng cái nghề khất thực thì đó cũng là tà mạng.
Đây là một vài điểm chúng tôi xin chia sẻ với đại chúng qua câu hỏi trên.
No comments:
Post a Comment