Saturday, March 23, 2013

Phật Học Vấn Đạo - nghĩa câu "Chánh Pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp" là thế nào


Hỏi : “ Chánh Pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp”. Kính xin chư Tăng giảng rõ câu trên.

(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 03 tháng 02 năm 2008 - Chánh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trong kinh điển Đạo Phật cho chúng ta thấy một điều rằng, Đức Phật Ngài có những lời dạy bao gồm rất nhiều lãnh vực rộng lớn của đời sống, trong nhiều phạm vi khác nhau. Do vậy khi người Phật tử học Phật, đặc biệt phải rất cẩn trọng, để chúng ta tự hỏi Đức Phật dạy câu đó trong bối cảnh như thế nào? Và chúng ta nên áp dụng như thế nào?. Ví dụ có nhiều khi quý vị nghe Đức Phật dạy rằng, một người bằng mồ hôi nước mắt của mình làm ra tài sản và hưởng dụng tài sản đó thì đó là một điều hạnh phúc, đáng tán thán. Khi nghe Đức Phật nói như vậy chúng ta nghĩ rằng Đức Phật khuyến khích chúng ta làm giàu, rồi thụ hưởng cái giàu đó. Nhưng sự việc đó chỉ đúng áp dụng cho người cư sĩ thôi, không đúng với vị xuất gia.
Hay có lúc Đức phật Ngài dạy một người nên sống với nhiều bổn phận, bổn phận đối với gia đình, bổn phận đối với xã hội . Có những khi Đức Thế Tôn ngài khuyến khích bỏ tất cả để có đời sống phạm hạnh thuần khiết như một vị ẩn sĩ một vị Muni. Tương tự như vậy, trong bài kinh Xà dụ ( Ví dụ con rắn) trong Trung bộ kinh, bài kinh mà chúng ta trích ra câu này. Trong đó Đức Phật có dùng hình ảnh chiếc bè, chiếc bè là phương tiện đưa qua sông và Ngài ân cần nhắc rằng, cái phương tiện dù cho đắc dụng, dù cho tốt nhưng không phải là cái gì chúng ta ăn đời ở kiếp, hay làm chiếc bè qua sông rồi chúng ta vác chiếc bè đi tiếp cuộc hành trình còn lại. Chiếc bè đó chỉ tốt nếu chúng ta xử dụng nó làm phương tiện qua sông, nhưng khi qua sông rồi chúng ta phải hiểu rằng chiếc bè đó không dùng được nữa.
Tương tự như vậy những thành tựu những sở chứng trong đời sống của chúng ta, tốt ở một giai đoạn nào đó, nhưng chúng ta phải có khả năng tiếp tục lên đường. Khả năng tiếp tục lên đường là không để chúng ta dính mắc, không để chúng ta bị kẹt bị chận lại với cái mình có , cái mình được, cái mình thành tựu. Đây là một điểm cực kỳ khó khăn, cực kỳ tế nhị,bởi vì con người khi sống được nhiều thứ quá đôi khi trở thành gánh nặng về sau này.
Cách đây không lâu chúng tôi ngồi trong một trường thiền, ngày hôm đó sáng trăng. Trong lúc ngồi thiền, chúng tôi mở mắt ra, trong ánh trăng mờ ảo chúng tôi nhìn thấy gần cả hai trăm người ngồi trước mặt vị Thiền sư. Chúng tôi ngồi trên hàng chư Tăng chung với Ngài rồi ngó xuống. Chúng tôi tự hỏi một câu, giả sử trong số người đang ngồi thiền tại đây, một tuần lễ trước đó họ trúng số độc đắc, trở thành triệu phú có mấy mươi triệu đồng, không biết trong giờ phút này sau khi họ trúng số họ có ngồi đây tập trung tinh thần để ngồi thiền hay không? Câu trả lời đơn giản chắc chắn là không.
Giả sử khi chúng ta sắp nằm xuống, kề cận với cái chết sắp rời bỏ cuộc đời này. Trước đó chúng ta nhớ rằng mình trúng số có số tài sản rất lớn, liệu rằng mình có thể ra đi khỏi cuộc đời này với tâm tư thanh thản không? Ở đây chúng ta nhìn thấy một điều rằng, có những cái chúng ta xem rất được, nhưng cái được đó làm cho chúng ta kẹt lại thì về sau này nó là cái gánh chứ không phải là cái được. Có trăm ngàn thứ trong đời sống của chúng ta mà ở giây phút bắt đầu nó là cái được nhưng về sau trở thành gánh nặng. Quý vị có gia đình quý vị hiểu, người hôn phối của mình hay con cái. Ngày nào cặp vợ chồng son rất mong mỏi có con cái, nhưng sanh con ra nuôi con lớn lên có những âu lo cũng phiền luỵ con cái. Có nhiều người phải buộc miệng nói rằng “con là nợ vợ là oan gia” chẳng hạn. Bởi vì niềm vui chỉ đến một giai đoạn nào đó, một giây phút nào đó, nhưng cái gánh về lâu về dài rất nặng.
Không phải những pháp như tài sản, những pháp bất thiện mà ngay cả thiện pháp cũng vậy. Đức Phật Ngài ân cần nhắc chúng ta rằng, chúng ta dễ thoả mãn và dễ kẹt. Nói một cách khác nếu mình muốn chứng nhị thiền mình phải bỏ sơ thiền, nêu muốn chứng tam thiền phải bỏ nhị thiền. Nếu chúng ta muốn có sự tiến bộ đi tới, chúng ta phải có khả năng để rủ bỏ cái chúng ta đang có. Nếu chúng ta cứ khư khư ôm chặt lấy nó, chúng ta không thể đi tới được. Ở đây trên phương diện khả năng buông bỏ khả năng xả ly, chỉ có một vị xả ly tức là buông bỏ thật sự thì đạt đến cảnh giới vô cầu, đến cảnh giới cao siêu.
Những ai sống trong cuộc đời này, nếu có cái gì mình cảm thấy ưa thích mình bám víu, thì rất tai hại. Khi chúng tôi nghiệm những chương trình Phật Pháp trong room ở đây, chúng tôi thường nghĩ đến một việc, nhiều khi quý vị thấy chương trình Chư Tăng giảng dạy bởi nhiều vị giảng sư, giảng dạy với nhiều đề tài với nhiều phương cách khác nhau. Chúng tôi thấy rằng có những vị rất thích cách giảng của sư Pháp Đăng, có những vị thích cách giảng của sư Tuệ Siêu, cách giảng của chúng tôi. Có những đề tài quý vị thích như A-tỳ-Đàm, có vị thích môn Thiền học, môn này môn kia. Thực sự chúng tôi lấy tinh thần phổ quát của kinh điển, gồm nhiều thứ, có thể nói rằng rất đa dạng. Và chúng tôi cũng mong rằng trong cái cơ duyên chúng ta có mặt tại đây, chúng ta có học và cảm nhận được cái hay của nhiều môn học khác nhau. Chúng ta có thể cảm kích được cách giảng dạy của nhiều vị khác nhau và tất cả chúng ta có thể song hành, có thể đi tới mà không bị kẹt.
Trở lại ví dụ chiếc bè qua sông. Yếu lý cao nhất của Đạo Phật là làm sao chúng ta có khả năng buông xả, không dính mắc. Vì không dính mắc chúng ta có thể đi tới, không bị kẹt lại. Tuy nói một cách đại loại như vậy nhưng nó là một yêú lý rất sâu xa và rất khó cho chúng ta . Bởi vì trong đời sống, chúng ta nắm được cái gì thì nắm, chụp được cái gì thì chụp, dính mắccái gì thì dính mắc. Ít có ai nghĩ rằng những điều mình đang nắm bắt không phải là cái mình có mà chính là cái mà mình bị kẹt, rất khó để hiểu như vậy.
Vì vậy khi Đức Phật Ngài nói rằng, “ Chánh Pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp” Chữ Chánh Pháp đây là chữ Dhamma, chữ phipháp là Adhamma để Ngài nhắc lên một yếu tính rất quan trọng là, Một người tu tập phải có khả năng đi tới, nhưng chúng tôi xin thưa rằng có rất nhiều người hiểu sai về điều này. Người ta hiểu rằng nên bỏ tất cả. Chánh pháphay phi pháp đều bỏ. Chúng ta chưa có khả năng đó, bây giờ là một người đang tu tập chưa đắc đạo chứng quả chúng ta nên sống với Thiện pháp. Thiện pháp là bạn lành, Thiện pháp là nơi nương an ổn cho chúng ta. Nhiều người nhân danh đó bỏ hết tất cả. Khi chúng ta chưa có cái căn bản mà chúng ta bỏ hết tất cả thì rốt cuộc chúng ta trở thành miếng mồi ngon của Ma Vương và chúng ta không được gì hết. Người ta nói rằng, “ Mình chưa làm Thánh thì đừng bắt chước như ông Thánh”. Do đó phải rất đặc biệt cẩn trọng về điểm này. Đức Phật Ngài cũng cho chúng ta biết rằng, hành Pháp gíông như mình bắt rắn, như mình uống thuốc. Thuốc hay là một lẽ, nhưng còn phải khéo ứng dụng, khéo lãnh hội. Áp dụng đúng chỗ thì lợi lạc mà nhận thức sai chẳng những không lợi lạc mà làm cho mình thiệt thòi, làm cho mình rơi vào chỗ thối đọa.
Đó là vài lời đóng góp cho câu hỏi.

No comments:

Post a Comment