Hỏi: Tất cả pháp hữu vi đều vô thường,
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Khía cạnh chúng ta đề cập đến "Vô Thường" ngày hôm nay không trực tiếp nói về sự vô thường, mà nói về ảnh hưởng của tôn giáo đối với giáo lý vô thường. Hầu như mọi người sống trên trái đất này luôn luôn chống chế với một quan niệm là tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Phải! tất cả chúng ta đều sẽ già, đều sẽ bịnh, đều sẽ chết, mọi thứ đều sẽ thay đổi, tất cả những gì chúng ta đang có, dù đẹp, dù xấu, dù hay, dù dở rồi sẽ đi vào dĩ vãng, chúng ta sẽ biến mất trên cuộc đời này, cuộc đời không bỏ chúng ta, chúng ta cũng bỏ cuộc đời. Như vậy, tất cả chúng ta với một ít trí khôn để hiểu rằng "Tất cả sẽ đi qua".
Chính về điểm này, các tôn giáo thường đưa ra một luận điểm là làm sao biến đổi "Vô Thường". Nói về một cái gì trường cửu, vĩnh hằng, nói về một cảnh cực lạc, một thiên đàng, một cứu cánh giải thoát nào đó mãi mãi ở trên đó con người trẻ hoài không già, khoẻ hoài không bịnh, sống hoài không chết. Điều dễ sợ nhất là lý tưởng mà chúng ta tôn thờ, cái đẹp chúng ta mong mỏi.
Nếu có một người nhìn chúng ta như Đức Phật đã nhìn bảo rằng: "Tất cả thứ đó đều sẽ vô thường." Thì chỉ chừng đó cũng làm cho chúng ta thấy khó lãnh hội, khó đón nhận.
Bài pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn tại vườn Lộc Giả, Ngài hỏi các tỳ kheo:
"Này các tỳ kheo, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường."
"Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường."
"Cái gì vô thường thì cái đó khổ hay vui"
"Bạch Đức Thế Tôn, cái gì vô thường là khổ."
"Cái gì vô thường là khổ, có sự biến đổi trong vô thường thì có nên cho rằng đó là 'của ta' 'đó là tự ngã của ta' 'đó là ta' chăng?"
"Bạch Đức Thế Tôn, chẳng nên."
Đó là một trong những lời dạy ngay buổi sơ thời trong kinh Vô Ngã Tướng mà ngày thứ hai, thứ ba sau khi Đức Thế Tôn đặt chân đến vườn Lộc Giả, Ngài đã giảng sau bài kinh Chuyển Pháp Luân.
Thưa quí vị, ở trên phiến đá giữa hai cây Long Thọ tại Kusinara những lời thuyết sau cùng khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch, Ngài cũng đã nhìn các vị tỳ kheo mà nhắn nhủ rằng:
“Tất cả pháp hữu vi đều vô thường, các con hãy tinh tấn.”
Với vô thường là giáo lý của trí tuệ, giáo lý đánh thẳng vào sự mê chấp của cuộc sống và khai mở huệ nhãn làm cho chúng ta thấy được sự thật và không bị cuốn mắc vào sự thật. Thế nhưng, giáo lý vô thường cũng trả lại một khoảng trống mênh mông cho những người vốn muốn tìm hiểu một cái gì đó ở cõi trần gian giả hợp này. Ngay trong thời gian gần đây người ta cũng hô hào về việc thành lập một tịnh độ nhân gian, tức là ở giữa cõi đời này làm sao cho nó trở lên hoàn hảo, làm sao cho nó trở lên mỹ mãn. Về điểm này thì ngay cả những nhà Sư Phật Giáo cũng làm và cũng đưa ra một quan niệm như vậy. Có hai số quần chúng; một số quần chúng có thể đối diện với sự thật và có một số quần chúng không thể đối diện với sự thật. Số quần chúng đối diện với sự thật có thể nói rằng: "À! sự thật nó là như vậy, dù mình có thích hay không thích thì cũng chấp nhận". Nhưng có một thứ quần chúng họ không thể nghe về sự thật mà họ cần được mơn trớn, cần được khuyên nhủ, hay vẽ những bánh vẽ thật lớn để cho những người này được hưởng thụ để họ tiếp tục với niềm tin của mình, để tín đồ của một đạo giáo được đông đảo, mà người ta cho rằng điều đó là điều cần thiết.
Đây là một trong những điều mà chúng ta có thể nói là mặt trái sáng sủa nhất, khó nghĩ bàn nhất của tôn giáo, đôi khi người ta nghĩ tới sự tồn tại và sự tồn tại bằng bất cứ giá nào. Khi chúng ta nói đến chuyện làm thế nào để có một số đông đi theo tạo thành một trào lưu, tạo thành một thế lực lớn của đạo giáo đông tín đồ, thì người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì, và nói bất cứ điều gì để cho những người đó thấy rằng; Ở đây là nơi họ có chứa đầy hy vọng, kể cả những hy vọng tương tựa như "xây lâu đài trong cát" mà người ta vẫn làm. Tại vì người ta quan niệm rằng ở trong sự giáo dục không phải ai cũng có thể nghe được sự thật, và chính về điểm này đã tạo thành một cái gì rất là then chốt khi chúng ta đề cập đến sự "Vô Thường" .
Sự vô thường và khả năng lãnh hội của chúng ta trong đời sống. Cứ tưởng tượng như vầy, bây giờ tín ngưỡng chúng ta đang tôn thờ, đạo giáo chúng ta đang theo đuổi, cả một bầu trời tươi đẹp chúng ta đang sống, bây giờ chúng ta phải nhìn những điều đó như là những điều "có đến thì có đi, có hiện hữu thì có vô thường", chúng ta không cam lòng, và nếu chúng ta bắt buộc phải chấp nhận thì có ai đó nói với chúng ta rằng điều đó sẽ được thay thế và thay thế cho một cái gì đó trường cửu, thay thế cho một cái gì vĩnh hằng.
Người ta đang cố gắng để vẽ ra một cõi vĩnh hằng , mặc dù chưa một người nào ở trong chúng ta thật sự biết điều đó.
Thì vấn đề của chúng ta tại đây là liệu mỗi chúng ta có khả năng để tiêu hoá những sự thật, những sự thật mà bậc đạo sư của chúng ta Đức Phật vào thuở bình minh của giáo pháp cho đến khi Ngài viên tịch Ngài đã nói và nói một cách rõ ràng chưa bao giờ có một lời nói phân hai, lời nói mập mờ hay là lời nói xét lại về chuyện đó bởi vì chuyện đó là sự thật. Nhưng chúng ta hãy nghe, hãy tập lắng nghe, nghe thật kỹ về cái nhìn của Đức Phật đối với vấn đề và so với những đạo giáo khác
Thế giới này ngày hôm nay người ta không còn ngây thơ như ngày xưa là có một thế giới vĩnh hằng nữa, tất cả chúng ta đều nhận rằng rồi một ngày nào đó ngay cả hành tinh xanh mà chúng ta đang ở đây, ngay cả Thái Dương Hệ mà chúng ta đang được biết gồm có mặt trời và những hành tinh chung quanh, tất cả đều sẽ tan biến, như những vì sao thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp, như những mảnh thiên xa mà thỉnh thoảng chúng ta được nhìn thấy qua viễn vọng kính, những vọng kính như Chandra hay Hubble cho chúng ta thấy không biết bao nhiêu thiên thể, rồi những thiên thể có thể lớn gấp triệu lần trái đất của chúng ta và lớn hơn nữa, thế nhưng rồi nó tan biến theo định luật vô thường.
Thì những gì mình thấy những gì mình biết không ai cãi rằng đó là nó sẽ mãi mãi không bao giờ bị mất, thế nhưng điều người ta tranh luận là người ta muốn nói đến điều rằng người ta muốn cái gì của quần chúng của đa số tín đồ của đại đa số vào một cái nhìn chung về một thế giới xa xăm, và những luận cứ mà người ta hay căn cứ là cái gì xảy ra sau khi chết. Chúng ta thấy rõ ràng tại sao các tôn giáo và đặc biệt là những tôn giáo mang tính quần chúng nghĩa là với số đông thường nói về kiếp sau hơn kiếp này, kiếp sau là mình chết mình sẽ sanh về đâu, mình vãng sanh vào chỗ này mình đến chỗ kia v.v…. Và khi nói về kiếp sau thì người ta thường nói đến một thế giới trường cửu một thế giới vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Tại sao người ta lại nói được điều đó? Là tại vì ở đó nó cho con người một niềm hy vọng một cái gì khác hơn cuộc đời này và do vậy bài học rất là khó nuốt hiện tại mà chúng ta phải đi qua là chúng ta có nên hay không nên tập trú vào hiện tại với những gì đổi thay những gì vô thường và ở tại đây nó là mấu chốt của bài học mà chúng ta nói, bởi vì khi mà nói đến vô thường thì chúng ta phải nói đến cái thực chất, cái gì đang hiện hữu, bởi vì chỉ có cái gì đang hiện hữu thì chúng ta mới thực sự lãnh ngộ được. “À! Nó như vậy thì nó là như vậy”, tuy nhiên chúng ta không cam lòng, chúng ta không thể chấp nhận điều đó một cách dễ dàng như là chúng ta nghĩ chúng ta thường mơ về một thế giới xa xăm mà ở trên thế giới đó con người sống là một thế giới khác.
Có một năm chúng tôi nhập hạ ở California, một người Phật tử cho chúng tôi mượn một cái trailer (mobile hôm - nhà di động) sống trong một vùng đất sa mạc rất lạnh về đêm và nóng về ban ngày và ở chung quanh đó có rất nhiều tín đồ của Seventh Day Adventist (đạo Tin Lành) và khi họ biết chúng tôi là một nhà Sư Phật giáo mặc y áo khác với mọi người và cuộc sống khác, do đó họ thường ghé ngang và chúng tôi nhớ ít nhất là có bốn lần chúng tôi được mời đến để tham dự những ngày lễ như Thanks Giving hay là một vài lễ gì đó chúng tôi không nhớ, tại các ngôi nhà thờ, thì chúng tôi cũng đi tại vì mình là một tu sĩ Phật giáo chứ không có chuyện gì hết và đến đó thì người ta phát outlet, những bơoklet (cuốn sách nhỏ) trong đó người ta in hình về một vùng địa đàng của tiên nga, một ngày nào đó chúa Kytô sẽ sống lại trong khu vực này và ở đó nó là cái gì giống như một công viên rất đẹp, những hoạ sĩ phát hoạ ở trong công viên đó thì có đủ nam thanh nữ tú những người mặc áo kimono của Nhật, những người da đen mặc áo kiểu Phi Châu v.v... và người ta vẽ hình ảnh rất thanh bình, nó giống như người ở trong thành phố lớn chúng ta thường thấy, và người ta cho rằng cái thế giới đó nó vĩnh hằng, thì như vậy là một giấc mơ địa đàng, một vùng địa đàng, một cõi tịnh độ nhân gian và rõ ràng điều mà chúng tôi nhận thấy rằng nó phát sinh vốn rất nhiều người và nhiều người rất mong muốn một thế giới bình yên như vậy, một thế giới vĩnh cửu ở trên trái đất này như vậy, mặc dù với kiến thức khoa học của chúng ta ngày nay ai cũng nghĩ rằng ngay cả trái đất này ngay cả thế giới chúng ta đang sống nó có tuổi thọ nhất định của nó chứ nó không thể nào mãi mãi được.
Vấn đề tại đây là quan niệm về cái nhìn của đạo giáo là hễ chúng sanh nào có khả năng thấy được sự thật thì nên nói cho họ nghe về sự thật và những chúng sanh nào không có khả năng đón nhận sự thật nghe về sự thật thì nên phương tiện mà bàn vẽ những điều mà chúng ta gọi là cái gì đó để giữ lại niềm tin của họ để trưởng dưỡng được sự ưa thích của những người có lòng thành tín sự khát vọng của họ.
Chúng tôi đã nói đến hai thông điệp của Đức Thế Tôn khi Ngài vừa mới thành đạo Chuyển Pháp Luân những ngày đầu tại vườn Lộc Giả và thông điệp cuối cùng tại Kusinara khi Ngài sắp viên tịch, hai thông điệp đó đều nhất quán đều có cái nhìn giống nhau và Ngài đã mang 40 năm cuộc đời một bài học rất thật rất trực tiếp rất rõ ràng về những gì mà Ngài muốn nói:
"Này các tỳ kheo, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường." và
“Tất cả pháp hữu vi đều vô thường, các con hãy tinh tấn.”
No comments:
Post a Comment