Hỏi: Phải chăng Đạo Phật nói đến chiều rộng,nói đến pháp học thì có rất nhiều kinh điển, có rất nhiều lãnh vực để chúng ta tìm hiểu quan trọng hơn là pháp hành?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Ðẳng giảng : Ngày hôm nay quan niệm về giáo dục người ta thường nói nhiều về sự thu thập kiến thức, càng nhiều càng rộng thì điều đó nói lên kiến văn quảng bác và có giá trị đặc biệt. Chính vì vậy nền tân giáo dục đã nhấn mạnh rất nhiều về những bằng cấp học vị, được xem như những thành tụ để đo đạt thế nào là một người có kiến thức rộng rãi hay là kiến thức hẹp hòi. Tuy nhiên đối với Ðạo Phật chúng ta lại được biết trong quan niệm về giáo dục Đạo Phật theo một quan niệm hoàn toàn mới, và chính quan niệm này cũng đã là những nét chấm phá rất lớn của Thiền học khi đem đối chiếu với nền Phật học truyền thống của Phật Giáo Bắc truyền.
Có những vị học kinh điển rất nhiều, nhưng sự học nhiều và hiểu về kinh điển, quả thật chỉ hiểu về sơ lượt, cho đến khi người ta thật sự nếm được hương vị của giáo pháp, thật sự thiết lập đời sống của mình ở trên giáo pháp, điều này không nhất thiết phải là một vị học nhiều hiểu rộng, mà chỉ người hành pháp có thật tu thật chứng, và thật sự làm những gì mình tin tưởng thì điều đó mới mang một giá trị thật sự.
Nên trong truyền thống của Ðạo Phật, mặc dù chúng ta có những học vấn truyền thống mang tính cách trường lớp, ví dụ như những lớp học ở tại Thái Lan về Phạn ngữ, về Pháp và Luật, hay những trường tại Tây Tạng, chúng ta có chương trình 17 năm tại Garden Shatse, hoặc giả chúng ta có nhiều trường Phật học được tổ chức khắp nơi trên thế giới, trong đó phải kể rằng Nhật Bản và Nam Hàn ngày nay có một số lượng lớn các trường đại học Phật Giáo. Nhưng những trường đại học này không nói được giá trị về sự tu tập và chứng đắc của Ðạo Phật. Đây là một điểm rất lạ, tương tựa như một người đi du lịch, họ có thể đi rất nhiều nơi, và họ có thể tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau, nhưng chưa chắc họ đã thật sự hưởng thụ văn hoá nào mà ở mức độ chiều sâu của nó, trong khi có những người tuy rằng họ không đi nhiều nơi, nhưng họ có thể tiếp cận với một số người nào đó bằng tâm thái, bằng thần thái rất đặc biệt vì vậy họ cảm nhận được một cách sâu sắc. Có thể nói trường hợp này chúng ta gặp đuợc rất nhiều người, và trong cuộc đời lưu lạc có thể nói rằng họ đã 5 lần 7 lượt, từ Bắc vô Nam, rồi từ miền Nam ra nước ngoài, rồi đi định cư tại đệ tam quốc gia. Cuộc đời họ có thể tiếp xúc với rất nhiều trường hợp, nhiều cảnh huống, nhiều sự việc, nhưng chúng ta không cảm thấy rằng họ có cảm nhận sâu sắc về hoàn cảnh xảy ra chung quanh họ.
Trái lại chúng ta cũng gặp những người có một cuộc sống rất bình dị, họ lớn lên tại một miền quê hẻo lánh của một quốc gia nào đó, nhưng sự cảm nhận của họ với các sự việc chung quanh rất xâu sắc, họ có thể nói về những lời chiêm ở trong làng, họ có thể nói về cảnh trí của quan cảnh mặt trời mọc, mặt trời lặng như thế nào, và thậm trí họ có thể hiểu một cách rất sâu sắc về những người sống ở trong làng như thế nào. Thì như vậy cho chúng ta thấy rằng cái lượng và cái phẩm nó không nhất thiết là tương đương với nhau, có nhiều khi người ta chú trọng về lượng mà không chú trọng về phẩm và đặc biệt ở trong giá trị tinh thần, Ðức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng điều này là một thực chứng thực hơn bất cứ điều gì khác mà chúng ta được biết.
Ở trong sự tu tập, đôi lúc một người chỉ thọ trì một pháp tu, hay thọ trì một cảnh giới nào đó, như chúng tôi có dịp được sống gần những vị chỉ chuyên về trì luật thôi. Nếu một người nào đó trong chúng ta nghe nói ngày hôm nay mà chỉ ôm bộ luật Thiện Trí chẳng hạn, để tu tu tập thì chúng ta mường tưởng đó là một người có một cuộc sống hết sức khắc khe, tỉ mỉ, người đó chỉ sống bó gối ở trong khung trời hạn hẹp. Nhưng mà không thưa quí vị, khi chúng ta ở gần những vị đó, chúng ta mới cảm nhận được cái niềm tin, chúng ta mới cảm nhận được sự lãnh hội, chúng ta mới cảm nhận được sự xâu sắc của một người thọ trì về luật..
Dĩ nhiên chúng ta không thể có cái gì đó để có thể đo đạt khả năng sâu sắc của một người đã tiếp xúc thật sự với lời dạy chân thật của Ðức Phật như thế nào, nhưng chúng ta có thể thấy rõ rằng có những người học rất nhiều, có những người hiểu rất rộng, nhưng người đó lại không nếm được hương vị của chính pháp, đối với người này thì chính pháp chỉ là gánh nặng, đối với những người này thì chính pháp là khu vườn lớn mà họ phải bỏ ra quá nhiều thì giờ để mà bảo trì, thậm trí Ðức Phật Ngài dùng hình ảnh giống như người mục đồng chăn bò cho người khác, dĩ nhiên đàn bò càng lớn thì mình chăn càng cực khổ, tuy nhiên dù cực khổ đến đâu thì mình chỉ chăn bò cho người khác, chứ bản thân của mình lại không hưởng được bao nhiêu.
Nên chi, khi chúng tôi nói đến quan niệm giá trị của Ðạo Phật, thì phải nói rằng có rất nhiều điểm làm cho con người phải ngạc nhiên, không may rằng trong việc canh tân Ðạo Phật, trong việc chúng ta nói đem Ðạo Phật vào trong cuộc đời ngày hôm nay, thì càng lúc người ta càng chú trọng đến bằng cấp, đến học vị và những chương trình học Phật mang tính cách trường lớp, thật ra thì điều này nó vẫn có giá trị nhất định của những thứ này, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng lấy làm buồn mà thấy rằng khi người ta quá chú trọng đến trường lớp, thì người ta quên rằng Phật Pháp là một cái gì mà có thể cảm nhận một cách sâu sắc, không những cảm nhận một cách sâu sắc mà còn sống với điều đó nữa.
Do vậy chúng ta phải đặt trở lại vấn đề rằng ở trong Đạo Phật nếu chúng ta nghĩ đến chiều rộng, nghĩ đến pháp học thì phải nói rằng có rất nhiều kinh điển, có rất nhiều lãnh vực để chúng ta tìm hiểu. Nhưng bên cạnh đó chúng ta đừng quên rằng có những pháp hành, ví dụ như một người thọ bát quan trai, một đêm hành trì đầu đà, hay một khoá thiền hay những giờ giấc tụng kinh, niệm Phật, hoặc giả có cái gì đó khiến chúng ta gắng bó với đạo, chúng ta sống gần với đạo và chúng ta thật sự thể hiện được đạo bằng chính cuộc sống của mình, thì những lúc đó mới là lúc thật sự sống với những gì mình tin tưởng hơn là chỉ một niềm tin ở bên ngoài. Và quan niệm này đã khiến cho Đức Phật mở ra một chân trời mới, ở trong chân trời mới này Đức Phật Ngài đã cho phép nhiều người từ nhiều tầng lớp khác nhau ở trong xã hội để trở thành những vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, và có thể những vị cư sĩ, những nam cư sĩ, nữ cư sĩ hành trì mà không có phân biệt nhiều về giai cấp, về địa vị học vấn của họ.
No comments:
Post a Comment