Sunday, July 21, 2013

Chuyện Xưa Tích Cũ - Ông khổng lồ đúc chuông

ÔNG KHỔNG LỒ ĐÚC CHUÔNG

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Nghề đúc chuông bắt đầu có ở Việt Nam vào khoảng năm 1220 đời nhà Lý.

Lúc ấy, Ngọc Hoàng ra lệnh cho ông Khổng Lồ xuống giúp dân Việt. Ban đầu, ông Khổng Lồ vào chùa tu.

Một hôm, ông tâu với vua nhà Lý rằng: -Xin bệ hạ cho phép bần tăng qua bên Tầu, lấy ngọc ngà châu báu.

Vua nhà Lý bằng lòng. Ông Khổng Lồ bèn mang bị, mang gậy đi qua nước Tàu, đến đâu ăn xin đến đó. Ngày nọ đi tới kinh đô, ông nài nỉ vào bái yết vua Tàu. 

Vua Tàu hỏi: -Hòa Thượng vào đây có việc chi?

Ông Khổng Lồ đáp: -Tâu bệ hạ, bần tăng xin phép được vào kho tàng để thỉnh chút ít đồng đen đem về đúc chuông thờ Phật. Bần tăng không lấy nhiều, chỉ xin đầy bị nhỏ này.

Thấy cái bị của ông Khổng Lồ không lớn mấy, vua bằng lòng cho phép ông vào kho.

Trước cửa kho, có tượng một con trâu to lớn đúc bằng vàng ròng. Quan Tàu giữ kho nói với ông Khổng Lồ, giọng mỉa mai: -Tôi cho Hòa thượng con trâu vàng này, nếu Hòa thượng vác nổi đem về An Nam.

Biết rằng quan giữ kho khinh khi mình, ông Khổng Lồ đáp: -Bần đạo làm sao vác nổi nó. Là người tu hành, bần đạo chỉ muốn thỉnh chút ít đồng đen đem về đúc chuông.

Vào tới kho đồng đen, ông Khổng Lồ hốt đồng bỏ vào bị. Bỏ vào rất nhiều mà không thấy đầy vì bị của ông có phép. Chừng đầy bị thì kho của vua Tàu đã lưng hơn phân nửa. Quan giữ kho hoảng sợ biết ông Khổng Lồ là kẻ dị thường, bèn cấp báo cho vua hay. Lập tức, vua Tàu sai quân sĩ tới vây. Vì số đồng đen mang nhiều quá, ông Khổng Lồ không thể nào hóa phép thành con chim để bay được. Ông phải chạy rất nặng nhọc, vất vả. Quân Tàu đuổi theo gần kịp, nhờ họ cưỡi ngựa. Nguy hiểm làm sao, ông Khổng Lồ chạy tới sông Hồng Hà. Lập tức, ông lấy cái nón thả xuống nước, đứng trên nón. Nón ấy hóa ra chiếc thuyền chở ông và bị đồng đen đến bên kia sông. Quân Tàu hoảng sợ, không dám đuổi theo.

Thành Hà Nội thuở ấy gọi là Bắc Thành. Về tới đó, ông Khổng Lồ nhờ mấy người thợ rèn thụt ống bể lên để rèn một cái chuông thật lớn. Ông căn dặn: rèn thế nào cho chuông này giống hình cái bông sen nở, khi đánh vào thì kêu rền lên khắp nơi, khắp chốn ai cũng nghe. 

Vì họ là thợ rèn không chuyên môn đúc đồng nên cái chuông không được như ý muốn. Rốt cuộc ông Khổng Lồ dùng đất sét nắn kiểu khuôn trước, rồi đổ đồng vào sau. Nhờ vậy, cái chuông hoàn thành.

Ông Khổng Lồ bèn sửa sang cuộc lễ tạ ơn Phật Trời. Đúng ngày ông đánh chuông. Mấy tiếng đầu vang rền ngân nga Đông, Tây, Nam, Bắc ai nấy đều hay biết … Đến đỗi con trâu bằng vàng đứng giữ kho bên Tàu cũng giật mình. Ngỡ rằng trâu mẹ gọi mình, tượng trâu vàng nọ chạy một mạch từ kinh đô nước Tàu qua tới kinh đô nước Việt Nam thời ấy. 

Ông Khổng Lồ vừa mừng, vừa sợ hãi. Mừng vì thấy của cải mà người Tàu vơ vét của dân Việt Nam bấy giờ trở về Việt Nam. Sợ vì e vua Tàu cử đại binh qua xâm chiếm nước nhà phen nữa. Bởi vậy, ông liệng cái chuông nọ xuống Hồ Tây. Con trâu vàng nọ cũng nhảy xuống nước theo mẹ.

Đời sau, ông Khổng Lồ được tôn thờ là Thần đúc chuông.



No comments:

Post a Comment