Hỏi: Nếu khéo nghĩ khéo suy tư khéo vận dụng trí tuệ của mình thì chúng ta sẽ thấy giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Khi chúng tôi còn nhỏ có đọc một vài tác phẩm nói về đức điềm tỉnh. Đức điềm tỉnh là một đức được xem như nói lên phong thái của người trượng phu, của một người trưởng thành,của một người có giáo dục. Nhưng sau này chúng tôi nhớ lại khi đọc các bản kinh và so sánh quan niệm giữa đạo và đời thì chúng ta thấy rằng sự điềm tỉnh không đơn giản là một điều mà chúng ta có thể thực tập chỉ vì nhờ trí tuệ, mà ở đó cũng cần đến một sự thật là sự trưởng thành thấy biết cái gì nên làm ở trong trường hợp chúng ta phải đối diện bất ngờ với những tai họa của đời sống, đời sống này thì có trăm ngàn thứ bất ngờ. TT Viên Minh trong một bài viết trong quyển "Thư thầy trò" TT nói rằng cuộc sống của chúng ta giống như một người đánh tennis, chúng ta phải chuẩn bị cho những cú đánh bất ngờ và đừng đòi hỏi rằng ở trong cuộc đời này đến với chúng ta một cách lớp lang tuần tự. Phải nói rằng với những sự cố bất ngờ xảy ra trong đời sống con người của chúng ta dễ rơi vào một phản ứng hết sức là bản năng, không có chuẩn bị và không thể đối phó hợp tình hợp lý được, chúng ta thường hay hụt hẫn vì nhất thời không biết phải làm gì hơn.
Nếu chúng ta đi trên một con đường lầy lội. Ngày hôm nay, không biết có vị nào sống ở xứ người còn nhớ đến những con đường lầy lội của quê hương, chúng tôi xa quê hương đã lâu không biết những con đường đó còn lại hôm nay hay không, nhưng nhớ rằng lúc còn ở Việt Nam những khi trời mưa thì đường lầy lội, mang dép Nhật, dép đó đi đến đâu thì bùn văng lên ở phía sau và làm y áo phía sau cũng dính bùn, đi ở trên con đường lầy lội nếu giả xử như một người trợt té và làm văng nước trúng mình thì chúng ta có thể ngồi đó trách tại sao người kia vô ý làm sình vấy bẩn vào người của mình, nhưng mà rồi chúng ta lại quên đi một điều rằng bởi vì đi trên con đường lầy lội thì chuyện đó vốn rất thường xảy ra, đó không phải là lỗi tại mình không phải lỗi tại người mà là lỗi của sự luân hồi.
Có ai sống trong biển trầm luân này mà có thể thoát khỏi được những hệ lụy của kiếp người, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này ở trong rất nhiều trường hợp từ hôn nhân cho đến xã hội cho đến những bối cảnh mà chúng ta gọi là cuộc sống hợp quần của đông đảo, người như trong một tổ chức, hay trong một cộng đồng, hoặc giả là trong một chợ đời cũng vậy. Chúng ta đi vào trong một buổi chợ thì ở đó có những điều được điều không được, và đó là bản chất thật sự của đời sống.
Thì, có một khuynh hướng cố hữu trong mỗi chúng ta là đối diện với rất nhiều trường hợp, trong những trường hợp chúng ta không hài lòng, hay gặp phải một việc gì bực bội thì thường hay tìm một người để qui trách để đổ lỗi tại vì sự đổ lỗi đó có khi làm chúng ta hả dạ nguôi ngoai cơn giận. Như lúc còn nhỏ , nếu chúng ta chạy lỡ vấp phải ghế rồi té và người lớn thường lấy roi đánh vào cái ghế đó để làm hả dạ chúng ta. Chúng ta thường tìm một đối tượng một người nào đó để làm vật thế thân và trút cơn giận lên người đó.
Nhưng với Đức Phật và với chư vị thánh nhân giải thoát thì thái độ đó là một thái độ rất trẻ con, làm sao có thể sống ở trong kiếp trầm luân như một người nhuộm vải mà tay không bị dính màu, làm sao mà tay không dính màu được, chuyện đó là chuyện chắc chắn phải có, đã lăn lộn ở trong cõi hồng trần này thì cái vui cái buồn cái phiền não là một việc chắc chắn không thể nào không có được. Điều này nó cũng soi sáng cho chúng ta một ý nghĩa rất quan trọng là cái thấy chân chánh nó dẫn đến giải thoát và sự giải thoát đó vượt xa tất cả những giá trị khác về đạo đức về luân lý về quả chứng. Cho dù mình ở địa vị nào, cho dù chúng ta là ai và cho dù chúng ta học thức đến đâu đi nữa mà cái thấy của chúng ta không được toàn diện, cái biết của chúng ta không được tinh xác, thì chúng ta rất khó tiêu hoá và rất khó để có thể đón nhận điều trái ý nghịch lòng, mà có thể chúng ta lại là một người tự mình là nạn nhân và làm cho người khác cũng trở thành nạn nhân của cái nhìn hết sức lệch lạc của cuộc sống.
Trong đời sống hàng ngày của chúng ta những người phàm nhân, nếu có ý thức thật sự trong sáng, thật sự rõ ràng thì chúng ta cũng sẽ hoá giải được rất nhiều phiền muộn . Có thể là chúng ta phiền muộn nhưng sau đó nếu khéo nghĩ khéo suy tư khéo vận dụng trí tuệ của mình thì chúng ta sẽ thấy giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não bực bội bởi vì chúng ta nhìn vấn đề một cách thông suốt.
Trong cuộc sống luân hồi này nói đến nghiệp quả phiền não, không những chỉ nói đến nghiệp quả phiền não mà nói đến bao nhiêu cái ràng buột chi chít của vòng sinh hoá mà trong vòng sinh hoá đó hoàn toàn mờ mịt với chúng ta. Nói một cách mang máng thì chúng ta là người tạo rất nhiều nghiệp ở trong quá khứ mà trong số nghiệp đó có cả nghiệp thiện lẫn bất thiện. Và dĩ nhiên, nghiệp bất thiện nhiều hơn là nghiệp thiện. Nghiệp thiện thì thỉnh thoảng chúng ta mới có nhân duyên làm và việc bất thiện thì vô số. Chúng ta có cả một kho tàng vừa là tài sản vừa là thuốc nổ tai họa, chúng ta thừa tự cái nghiệp của mình tức là chúng ta kê vai gánh cả quá khứ một cái quá khứ mà không thể giải thoát dễ dàng được, và cái gì chúng ta đã tài bồi ở trong quá khứ dù là công đức dù là thiện nghiệp lớn đến đâu thì nó vẫn khó so sánh được với nghiệp bất thiện mà chúng ta đã tạo. Hãy nhìn trong đời sống hàng ngày, chúng ta có cả một quá khứ mà mình rất mơ hồ nhưng chúng ta tin chắc biết là có kiếp quá khứ, không phải một kiếp mà vô lượng kiếp quá khứ, với bao nhiêu nghiệp quả và nó sẵn sàng để trổ.
Một người hiểu như vậy thì người đó sẽ viễn ly thế gian và hướng cầu giải thoát. Sự hướng cầu giải thoát nói lên một ý thức rất rõ ràng về tại sao cuộc sống lại có nhiều hệ lụy như vậy, tại sao cuộc sống có nhiều thương đau như vậy.
No comments:
Post a Comment