Hỏi: Xin định nghĩa các chữ Thiền Quán, Thiền Minh Sát, Thiền Tứ Niệm Xứ, Thiền Tuệ
.
(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp , Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Ðẳng : Kính bạch quí Ngài vài thưa quí vị, hôm nay chúng ta học một bài kệ, Ðức Phật Ngài thuyết ra trong một bối cảnh tương đối rõ ràng cho thính chúng biết về những gì Ngài nói, do vậy Ngài đã không sử dụng ngôn từ nhiều. Ðối với chư Tỳ khưu những vị đã quen với đời sống thiền định, Ðức Phật chỉ nói một vài lời, Ngài chỉ nhấn mạnh một vài điểm là các vị có thể thấy được, nhưng với phần đông của chúng ta ngày hôm nay thì khi nói đến thiền định thì phải nói rằng chúng ta có cả một rừng ngôn từ, rừng ý niệm và hầu như ngay cả những người thực hành một pháp môn thiền thôi, thì đã có nhiều sự tranh luận với nhau về cái nào là đúng, cái nào là sai.
Kính bạch quí Ngài và thưa quí vị, thiền định ở Ðông phương và thiền định tại các quốc gia Tây phương ngày hôm nay, mặc dù xuất phát từ nguồn gốc nhưng nếu chúng ta nhìn một cách kỹ lưỡng, thì chúng ta thấy mỗi nơi có một khuynh hướng tương đối khác biệt, cho dù sử dụng cùng một bài kinh, sử dụng cùng một pháp môn. Chúng tôi lấy ví dụ là tại Ðông phương của chúng ta, những pháp môn thiền nào có cơ sở càng li chi, càng nhiều chi tiết, thì chúng ta nhận ra đó là một pháp môn có chiều sâu. Trong lúc đó tại các thiền viện Tây phương, người ta cố gắng đơn giản hoá các pháp thiền, đơn giản đến mức độ nào mà một người vừa mới bước vào giảng đường, hay ở trong thiền đường có thể nghe trong vòng nửa tiếng đồng hồ là có thể bắt tay ngay vào việc thực hành.
Cả hai đều có một số có lợi và có một số bất lợi. Cái lợi của xã hội Ðông phương là chúng ta cân nhắc rất nhiều, đào sâu vào kinh điển ở nhiều bài kinh khác nhau để tìm ra một ý nghĩa chân thật. Còn cách của người Tây phương, thiền định là một con đường thể nghiệm, trong con đường thể nghiệm đó nên bắt đầu từ bước đơn giản nhất, là làm sao để ngồi, làm sao để tập trung vào hơi thở, và những gì tiếp theo sẽ được nói đến bởi các vị thiền Sư về sau này. Và chính về điểm nay chúng ta không ngạc nhiên thấy rằng một số lớn những người Âu Mỹ ngày nay có thể nhanh chóng bước vào trong thiền đường, và với sự hướng dẫn hết sức là giản dị, họ có thể bắt tay ngay vào việc thực hành thiền. Trong lúc đó người Ðông phương của chúng ta đôi lúc chuẩn bị cả nửa đời người, vẫn chưa thấy đủ can đảm để ngồi xuống tu tập thiền định.
Cách nào cũng có điểm lợi, cách nào cũng có điểm bất lợi, không có cách nào hoàn hảo hết, chỉ có cách gì mà hợp với căn tính của mình. Ðức Phật, có thể nói rằng Ngài biết được căn tính của chúng ta, còn riêng về mỗi chúng ta thì sanh sau thời Phật trụ thế, chúng ta chỉ có thể từng bước một dọ dẫm trên con đường mình đi, để cuối cùng mình có thể xác định được cái gì thật sự có lợi cho mình.
Thưa quí vị, trong bài kệ này đề cập đến hai pháp, chữ hai pháp ở đây nếu chúng ta nói ở trong sinh hoạt hàng ngày, thì thật ra làm cho người ta đặt vấn đề là hai pháp, là hai pháp gì, tại sao chúng ta nói một cách hết sức đơn giản như vậy, nhưng trong hội chúng thời Ðức Phật còn tại thế, thì các vị Tỳ kheo là các vị đã quen sống với đời sống có pháp hành, các vị đã quen với đời sống tu tập do Ðức Phật giảng giải, khi nói lên hai pháp thì các vị nhận ra ngay lập tức, đó là hai pháp gì (dvayesu dhammesu) ở đây hai pháp trong sớ giải nói là hai pháp chỉ và quán.
Và hai pháp chỉ và quán này không những chỉ cần định nghĩa mà chúng ta còn có một số điểm phải nói rằng tranh luận với nhau rất nhiều tại môt số các quốc gia Phật Giáo Nam Tông. Như Thái Lan và Miến Ðiện người ta vẫn có những sự tranh luật với nhau nên hay không nên hành thiền chỉ, và có người thì chủ trương chỉ quán song tu, có người lại chủ trương chỉ riêng thiền quán thôi, và không cần đến thiền chỉ. Trong số các đệ tử cửa Ngài Ajahn Chah, với cách hành thiền của Ngài Sumedho và Ngài Ajahn Brahmavamso tuy cùng một Thầy nhưng cũng có quan niệm tương đối khác biệt. Ngài Ajahn Brahmavamso thì nói nhiều đến thiền chỉ như là một cơ sở bước đầu, còn Ajahn Sumedho đi trực tiếp vào trong pháp quán niệm xứ.
Dĩ nhiên chúng ta không đem hai vị đó ra để làm đề tài thảo luận ngày hôm nay, chỉ là một thí dụ đơn cử cho thấy rằng đã có những cuộc tranh luận rất gay gắt, các cuộc tranh luận gay gắt này là một thói quen mang tánh cách đại quần chúng, là hiện tượng xã hội. Như ở Việt Nam của chúng ta, người ta thường nói thiền tịnh song tu, người theo pháp môn Thiền Tông, người theo Tịnh Độ, hai môn đó ít khi gặp nhau được, tuy nhiên người ta cố gắng để làm một nhịp cầu. Trường hợp của Thiền Tịnh song tu không giống như Chỉ Quán song tu ở tại đây, bởi vì mỗi một phương cách có ý nghĩa khác nhau, chúng ta hãy bắt đầu buổi thảo luận hôm nay với TT Trí Siêu.
Kính bạch quí Ngài và thưa quí vị, chúng ta có nhiều từ ngữ định nghĩa về pháp Thiền Quán hay là Thiền Tứ Niệm Xứ. Gần đây Ngài Hộ Pháp trong một số tác phẩm, đặc biệt là quyển phương pháp hành thiền tuệ, Ngài đã dùng chữ Thiền Tuệ để chỉ thiền Vipassana, thì nhân câu thảo luận số một, xin TT Trí Siêu điểm sơ qua một vài ý nghĩa của những chữ như là Thiền Quán, Thiền Minh Sát, Thiền Tứ Niệm Xứ, Thiền Tuệ.v.v... để cho qúi Phật tử có vài khái niệm, và sau đó chúng ta sẽ đào sâu vào sự so sánh giữa Thiền Chỉ và Thiền Quán. Chúng tôi hy vọng trong 45 phút mà chúng ta có được cho buổi thảo luận ngày hôm nay, ít nhất cũng cho các Phật tử sẽ có một ít ý niệm tổng quát về Thiền Chỉ là gì và Thiền Quán là gì.
Trước hết xin thỉnh TT Trí Siêu hoan hỷ cho biết ý kiến của TT về một số từ ngữ mà chúng ta chuyển dịch từ chữ Vipassan: Thiền Quán, Thiền Minh Sát, Thiền Tuệ, và chúng ta cũng có thể thêm một chữ khác không phải dịch từ Vipassana, mà cũng là Vipassana đó là Thiền Tứ Niệm Xứ, xin thỉnh TT Trí Siêu.
TT Trí Siêu: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Kính bạch chư Tôn Ðức, kính bạch TT Giác Ðẳng, hôm nay trong bài kệ thứ hai của phẩm BàlaMôn trong kinh Pháp Cú, trong bài kệ này có đề cập đến hai pháp, và theo sớ giải thì hai pháp ở đây như TT Giác Ðẳng vừa trình bày cho chúng ta biết là Ðức Phật đã thuyết một cách tóm tắt. Nhưng trong hai pháp được sớ giải đề cập đến tức là chỉ và quán, trong câu thảo luận số một, chúng tôi xin được đóng góp một vài lời giải thích về các chữ như là Thiền Quán, Thiền Minh Sát, Thiền Tứ Niệm Xứ và Thiền Tuệ.
Kính thưa quí vị, danh từ Thiền Quán cũng còn gọi là Thiền Minh Sát, ở đây có một danh từ Pali để chỉ cho hai danh từ dịch này đó là Vipassana. Chữ Vipassana xuất phát từ một động từ pati có nghĩa là thấy hay là nhìn, nhìn xem xét và chữ VI ở đây là giảng lược cho chữ Visesana như vậy thì chữ Visesana có nghĩa là đặc biệt và do đó cho nên thấy và thấy bằng cách đặc biệt thì như vậy được gọi là quán, thấy đặc biệt là như thế nào, tức là thấy bằng cách đặc biệt, có nghĩa là thấy bằng trí tuệ, trí tuệ thấy chứ không phải con mắt thấy, nếu nhục nhãn tức là con mắt thường của chúng ta thấy thì trong trường hợp đó chỉ là vin~n~àta chứ không phải là Vipassana.
Còn ở đây khi đề cập đến chữ thiền quán, thì chúng ta nên hiểu rằng vì loại thiền này vị hành giả không phải định tâm trên một đề mục nào như là đề mục nghiệp xứ, mà vị hành giả cần phải quán thấy với trí tuệ, quán thấy sự sanh và diệt của danh và sắc, như vậy cho nên mới gọi là Thiền Quán. Nhưng ở đây sau này lại có một từ dịch khác tức là Minh Sát, chữ minh có nghĩa là sáng suốt cũng đồng nghĩa với trí tuệ, còn chữ sát tức là xem, sát có nghĩa là thấy, như chữ quan sát v.v... thì như vậy chữ minh sát cũng có nghĩa là thấy bằng trí tuệ hay là thấy bằng sự sáng suốt, nhận chân sự thật, nhận chân thực tính của danh và sắc, thì như vậy đó là một danh từ để chỉ cho Thiền Tứ Niệm Xứ.
Bây giờ chúng ta lại nói qua danh từ gọi là Thiền Tứ Niệm Xứ. Thật ra Thiền Tứ Niệm Xứ cũng là Thiền Quán hay là Thiền Minh Sát, nhưng vì đối với Thiền Quán dựa trên đề mục bốn niệm xứ, mà phát triển tu tập, nên Thiền Quán hay Thiền Minh Sát cũng được gọi là Thiền Tứ Niệm Xứ, là do lấy theo đề mục phát triển thiền này nên gọi là Thiền Tứ Niệm Xứ. Chữ Tứ Niệm Xứ tức là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm,niệm pháp, hay là thân quán niệm xứ, thọ quán niệm xứ, tâm quán niệm xứ, và pháp quán niệm xứ.
Niệm thân tức là lấy sắc uẩn làm đề tài để suy niệm, để quán xét, như là hơi thở ra hơi thở vào, hoặc là chánh niệm tỉnh giác đối với sự đi, sự đứng , sự nằm, sự ngồi hoặc là có chánh niệm ghi nhận quán xét về thân thể trược v.v..Như vậy gọi là lấy sắc uẩn làm đề tài.
Niệm thọ tức là chánh niệm tỉnh giác đối với các cảm thọ như là thọ khổ, thọ lạc, thọ hỷ, thọ xả.
Niệm tâm tức là chú ý chánh niệm tỉnh giác đối với tâm sân, hay thức uẩn, tức là nhận biết được rõ ràng về tâm thiện hay tâm bất thiện đang sanh, do nhân nào mà nó sanh ra và cho đến khi nào nó không sanh trưởng nữa, trong trường hợp đó gọi là tâm quán niệm xứ.
Pháp quán niệm xứ tức là dùng trí tuệ để suy niệm những đề tài như ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới, hoặc ngũ triền cái, hay thất giác chi, bát chánh đạo, tức là suy sét ý nghĩa của từng pháp môn.Thì như vậy gọi là tứ niệm xứ, do tu tập, dùng tứ niệm xứ làm đề tài nên loại thiền quán này cũng còn gọi là Thiền tứ niệm xứ.
Và bây giờ khi chúng ta đề cập đến Thiền Tuệ, danh từ này cũng để chỉ cho Thiền Quán, Thiền Minh Sát, ở đây thưa quí vị, như chúng tôi đã nói là quán thấy, quán sát bằng trí tuệ hay quán xét danh và sắc một cách đặc biệt, tức là thấy bằng trí chứ không phải thấy bằng mắt thường, và trong trường hợp này chúng ta cũng nên hiểu là đối với thiền quán đặt nặng vấn đề phát triển tuệ, vì khi có trí tuệ mới có thể chánh niệm tỉnh giác. Đối với các đề mục và có sự phân tích kỹ lưỡng, chúng ta cũng nên nhớ rằng đối với Thiền Sắc và Vô Sắc, hay là Thiền Chỉ Tịnh thì chỉ đặt trọng tâm ở chỗ đắc định mà thôi, nhưng đối với Thiền Quán hay Thiền Minh Sát thì phải phát triển về tuệ, mà chúng ta gọi là tuệ minh sát hay là tuệ quán, những tuệ đó nắm bắt pháp chân đế, tức là thấy sự sanh diệt của danh sắc, ngộ được lý vô thường, và khi đã nhàm chán, đã sợ hãi hiện trạng của sự luân hồi, hiện trạng khổ của sự luân hồi, thì vị này sẽ đạt đến tuệ đạo, tuệ quả và tuệ phản kháng, và do vậy cho nên khi dựa trên tính chất hay là mục đích của thiền mà gọi là thiền tuệ.
Như vậy nói tóm lại chúng ta có bốn danh từ, thì hai danh từ trước thiền quán nói một cách đơn giản, nói một cách ngắn gọn, nhưng nói cho rõ hơn thì phải gọi là Thiền Minh Sát cả hai từ này đều dịch từ chữ Vipassana. Còn riêng về Thiền Minh Sát hay là Thiền Quán mà gọi là Thiền Tứ Niệm Xứ vì y cứ trên đề mục mà thiền này tu tập phát triển, còn nếu gọi là Thiền Tuệ là dựa trên mục đích của thiền mà gọi, bởi vì đối với Thiền Quán, Thiền Minh Sát đặt trọng tâm ở chỗ là làm như thế nào đó để thành tựu được trí tuệ thấu triệt được danh sắc, hay là trí tuệ trong đạo quả, cho nên ở đây mặc dù chúng ta có bốn danh từ để gọi, nhưng bốn danh từ này đều ám chỉ cho Thiền Quán, không có cái gì khác, và chỉ tùy theo khía cạnh mà đặt tên gọi v.v...
No comments:
Post a Comment