MỘT CÁCH ĐỂ CHO CON CHÁU
Bàng Công tính điềm đạm, không mấy khi bước chân tới chốn tỉnh thành. Hai vợ chồng ở nhà chăm chỉ làm ăn và thường kính nhau như khách vậy.
Một hôm Lưu Biểu tìm đến chơi. Bàng Công đang cày dưới ruộng, bỏ cày lên bờ nói chuyện, còn vợ con vẫn cứ ở dưới đồng.
Lưu Biểu thấy thế, hỏi rằng:
- Sao tiên sinh khổ thân cày cuốc, chẳng chịu ra kiếm chút quan lộc, sau này lấy gì để lại cho con cháu?
- Bàng Công nói: Người đời ai cũng lấy "nguy" để cho con cháu, duy chỉ có tôi đây là lấy "an" để cho con cháu mà thôi. Cách để lại cho con cháu, tuy khác nhau, nhưng thực thì đàng nào cũng gọi là để cả.
Lưu Biểu nghe nói, than thở rồi từ đi.
HẬU HÁN THƯ
GIẢI NGHĨA
- Điềm đạm: yên tĩnh không sốt sắng nồng nàn.
- Bàng Công: tức là Bàng Đức Công, người hiền ở đất Tương Dương, đời Đông Hán không chịu ra làm quan, vào ẩn ở núi Lộc Môn, hái thuốc và làm ruộng kiếm ăn với vợ con.
- Kính nhau như khách: yêu mến mà không dám khinh nhờn, cư xử với nhau như bậc khách quý vậy.
- Phu phụ tương kính như tân: lễ nghi bên Á Đông ta xưa nay như thế.
- Lưu Biểu: người đất Cao Bình đời Đông Hán làm Thứ sử ở Kinh Châu, có bụng yêu dân, trọng người tài giỏi.
- Khổ thân; để cho thân mình khó nhọc vất vả.
- Quan lộc: lương bổng của một chức quan.
- Nguy: nghèo nàn hiểm, hại.
- An: yên ổn vững bền.
LỜI BÀN
Ông cha ai là chẳng lo để cho con cháu. Nhưng lo cũng tuỳ cách, tuỳ thời. Thói thường ở đời, ai nấy lo để cho con cháu, đều theo như câu của Lưu Biểu, chỉ cốt lo sao cho chúng có chút danh phận, tài sản tưởng đã là mãn nguyện lắm. Cách lo ấy cũng là chánh đáng. Nhưng khi sinh vào thời loạn như cái thời Bàng Công, Lưu Biểu đây, Tam Quốc phân tranh, thì trưởng lo như thể, là chỉ mới biết lo cái ngọn mà không chịu nghĩ đến cái gốc. Phàm ở thời loạn. "Khó làm thế nào giữ được đầu, giầu làm thế nào giữ được của", quan càng to, của càng nhiều, thì nguy càng lắm. Trong khi tỉnh này, tỉnh nọ xô xát, quan quân đâm chém, cướp trộm tứ tung, đòi tiền bắt cóc ngay như nước Tầu độ nào, thì cha mẹ để cho con cháu bao nhiêu của cải bao nhiêu kho tàng, phỏng có chắc rằng con cháu giữ nổi được không? Chi bằng làm như Bàng Công đâỵ chỉ lo mà dạy cho chúng có nghề nghiệp, biết giữ phận, thế cũng yên vui sung sướng rồi. Cái cách để lại cho con cháu ấy ở thời loạn là hay mà ở thời bình cũng là hay vậy.
No comments:
Post a Comment