Hầu như mọi người sống trên trái đất này luôn luôn chống chế với một quan niệm là "tất cả pháp hữu vi đều vô thường." Phải! tất cả chúng ta đều sẽ già, đều sẽ bịnh, đều sẽ chết, mọi thứ đều sẽ thay đổi, tất cả những gì chúng ta đang có, dù đẹp, dù xấu, dù hay, dù dở rồi sẽ đi vào dĩ vãng, chúng ta sẽ biến mất trên cuộc đời này, cuộc đời không bỏ chúng ta, chúng ta cũng bỏ cuộc đời.
Như vậy, tất cả chúng ta với một ít trí khôn để hiểu rằng "Tất cả sẽ đi qua".
Chính về điểm này các tôn giáo thường đưa ra một luận điểm là làm sao cái "Vô Thường" biến đổi, có một cái gì trường cửu, vĩnh hằng, nói về một cảnh cực lạc, một thiên đàng, một cứu cánh giải thoát nào đó mãi mãi ở trên đó con người trẻ hoài không già, khoẻ hoài không bịnh, sống hoài không chết. Điều dễ sợ nhất là lý tưởng mà chúng ta tôn thờ, cái đẹp chúng ta mong mỏi. Nếu có một người nhìn chúng ta như Đức Phật đã nhìn bảo rằng: "Tất cả thứ đó đều sẽ vô thường." Thì thưa qúi vị chỉ chừng đó cũng làm cho chúng ta thấy khó lãnh hội, khó đón nhận.
Bài pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn tại vườn Lộc Giả, khi Ngài hỏi các tỳ kheo:
- "Này các tỳ kheo, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường."
- "Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường."
- "Cái gì vô thường thì cái đó khổ hay vui"
- "Bạch Đức Thế Tôn, cái gì vô thường là khổ."
- "Cái gì vô thường là khổ, có sự biến đổi trong vô thường thì có nên cho rằng đó là 'của ta' 'đó là tự ngã của ta' 'đó là ta' chăng?"
- "Bạch Đức Thế Tôn, chẳng nên."
Đó là một trong những lời dạy ngay buổi sơ thời trong kinh Vô Ngã Tướng mà ngày thứ hai, thứ ba sau khi Đức Thế Tôn đặt chân đến vườn Lộc Giả, Ngài đã giảng sau bài kinh Chuyển Pháp Luân.
TT Giác Đẳng giảng "Vô thường trong cái nhìn giáo dục"
No comments:
Post a Comment