Tuesday, February 11, 2014

Chuyện Xưa Tích Cũ - Sự Tích Mả Ngụy

SỰ TÍCH MẢ NGỤY
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Trong lúc ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt còn làm Tổng trấn ở thành Gia Định, thì uy thế lớn lắm, phần đông lòng người đều mến phục, nên gọi ngài là đức ông Tả Quân. Ngài có đứa con nuôi tên là Nguyễn Hữu Khôi, quê quán ở Cao Bằng, nhân khởi nghĩa binh làm loạn bị quan quân truy nã phải trốn vào Thanh Hóa, gặp Lê Văn duyệt làm kinh lược ở đó. Khôi mới xin ra qui thuận, được ngài bằng lòng, rồi đem về Gia Định phong chức phó vệ úy và nhìn làm con nuôi, đổi thành họ Lê tức là Lê Văn Khôi. 

Đến khi ngài Tả Quân mệnh chung, vua Minh Mạng bãi chức Tổng Trấn ở thành Gia Định và cử Nguyễn Văn Quế làm Tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm Bố chánh vào cai trị ở Nam Kỳ. Vào lúc này nhiều đình thần dâng sớ xin tội ngài Tả quân, riêng Lê Văn Khôi thì bị bắt hạ ngục để chờ ngày gia hình. Đêm 18 tháng 5 năm 1833, Lê Văn Khôi vượt ngục, cùng các bộ tướng cũ của ngài Tả Quân, hợp sức đánh phá dinh Tổng đốc và Bố chánh. Các ông Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nguyên cùng gia quyến đều bị giết. Lê Văn Khôi chiếm thành Gia Định xong, liền sai Thái Công Triều đem binh đánh chiêm luôn sáu tỉnh ở Nam Kỳ và tự xưng là Đại Nguyên soái, đặt ra các quan chức y như là một triều đình vậy. 

Triều đình Huế được tin này, liền phong Tống Phước Lương làm Thảo nghịch tướng quân, Nguyễn Xuân làm Tham tán, cùng ông Trương Minh Giảng đem binh tướng vào đánh Lê Văn Khôi. 

Vì nghịch với triều đình nên quân của Khôi và các đồng đảng đều bị coi là quân Ngụy (cũng như quân phản loạn). 

Quân hai bên đánh nhau nhiều trận bất phân thắng bại. Đến sau bộ tướng của Lê Văn Khôi là Thái Công Triều làm phản theo về với triều đình, cầm quân đánh lại với Lê Văn Khôi. Vì vậy lực lượng của Khôi dần dần yếu kém, các tỉnh ở Nam Kỳ lần lượt bị quân triều đình chiếm lại. Khôi và đồng bọn bị coi là Ngụy binh, bị cô lập trong thành Gia Định. 

Chống cự được sáu tháng, Lê Văn Khôi ngọa bệnh rồi chết. Tuy vậy, quân Ngụy ở trong thành còn đủ sức cầm cự lâu ngày. 

Nhờ thành Gia Định do ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt xây toàn bằng đá ong, thành cao, hào sâu, ở trong thành có đủ chỗ chứa khí giới, kho trữ lương thực nên dầu Lê Văn Khôi bị bệnh chết rồi, dư đảng vẫn dựa vào sự kiên cố của thành Gia Định mà cố thủ đến ba năm ròng rã, quân triều đình bị chết rất nhiều, mãi đến tháng bảy năm 1835 thành Gia Định mới bị ha. Dư đảng của Lê Văn Khôi bị bắt tất cả là 1831 người, đều bị đem giết chôn sâu vào một cái mả khổng lồ, tục gọi là “Mả Ngụy.” 

Mả Ngụy ở vào chỗ đồng Tập Trận tức là ở cuối đường Lý Thái Tổ, hiện giờ là chợ Trần Quốc Toản (Sài Gòn). 

Do chuyện này mà đời sau gọi Lê Văn Khôi là Ngụy Khôi và người ta cũng thường nói: “Cái đồ Mả Ngụy đầu thai.”để trỏ những đứa con ngỗ nghịch.

No comments:

Post a Comment