Hỏi: Sự phê phán, chỉ trích có giúp người ta trong sự sáng tạo không?
(câu hỏi trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TTGiác Đẳng: Chúng ta nói ở đây về thái độ phê phán hay tìm lỗi người, chúng ta cũng phải nhận thêm một sự việc một người tu tập ở trong lãnh vực tôn giáo, trong lãnh vực nội tâm, thì con người hay có thái độ phân biệt, và từ thái độ phân biệt, mặc dù có lúc họ nhân danh tình thương của thượng đế, hoặc đưa ra chân lý lẽ phải, nhưng ở trong ý nghĩa của tình thương đó, cái danh nghĩa chân lý lẽ phải đó, người ta lại ít có cảm thông, người ta ít có tìm được điểm tương đồng, người ta ít có khi tìm sự hiểu biết, thay vào đó một thái độ phê phán hết sức nặng nề, hết sức khốc liệt. Vì vậy ở tại đây một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng cuộc sống tu tập không phải một việc đơn giản, đơn giản ở chỗ tự mình hay tạo ra nội kết, hay tạo ra những ngăn ngại nào đó, chúng ta thấy rằng điều đó quả thật là điều hết sức tốt.
Cách đây khoảng bảy năm, chúng tôi có dịp được nói chuyện với một vị ký giả, ông đã viết rất nhiều tờ báo từ hồi ở Việt Nam, và sau này mới sang Hoa Kỳ, cho đến năm lúc đó ông 67 tuổi, trong một chuyến đi xe hơi, từ Houston lên Dallas gần 5 tiếng, chúng tôi được dịp ngồi chung nói chuyện với ông, vị ký giả này đã có lời tâm sự hết sức chân thành với chúng tôi rằng, trong suốt cuộc đời cầm bút của ông, ông đã phê phán rất nhiều người, từ các cấp chính quyền cho đến dân chúng, từ giới nhà tu cho đến giáo sư, từ những người lao động chân tay cho đến trí thức. Chúng tôi hỏi ông, cái cảm giác của ông như thế nào, bây giờ đã 67 tuổi rồi. Ông nói rằng, nếu ông có thể làm lại cuộc sống một lần nữa, ông nhất định không làm chuyện đó, bởi vì nếu có người nào đó đáng để phê bình thì tự bản thân mình đáng phê bình trước nhất, và ông nói rằng ở cái tuổi nào đó, ông quan niệm chuyện phê bình chỉ trích là của kẻ đứng ngoại cuộc, nhưng bây giờ lớn tuổi rồi ông hiểu rằng ông không thể đứng ngoài xã hội được, hay đứng ngoài lề của vấn đề, mà ông là một phần của vấn đề, là một kẻ sĩ ở trong thời đại, chứ không thể nói mình là kẻ ngoại cuộc được, đồng thời ông cũng nói rằng qua thái độ chỉ trích đó ông nghĩ rằng điều đó có lợi cho tờ báo, nó có lợi cho thế này thế khác, nhưng khi đã có tuổi rồi ông phải nhận rằng những lời chỉ trích đó có hại nhiều hơn có lợi về mặt xây dựng.
Điều này là ý kiến cá nhân của một con người đã làm ở trong báo giới trong một thời gian rất dài, nhưng chúng tôi chỉ nhắc ở đây như ví dụ cho thấy rằng chúng ta thường có thái độ hết sức gay gắt, nhất là những người càng trở về với điều thiện càng muốn đi xa trong sự tu tập, và cái quan niệm đây là chân lý, kia không phải chân lý, đây là đúng, đây là sai. Nhưng chúng ta làm sao để nó không dựa trên tinh thần nhân ngã, quan niệm làm thế nào để nó không tạo môi trường cho lậu hoặc sanh khởi, bởi vì trong lời khen và tiếng chê ở trong đó có gởi gấm cái thái độ lựa chọn.
Trong Đế Thích Sở Vấn, một bài kinh hết sức quan trọng, vua trời Đế Thích hỏi Đức Phật rằng tại sao người ta có chiến tranh trong thế gian này, và Đức Phật đã cho biết rằng, sở dĩ người ta có chiến tranh là bởi vì tâm ganh tỵ và bỏn xẻn, và tâm ganh tỵ bỏn xẻn nó đến từ thái độ phân biệt.
Có thể nói sự phê phán chỉ trích là một trong những thái độ hết sức nguy hiểm, nếu chúng ta không thấy được nó để đạt đến độ vừa chừng, thì thái độ đó trở thành thói quen ở trong đời sống của mình, chúng ta cứ nghĩ rằng lời chỉ trích của mình không ảnh hưởng đến ai hết, nhưng phải nói rằng nó ảnh hưởng rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến những người chung quanh, và chúng ta cũng không ngờ rằng lời chỉ trích dành cho người khác, nó là hàng rào cản cái bước tiến của chúng ta, cản sự tu tập của chúng ta, và nó là môi trường sanh ra phiền não.
Bây giờ, chúng ta đi sang một câu hỏi khác, người ta nói rằng chính nhờ sự phê phán sáng tạo ra bao nhiêu việc, nhưng chúng ta lại được ý kiến trả lời cho câu này, vấn đề đả thông, sáng suốt là do tâm tư lắng đọng, chứ không phải do thái độ chỉ trích, xưa nay thái độ chỉ trích, nhất là chỉ trích bằng thái độ nặng nề ít khi nào làm được sự việc được sáng tỏ, mà nó chỉ làm cho rối ren thêm.
Thời Đức Phật còn tại thế có thể nói rằng tương đối rất đặc biệt ở trong hội chúng của Đức Phật, thường là hội chúng của yên lặng. Những người ngoại đạo mặc dù họ không tu trong đạo tràng của Đức Phật, nhưng họ thường nói với nhau rằng : " Samôn Gotama là người tán thán sự yên lặng, và các đệ tử của người cũng vậy. " điều đó cũng nói lên đời sống Tăng Già thời Đức Phật còn tại thế cũng như người tu tập và những hội chúng chung quanh Đức Phật, thường là những hội chúng rất tịch mịch, ít có lời được phát biểu nếu không có gì cần thiết, người ta không có phê phán chỉ trích nhau. Dĩ nhiên trong những năm về sau cuộc đời của Đức Phật với sự phát triển rộng lớn của tổ chức Tăng Già, có thể có rất nhiều người vào, và hạnh kiểm của những người này không được tốt. Nhưng phải nói rằng chủng mực mà chúng ta tìm thấy trong kinh điển, Đức Phật Ngài là một người sống theo cuộc sống thanh tịnh ít có nói năng, về nhiều vấn đề.
Chúng tôi đã từng sống nhiều hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi có thể kết luận rằng, phần lớn những trường hợp giữa Chư Tăng với Chư Tăng, giữa Chư Tăng với Phật tử, giữa Phật tử với Phật tử có sự chia rẽ buồn phiền lẫn nhau nó đến từ những lời nói, đáng lẽ ra những lời nói đó không dẫn đến tình trạng như vậy. Phải nói rằng có một vị Tăng khi được hỏi rằng làm thế nào để cải thiện hiện tình Phật Giáo, vị đó đưa ra là chúng ta phải có chánh ngữ. Mới nghe nói như vậy thì không nghĩ rằng một câu nói thỏa đáng, nếu xây dựng lại thì phải nói đến chuyện làm ra tiền, nói chuyện đào tạo nhân sự, phải nói chuyện này chuyện khác, tại sao phải dùng đến chánh ngữ.
Khi được dịp ngồi xuống nói chuyện và duyệt lại cho kỹ, thì tất cả chuyện phân tán đã manh tâm, đến chuyện giữa người này phiền hà người kia, nói đến chuyện trong một cộng đồng có lời qua tiếng lại, phần lớn chúng ta thiếu chánh ngữ, một trong những cơ sở quan trọng nhất của chánh ngữ là nên nói những gì cần nói, và những cái gì vô ích, không cần thiết chúng ta cũng không nên nói, bởi vì nói như vậy chỉ có hại mà không có lợi gì hết.
Trong một lần chúng tôi nói chuyện với một vị thiền Sư người Miến Điện, Ngài có nhắc đến pháp Bát Chánh Đạo, trong đó Ngài có nói rằng những người tu tập thường quên rằng Chánh Ngữ là một trong những yếu tố hết sức cần thiết của pháp hành. Nếu một người tu tập thiền định mà không có khả năng để nói năng một cách thích hợp, thì người đó chưa đạt được Chánh Ngữ, nếu chưa đạt được chánh ngữ thì người đó khó tiến xa hơn trong sự tu tập. Bởi vì nếu không có Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, cái khó, vì lời nói được tạo nên bởi tư tưởng, nhưng mà chính lời nói cũng tạo ra ý nghĩ của chúng ta rất dễ dàng.
No comments:
Post a Comment