Hỏi: Phải chăng ai thuần thục trong pháp niệm hơi thở thì có khả năng điều phục tâm?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 2-9-2013, Từ Minh chuyển biên
TT Pháp Tân:Trong pháp môn tu của Đức Phật dù trên phương diện thiền chỉ hay quán, có rất nhiều đề mục điều phục tâm, bởi vì mỗi người thích hợp theo một đề mục cũng như tuỳ thuộc vào căn tánh của mỗi người. Trong chú giải, có 6 căn tánh gồm: Tánh tham, sân, si, tầm, tính, và giác. Mỗi cơ tánh thích hợp cho một số đề mục, không thể nào thích hợp toàn bộ các đề mục.
Có 40 đề mục thiền chỉ: 10 đề mục tuỳ niệm, 10 đề mục bất tịnh, 10 đề mục hoàn tịnh (attina), 4 phạm trú, 4 thiền vô sắc ảnh hưởng về thuộc tính của Niết Bàn, ... Một số người thuần thục về một số căn tánh (tâm) chỉ thích hợp với một số đề mục. Đề mục hơi thở thích hợp với nhiều căn tánh khác nhau. Như vậy, có nhiều đề mục thiền chỉ giúp nhiếp phục tâm. Để nhiếp phục tâm, ngay cơ bản, sơ cơ ban đầu, rất khó nếu không có đề mục hơi thở.
Nói đến phương diện thiền quán, có 4 phạm trù niệm: niệm thân, thọ, tâm, pháp. Có nhiều đề tài niệm thân. Quán về hơi thở là một đề tài của niệm thân. Ở một mức độ nào đó niệm pháp, niệm tâm, niệm thọ, đã tinh vi hơn so với niệm thân. Trong các hoạt động oai nghi, hơi thở lên xuống ra vào đã nói đến niệm thân. Khi thuần thục trong niệm thân, ta triển khai qua niệm thọ, hoặc niệm tâm, hay niệm pháp. Có người nói mình không thích hợp với đề mục niệm thân mà với đề mục niệm thọ hay niệm tâm, hoặc niệm pháp, tức chỉ phù hợp trong phạm trù niệm tâm, thọ hay pháp. Niệm thân là một trong những đề mục sơ khởi để điều phục tâm mình. Trong chú giải, về việc thuần thục về hơi thở, các Ngài nói rằng: Với hơi thở, cách mình đếm 1, 2, 3, 4, 5, ... chẳng hạn và đếm ngược lại theo hơi thở ra, vào như một người mục đồng (chăn trâu) ngày xưa nhưng vẫn còn lại số ít ngày nay.
Trong truyền thống Phật giáo Bắc tông, có hình thập mục ngưu đồ là bức tranh của người chăn trâu. Con trâu ban đầu đi lung tung, đầu này, đầu kia, ăn cỏ, ... vì chưa cột dây lại được. Sau đó, người mục đồng kiếm tìm con trâu, dắt về, lần lượt cột vào gốc cây. Con trâu chịu sự thuần phục bởi sợi dây. Ở đây, sợi dây là ban đầu của việc tập hơi thở theo cách niệm như người mục đồng dắt con trâu về. Niệm hơi thở đó theo 1, 2, 3, 4, ... theo cách thiền chỉ hay quán niệm về hơi thở lên xuống, ra, vào. Giữa chỉ và quán, theo các Ngài giải thích, gần gũi và hổ trợ nhau, không riêng lẻ. Khi ở buổi ban đầu, ta đếm 1, 2, 3, 4, 5, ... hoặc là ngược lại 5, 4, 3, 2, 1, ... Lần lượt, chúng ta đi đến sự thuần thục từ nội tâm của mình. Khi đó, ta chỉ biết hơi thở ra, vào, lên, xuống. Đến một lúc nào đó, giống như sự nhuần nhuyễn đó, người niệm về hơi thở giống như thổi ống sáo, bởi vì không phải vì thổi hơi mạnh “phù phù” để tiếng sáo phát ra mà làm sao nhỏ nhẹ, nhuần nhuyển hơi thở sao rót vào lỗ ống sao để phát ra âm thanh. Các Ngài ví dụ như hậu môn con vịt. Luồng hơi rót ra thế nào để tạo ra tiếng kêu. Người thuần thục về hơi thở ghi nhận từ cái thô cho đến cái tế của hơi thở. Cho đến lúc nào, nếu vẫn còn theo dõi được hơi thở tế (nho nhỏ), ta đã có một sự tiến bộ nội tâm.
Nhiều đề mục niệm tâm để làm nhiếp phục nội tâm. Để thuần thục nội tâm, ở buổi sơ cơ ban đầu hay nền tảng, chúng ta rất cần và không thể thiếu niệm về hơi thở để giúp tâm có sự đình trú. Qua suy nghĩ và việc làm, chúng tôi nghĩ đề mục niệm hơi thở là đề mục dễ dàng để nhiếp phục tâm. Chúng tôi nhớ lời Sư Trưởng nói qua kinh nghiệm tu thiền và giảng dạy về A Tỳ Đàm bấy lâu nay: Điều phục tâm bằng hơi thở là điều quan trọng. Mặc dù, chúng ta đọc trong kinh Tứ Niệm Xứ, có nói đến niệm thân, thọ, tâm, và pháp. Quán thân, thọ, tâm, pháp, vị hạnh giả có thể điều phục tâm của mình. Cũng chính hơi thở huyền dịu vô cùng. Cũng chính hơi thở có khả năng rất lớn để chúng ta điều phục tâm. Trong tu thân, tâm, và khẩu, tu tâm là quan trọng. Điều phục tâm bắt nguồn từ việc ta nhiếp phục trong vọng đọng. Từ đó, ta sẽ được thành tựu trên phương diện tu tập thiền của mình.
No comments:
Post a Comment