Hỏi: Tại sao Đạo Phật lại bi quan quá?
TT Giác Đẳng trả lời: Có lẽ một điều người ta thường nói Đạo Phật bi quan là bởi vì Đạo Phật nhấn mạnh một yếu tố quan trọng ở trong đời sống của chúng ta, là chúng ta phải thắp sáng được ý thức, là chúng ta nên tu tập, nên có thái độ nghiêm túc về cuộc sống của mình. Sở dĩ chúng ta không có ý thức nghiêm túc, đó là bởi vì chúng ta không nhận ra rằng mình đang có chứng bịnh trầm kha, chứng bịnh trầm kha đó là sự khổ, chứng bịnh trầm kha đó là phiền não. Và không có điều gì nguy hiểm cho bằng một người có bịnh mà lại không biết mình bịnh.
Cũng giống như thỉnh thoảng ở đây chúng tôi gặp những vị bị bịnh tiểu đường hay bịnh mỡ trong máu, tiểu đường thì độ đường lên rất cao có thể tới 600 nhưng họ hoàn toàn không biết rằng mình bị bịnh tiểu đường và điều đó trở lên một điều rất là nguy hiểm.
Trong một phẩm quan trọng của kinh Pháp Cú, Phẩm Không Phóng Dật (Appamadavagga) tại sao Đức Phật Ngài dùng chữ Appamada? Hàm có nghĩa là như vầy, một người có pháp appamada là có ý thức được rằng mình có một công việc nên làm, cần làm và làm một cách cấp thiết.
Lấy ví dụ như trong kinh Đức Phật Ngài dạy rằng nếu một niệm thiện khởi lên thì hãy nhanh chóng thể hiện niệm thiện đó, bởi vì niệm thiện có thể tan biến rất nhanh chóng. Và nếu niệm bất thiện khởi lên thì hãy nhanh chóng diệt trừ niệm bất thiện đó, bởi vì niệm bất thiện đó sẽ mau chóng lan truyền.
Đức Phật Ngài trong quan niệm Ngài dậy cho chúng ta về appamada có nghĩa là chúng ta tìm thấy một nhu cầu khẩn thiết, một nhu cầu thúc bách nó không chờ mình, chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào và tâm bất thiện có thể trù dập mình bất cứ lúc nào.
Trong lúc này chúng ta đang hoan hỷ để làm một việc thiện, nhưng nên nhớ rằng sự hoan hỷ đó rất phù du, rất mong manh, có thể bị tan biến, bị tiêu diệt ở trong thời gian rất ngắn, và rất cần để chúng ta thắp sáng ý thức rằng chúng ta phải tích cực để diệt tâm bất thiện đó.
Và rồi Đức Phật Ngài cũng dậy cho chúng ta biết được rằng chúng ta có một nỗi khổ, có phiền não, khi thời gian chúng ta vui, chúng ta khỏe, thời gian mà tinh thần sảng khoái, để chúng ta có thể suy nghiệm đạo lý, thực hành đạo lý không có bao nhiêu hết. Mà ngược lại thời gian của chúng ta bị hao mòn ý chí, thời gian mà sức khoẻ của chúng ta không còn tốt nữa thì có rất là nhiều, do vậy người ta thường nói đến đạo Phật bi quan, nhưng họ quên rằng đạo Phật không phải vẽ ra con đường bi quan của cuộc đời, để cho thế gian rơi nước mắt ,để cho thế gian bi lụy giống như những tuồng cải lương.
Mà đạo Phật nói lên nhu cầu cần thiết của đời sống, và những nhu cầu khẩn thiết đó nếu một người nhìn một cách trung thực, thì phải nhận rằng chúng ta có một nhu cầu rất khẩn thiết, để tu, để thay đổi đời sống tâm linh của mình, và đặc biệt chính nhu cầu cần thiết đó mới nói lên ý nghĩa của chữ appamada hay là chữ tinh cần hay là chữ không phóng dật. Đó là câu trả lời của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment