Vào thời Lê mạt vận, ở làng Tiên Châu huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, có một người vạm vỡ, vai u thịt bắp, mạnh khỏe ít ai bì. Nhà lại nghèo, nhưng ăn uống thì thật là khỏe, mỗi bữa ăn sạch một nồi bảy cơm mà vẫn chưa no. Vì ăn mạnh như cọp nên người ta đặt tên anh ta là Lê Như Hổ. Vì nhà nghèo nên lúc trưởng thành Lê Như Hổ phải đi ở rể tại làng Thiện Phiến. Nhà vợ chưa biết sức ăn của Như Hổ nên mỗi bữa chỉ cho ăn một nồi ba cơm. Ăn đói thành ra Như Hổ làm biếng học, lại bỏ phế cả công việc hàng ngày. Cha vợ thấy thế liền hỏi cha ruột của Như Hổ: -Trước kia tôi nghe nói con trai ông hiếu học lắm mà, vậy sao từ khi nó về nhà tôi, cứ lơ lơ lửng lửng như người ốm, cứ tìm chỗ ngủ chớ không học hành gì cả, có lạ lắm không? Vốn biết sức ăn khỏe của con, cha Như Hổ bèn hỏi sui gia: -Từ khi cháu về nhà ông, ông cho ăn uống thế nào? Ông này đáp: -Mỗi bữa một nồi ba cơm. Cha Như Hổ mới nói: -Như vậy không được, nhà tôi nghèo rớt mồng tơi đây mà mỗi bữa tôi còn cho nó ăn một nồi bảy cơm, nó lại kêu đói, huống hồ là nồi ba, chẳng trách nó đâm ra lười biếng. Cha vợ Như Hổ muốn rõ thật hư thế nào, bèn trở về cho Như Hổ ăn đúng một nồi bảy cơm. Mẹ vợ Như Hổ thấy vậy liền nói: -Ông khéo kén được rể quý quá. Làm việc học hành chẳng ra cái gì cả, chỉ được có cái ăn khỏe mà thôi. Hạng người chỉ biết ăn cho nhiều thì còn làm nên gì được mà mình hòng nở mặt, nở mày với thiên hạ. Cha vợ mới trả lời: -Bà đừng có lo, hễ nó ăn mạnh, tức nó làm công việc mạnh hơn người, để rồi bà nó xem. Mẹ vợ không tin bảo: -Nếu nó mạnh hơn người thì tôi có vài mẫu ruộng kia đầy dẫy cỏ, ông hãy bảo nó dọn thử cho tôi xem. Như Hổ nghe mẹ vợ bảo như vậy, đợi sáng hôm sau, vác dao phát cỏ ra ruộng. Đến chỗ cây đa to có bóng mát, Như Hổ thấy buồn ngủ liền nằm xuống đánh một giấc ngon lành. Lúc đó, bà mẹ vợ đi chợ về ngang cây đa, thấy Như Hổ nằm ngủ ngáy pho pho, bà ta điên tiết, đi riết một hơi về nhà, kêu chồng mà nói: -Này ông ra đồng mà xem thằng rể quý của ông, từ sáng đến giờ nó nằm ngủ khò dưới gốc cây đa chớ có làm quái gì đâu. Vậy mà cứ biểu tôi nấu nướng cho nó ăn thật no để nó làm việc. Làm việc gì cái thứ chỉ biết ăn ấy! Cha vợ cũng giận lắm, cùng mẹ vợ xâm xúi đi ra đồng, định cho Như Hổ một bài học. Chẳng dè, trong lúc mẹ vợ trở về nhà, ở ngoài đồng Như Hổ choàng tỉnh dậy, lấy dao ra phát cỏ. Sức mạnh như thần, nên chỉ trong chốc lát, Như Hổ dọn sách trơn mấy mẫu ruộng cỏ. Cá dưới ruộng chạy không kịp, chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Lúc cha mẹ vợ ra tới nơi thấy ruộng sạch rồi bấy giờ mới thấy rõ tài sức của Như Hổ. Cả hai không còn coi thường Như Hổ nữa. Đến mùa lúa chín, mẹ vợ nấu cơn với nồi hai mươi cho Như Hổ ăn, rồi bảo đi gọi thợ gặt lúa. Như Hổ được ăn no liền xin ra đồng để gặt khỏi phải kêu công thợ. Đó rồi Như Hổ lấy một cây tre làm đòn xóc, và đem liềm hái, thừng chạc ra đồng. Vừa được nửa buổi. Như hổ đã gặt xong hai mẫu ruộng, bó làm bốn bó xỏ đòn cân quảy về. Cha mẹ vợ thấy đều vui lòng hả dạ. Từ đó ngày nào cũng cho Như Hổ ăn uống no nê. Mỗi năm vào độ mùa xuân, làng bên cạnh có tổ chức hội đánh vật. Năm đầu dự tranh đánh ngã tất cả các tay đô vật danh tiếng. Năm sau và những năm kế tiếp Như Hổ vẫn giữ chức vô địch môn đô vật. Năm ba mươi tuổi. Như Hổ bắt đầu nổi tiếng văn hay chữ tốt. Đời Quảng Hòa nhà Mạc, Như Hổ thi đỗ tiến sĩ, bấy giờ có ông Nguyễn Thanh cũng thi đỗ cùng khoa với Như Hổ. Nhân lúc nói về gia thế mình, Nguyễn Thanh bị Như Hổ đùa bỡn như vầy: -Cơm gạo nhà bác chỉ đủ cho tôi ăn một tháng là sạch nhẵn. Nguyễn Thanh cười đáp: -Bác nói khi quá, dầu bác ăn khỏe đến bực nào, tôi cũng đủ sức đãi bác trọn ba tháng. Như Hổ cười to bảo: -Bây giờ bác thử đãi tôi một bữa xem sao. Nguyễn Thanh không tin Như Hổ ăn nhiều nên hẹn ngày mời Như Hổ đến huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là quê hương của mình để đãi. Đúng ngày hẹn, Như Hổ tới nơi, Nguyễn Thanh vì bận việc quan nên quên khuấy, không có mặt ở nhà để tiếp đãi bạn. Như Hổ liền nói với vợ Nguyễn Thanh: -Tôi là bạn của quan Nghè đây, nhân có việc quan đi qua đây, có ba mươi người gia nhân theo hầu, vậy xin phu nhân cho một bữa cơm, thì tôi cám ơn lắm. Vợ Nguyễn Thanh tin bằng lời, sai người ở làm thịt một con heo, dọn sáu mâm cơm đem ra. Như Hổ bèn bảo người ở của Nguyễn Thanh: -Chú đi gọi bọn gia nhân của tôi vào đây. Người ở đi tìm chẳng thấy tên gia nhân nào cả. Lúc trở về lại thấy Như Hổ ngồi ăn một mình mà hết cả một con heo và sáu mâm cơm. Ăn xong Như Hổ để lời cảm tạ rồi ra đi. Xế chiều, Nguyễn Thanh về nhà, vợ thuật chuyện: -Bữa nay có một người nói là quen với mình, nhân việc quan đem nhiều gia nhân đi qua đây, nhờ tôi dọn cho một bữa cơm, tưởng là thật, tôi làm cho một con heo, dọn sáu mâm cơm, té ra chỉ có một mình người đó ngồi ăn, trong chốc lắt hết sạch một con heo và sáu mâm cơm, chẳng khác nào quỷ đói. Nguyễn Thanh hỏi về hình dáng, vợ tả sơ qua, ông biết ngay là Lê Như Hổ nên nói: -Đó là bạn của tôi cùng đỗ một khoa, lúc trước có hẹn đến chơi, lỡ bận việc quan tôi quên mất, thế nào người đó cung trách tôi sai hẹn. Sau đó Nguyễn Thanh nhân có việc, đến làng Tiên Châu, ghé thăm Như Hổ. Như Hổ bèn sai người nhà làm thịt hai con heo, thổi bốn mâm xôi, dọn ra hai bàn, mỗi bàn một con heo hai mâm xôi. Một bàn đãi Nguyễn Thanh còn một bàn dành riêng cho Như Hổ. Nguyễn Thanh thì chỉ ăn hết một phần tư con heo, một góc mâm xôi. Còn Như Hổ ăn hết sạch một heo hai mâm xôi, lại ăn thêm một góc xôi và nửa con heo ở bàn bạn. Nguyễn Thanh thấy vậy thất kinh, nói rằng: -Ngày xưa, ông Mộ Trạch có tiếng là ăn khỏe nhứt. Vậy mà cũng chỉ hết mười tám bát cơm, mười hai bát canh là cùng. Nếu ông ấy sanh đồng thời với bác thì cũng phải kém xa đến ba bực. Đã ăn khỏe như thế, Như Hổ còn có tài phò vua giúp nước, về sau được phong làm Lữ Quốc Công, rồi về trí sĩ, đến bảy mươi hai tuổi mới mất. Nói về Như Hổ, người đời cho rằng: đó là người ăn khỏe nhất nước Nam. |
Tuesday, February 25, 2014
Chuyện Xưa Tích Cũ - Người ăn khỏe nhất nước Nam
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment