NGƯỜI HÓA THÀNH CHIM
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình
Thuở xưa, Lạng Sơn là miền rừng thiêng nước độc, làm chỗ đi đày những người trọng tội. Các người lính thú được đổi đến Lạng Sơn, đóng ở Đồng Đăng hay Kỳ Lừa cũng đều chịu lấy cảnh khổ như người đi đày: giặc Tàu thường tràn sang quấy nhiễu giết hại nhiều người, lại thêm nỗi xa gia đình, người thân thích, không bị giết thì cũng bị rừng thiêng nước độc hay cái buồn làm héo hắt lòng người.
Thuở đó có người lính thú họ Trần, từ miền xuôi đổi đến một đồn canh ở Lạng Sơn. Đồn thú ở đó bốn năm ròng rã, người lính thú vẫn chưa được phép về thăm nhà lần nào.
Một đêm nọ, đến phiên anh gác từ canh hai đến canh tư trước cửa tiền. Tính anh vừa trầm ngâm suy nghĩ như một triết gia. Lâu nay anh tự hỏi: -Tại sao con có, con gà trống, con cóc, cây cao, cây móc trời sanh ra như thế kia?
-Tại sao con chó có răng mà không ăn được lúa? Tại sao con gà không có răng lại ăn được lúa? Tại sao con ba ba ở dưới nước lại lên đất mà đẻ trứng? Tại sao cây móc cùng giống với cây cao, cây móc có hoa ở giữa thân cây, còn cây cau thì lại có hoa ở đầu ngọn?
Bao nhiêu câu hỏi ấy cứ dồn dập hiện ra trong trí, anh họ Trần vẫn không tìm được câu giải đáp nào. Trong lúc đó ở trong dinh, viên quan hộ thành lại trằn trọc mãi không ngủ được. Ông lắng nghe bên ngoài, tiếng trống cầm canh, ở ba mặt thành thì đều đều. Chỉ có mặt tiền thì im lìm không nghe tiếng trống. Mấy ngày rày có tin mật báo một bọn cướp đang từ bên Tàu kéo sang, chúng nó có thể thừa đêm tối đột nhập vào thành để cướp của. Nếu bốn mặt thành không canh tuần nghiêm ngặt, thì tai họa cho dân chúng chẳng vừa.
Nghĩ như vậy, viên quan rất lấy làm lo ngại, mới gọi một tên lính hầu theo mình đi quan sát bốn cửa thành. Ba cửa tả hữu, hậu đều được canh tuần rất nghiêm, chừng đến cửa tiền thì đâu đó lại im phăng phắc. Sanh nghi, viên quan bước lại gần, thấy anh lính họ Trần đang ngồi mơ mộng, cây súng gác để sau lưng không buồn ngó tới. Viên quan hộ thành đi tới gần, anh họ Trần cũng chẳng hay biết chi. Thừa lúc anh chìm đắm trong sự suy tư, viên quan lấy ngay cây súng đem về dinh rồi sai viên đội đến hỏi. Bấy giờ anh họ Trần mới giật mình tìm cây súng thì cây súng đã biến mất rồi.
Hiểu rằng, canh gác mà làm mất súng thì phải án tử hình, anh họ Trần liền theo viên đội vào hầu quan để xin tha tội.
Viên quan lạnh lùng bảo: -Canh gác mà ơ hờ như vậy, rủi quân cướp đến đây thì sao? Biết bao tính mạng ở trong tay nhà ngươi, vậy mà ngươi nỡ xem thường thiết tưởng có chết cũng đáng đời.
Anh họ Trần kêu van: -Con đáng tội chết thật, song quan cho con phân tỏ đôi lời, rồi có chết con cũng cam đành.
Viên quan bảo: -Thì ngươi cứ phân giải đi.
Anh họ Trần nói: -Con có nhiều điều không thể cắt nghĩa được. Tỷ dụ tại sao con chó có răng mà không ăn được lúa? Tại sao con gà không có răng lại ăn được lúa? Tại sao con ba ba ở dưới nước lại lên đất mà đẻ trứng? Còn con cóc ở trên đất lại xuống nước mà đẻ trứng? Tại sao cây móc cùng giống với cây cau, cây móc có hoa ở giữa thân cây, còn cây cau lại trổ hoa ở đầu ngọn. Bao nhiêu chuyện trái ngược này xin quan làm ơn cắt nghĩa dùm, nếu quan cắt nghĩa được, con dầu có chết, lòng cũng không còn ấm ức.
Viên quan suy nghĩ nát óc cũng không làm sao cắt nghĩa được những hiện tượng mà Tạo hóa đã an bài. Nhưng không lẽ nói thật với anh họ Trần chẳng hóa ra mình cũng dốt như anh ta? Nên đành bảo giam anh ta lại để chờ mình suy nghĩ.
Ngày tháng trôi qua, một hôm viên quan có lệnh đổi về Hà Nội. Thời kỳ này, các nhà truyền giáo Tây phương lần lượt đến Hà Nội khá đông, gặp một linh mục, viên quan bèn đem những hiện tượng trái ngược nhau ra hỏi. Vị linh mục vốn là một nhà vạn vật học nên trả lời rất rành mạch, như vầy: -Chó thuộc loài ăn thịt, nên Tạo hóa sanh ra có hàm răng cứng và bén để nhai xé mồi. Gà chỉ có mỏ mà không có răng, song có nhiều dung dịch (nước miếng) để thấm cho mềm những hột cứng như hột lúa, rồi mề gà như một cối xay làm nhuyễn các vật cứng thành ra chất bột. Con ba ba mặc dầu sống dưới nước, song thở bằng hai lá phổi có bọc không khí, cho nên thỉnh thoảng ba ba phải trồi lên mặt nước để hít thở khí trời. Khi hai lá phổi đầy không khí rồi, nó có thể lặn xuống nước như thường. Ba ba con cũng có bộ phận hô hấp như thế, nên con cái phải lên đẻ trên đất, để khi nở ra hít thở khí trời cho chóng lớn rồi mới xuống nước.
Con cóc là giống vật thở bằng phổi như con rùa, song con là loài nòng nọc thì thở bằng mang nên nòng nọc chỉ có thể sống dưới nước, nhưng đến lúc trưởng thành thì rụng đuôi và biến dạng, phổi thành hình, nòng nọc hóa thành cóc mà nhảy lên bờ. Vì thế mà ta thấy cóc đẻ dưới nước, ba ba lại đẻ trên mặt đất để bảo tồn nòi giống.
Riêng cây móc và cây cau tuy cùng một giống nhưng Tạo hóa muốn cho hai thứ cây này sanh hoa kết quả khác nhau. Cây móc trổ hoa ở giữa thân cây, thì chỉ nở hoa một lần thôi rồi tàn rụng cũng như cây chuối chỉ có hoa kết quả một lần. Còn cây cau trổ hoa ở đầu ngọn, mỗi năm có thể nở đến hai buồng cau, và kế tiếp trổ hoa kết trái nhiều lần.
Như khám phá được những điều bí mật nhất của Tạo hóa, viên quan rất lấy làm hài lòng sung sướng, tức tốc trở về Lạng Sơn để gặp anh họ Trần đặng cắt nghĩa cho anh ta nghe.
Nhưng khi viên quan về tới nơi, thì anh họ Trần bị bệnh mà chết trước đó mấy hôm, xác anh ta được chôn cạnh bờ sông.
Anh chết nhằm giờ linh nên hóa thành chim đêm ngày cất tiếng kêu thảm thiết những lời này:
Ba ba, con cóc, buồng móc, buồng cau.
Viên quan cho rằng anh họ Trần chết oan và hồn còn vấn vương những điều thắc mắc nên hóa làm giống chim linh, bèn dựng lên một tòa miếu để thờ trên bờ sông Kỳ Cùng, đến nay vẫn còn.
No comments:
Post a Comment